| Hotline: 0983.970.780

Ta cũng gieo trồng cấy hái rồi mới ăn

Thứ Tư 05/06/2024 , 19:05 (GMT+7)

Khi thành đạo, Phật chủ trương ăn chay không phải vì ghê sợ đồ ăn mặn mà Ngài muốn lan truyền tinh thần không sát sinh, không bạo lực giữa muôn loài.

Tranh: VectorStock.

Tranh: VectorStock.

Thời ấy, trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ, dân chúng theo đạo Bà La Môn có tục hiến tế gia súc cho thần linh. Giết một con dê để tế thần. Giết một con bò cũng để tế thần. Sửa cái lễ nhỏ thì làm thịt một con gà. Người ta cho rằng cúng tế sẽ làm cho các vị thần hài lòng, các thần sẽ ban cho con người của cải, những cơn mưa có ích cho mùa vụ hoặc biến mọi ước nguyện thành sự thật.

Phật từng kể cho đồ đệ nghe câu chuyện ngụ ngôn này: một giáo sĩ Bà La Môn sắp sửa giết một con dê để cúng tế thì thấy con dê chảy nước mắt. Giáo sĩ bảo: Thì ra mi cũng sợ chết như con người. Con dê đáp: Ta khóc cho ngươi đó, giáo sĩ ạ. Giáo sĩ giật mình: Mi nói gì mà lạ. Con dê kể, một trăm năm trước nó là giáo sĩ và có lần nó đã cầm dao giết một con dê, để bây giờ nó phải chứng kiến sự đảo ngược vai trò.

Có người chỉ coi đó là một ngụ ngôn hàm ý không nên hiến tế gia súc. Người thì thấy trong đó chuyện mỗi người đều trải qua muôn vạn kiếp, có kiếp là con ong cái kiến, có kiếp là con dê con cừu. Vậy có khi những vật tưởng như vô ưu vô tư kia từng là chính ta hoặc anh chị em con cháu của ta. Đó là lý do con người cần phải sống hòa hợp với mọi giống loài, phải coi chúng như anh em bè bạn hoặc chính là mình. Một khi tất cả đều là người thân thì phải sống với nhau trong yên bình, không dùng bạo lực với nhau, không sát hại nhau.

Đi tới đâu Phật cũng khuyên mọi người không nên giết súc vật để cúng tế. Có người tức giận phản ứng:

- Các sách kinh của Bà La Môn đều nói rằng giết súc vật để cúng thần là đúng đắn. Sao ngài dám dạy khác đi như vậy?

Phật đáp:

- Mọi sinh linh đều coi mạng sống của mình là quý hơn hết thảy. Chúng ta cũng thế. Vậy ta giết một con vật chỉ để làm vừa lòng thần linh thì quả là ích kỷ. Nhưng nếu ta cư xử bằng tình thương và lòng tốt đối với mọi sinh linh, thì chính các vị thần lại phải phụng thờ ta đó.

Dần dần, nhiều người bỏ tập quán giết súc vật để cúng tế. Phật truyền bá một hình thức ẩm thực mới, chỉ ăn rau quả thực vật. Vốn là một thái tử, từ bé sống trong hoàng cung, đã quen nếp ẩm thực của một xã hội theo đạo Bà La Môn, Phật không xa lạ với việc ăn thịt động vật. Khi thành đạo, Phật chủ trương ăn chay không phải vì ghê sợ đồ ăn mặn mà Ngài muốn lan truyền tinh thần không sát sinh, không bạo lực giữa muôn loài.

Buổi đầu các sư được gì ăn nấy và có một số khất sĩ bị coi là phạm giới: sư đã ăn thịt động vật được bỏ vào bình bát. Phật phải nhượng bộ thực tế đó bằng cách giảng: nếu nhận được đồ ăn mặn mà “ba không” (không thấy, không nghe, không nghi rằng con vật ấy bị đánh bắt hoặc bị sát hại vì mình) thì có thể ăn được. Chủ trương này cho thấy sự mềm dẻo linh hoạt của Phật trước thực tại. Nhưng nhìn chung Ngài quyết tâm giữ giới không sát sinh và tránh để cho đồ đệ lấy “ba không” để ngụy biện cho việc phạm giới.

Ảnh hưởng của Phật giáo trong việc ăn chay trường tồn suốt mấy nghìn năm. Việc ăn chay còn ảnh hưởng ngược trở lại với đạo Bà La Môn, tiền thân của đạo Hindu. Đến tận ngày nay đa số tín đồ Hindu vẫn duy trì việc ăn chay. Ngay cả những người Ấn ăn chay hoàn toàn, đa số vóc dáng vẫn cao lớn, một phần là nhờ thường xuyên uống sữa. Sữa trâu murrah đặc sánh là đủ cho sinh lực. Thời Phật, các khất sĩ hay được cúng dường bằng những bát cháo sữa. 

* * *

Có năm nông dân bị mất mùa, đói kém, các nhà sư đi khất thực đôi khi phải về không. Phật đi về phía nam thành Rajagaha, rẽ vào một làng nhỏ. Vị chúa đất đang phân phát cháo sữa cho nông dân. Phật cũng đứng vào hàng. Nhận ra vị khất sĩ, vị chúa đất Bà La Môn tỏ vẻ thiếu cảm thông với một giáo thuyết mới. Ông ta bảo:

- Ta phải cày bừa gieo trồng cấy hái mới có được miếng ăn. Ai cũng như các thầy thì lấy ai làm lụng trên mảnh đất này. Hỡi khất sĩ, ngài cũng phải gieo trồng đi đã rồi mới được nhận phần thức ăn cho mình.

Phật bảo:

- Này vị Bà La Môn, ta cũng cày bừa gieo hạt, xong rồi ta mới ăn đấy.

Vị chúa đất ngạc nhiên:

- Ngài nói gì vậy? Ta đâu có thấy các ngài cầm cày cầm cuốc bao giờ?

Phật đáp:

- Ta gieo hạt giống đức tin, chiếc cày của ta là trí tuệ, sự siêng năng của ta là con bò kéo cày, thành quả lao động của ta là Sự Bất Tử. Bất cứ ai làm được việc ấy thì sẽ thoát khỏi mọi khổ đau.

Vị chúa đất bỏ chiếc muôi gỗ vào trong nồi cháo, chắp hai tay tỏ ý đã hiểu. Lúc này ông ta mới xin được cúng dường Phật một bát cháo. Phật từ chối. Chỉ nhờ tài hùng biện mà đạt được tặng vật thì tặng vật ấy không phải là món khất thực chân chính. Thí chủ cũng không nhờ đó mà được phúc đức.

Tuy vậy, bát cháo sữa đã bị từ chối cũng không thể dùng vào việc gì được. Người Bà La Môn có phẩm hạnh sẽ không ăn mà cũng không thể đem bát cháo ấy cho nông dân. Vị chúa đất chọn cách thả bát cháo xuống dòng suối ở gần bên. Ông ta trở thành bạn của giáo hội và từ đó thường xuyên cúng dường cho các khất sĩ.

Xem thêm
Bí quyết sở hữu vé chương trình 'Bài hát của chúng ta' top 1 rating VTV3

Đến hết 30/10/2024, khách hàng chi tiêu thẻ quốc tế VPBank thỏa mãn điều kiện hoặc tham gia minigame trên fanpage sẽ nhận vé dự chương trình 'Our Song - Bài hát của chúng ta'.

Man.City có tín hiệu 'an toàn' trong phiên tòa thế kỷ

Phiên toà thế kỷ xét xử Man.City vẫn đang diễn ra nhưng những bước đầu tiên cho thấy đội bóng này đang có cơ hội... an toàn.

Kỷ lục gia Hoàng Nguyên Thanh tham dự Berlin Marathon

Chân chạy số 1 của điền kinh Việt Nam ở đường chạy dài và marathon là Hoàng Nguyên Thanh góp mặt giải Berlin Marathon 2024 tại Đức.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.

Bình luận mới nhất