Nhà thơ Phan Vũ (1926-2019). |
Nhà thơ Phan Vũ tên thật Trần Hồng Hải sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Sau một thời gian đi bộ đội, ông chuyển sang hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Không chỉ có những kịch bản như “Lửa cháy lên rồi” hoặc “Dòng sông âm vang”, Phan Vũ còn làm đạo diễn nhiều bộ phim như “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”…
Tuy nhiên, nhắc đến Phan Vũ là công chúng nhớ ngay đến thi phẩm “Em ơi, Hà Nội phố”.
Bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” gồm 23 đoạn thơ. Mỗi đoạn thơ đều được trợ hứng bằng câu chủ chốt “Em ơi, Hà Nội phố”, trừ đoạn thơ thứ 13 và đoạn thơ thứ 20. Đoạn thơ thứ 13 được đặt tên “Riêng về một chuyến đi” phản ánh một không khí cách mạng: “Con tàu chở những người lính. Về phía Nam vào trận đánh. Chở theo những căn phố, những con đường/ Chở nguyên Hà Nội nhớ? Với những vết môi hôn”.
Đoạn thơ thứ 20 được đặt tên “Riêng về một tháng Chạp” trình bày nỗi tang thương chiến tranh hủy diệt: “Tháng Chạp/ Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa/ Đã có tên/ Trong vòng hoa tưởng niệm/ Một tháng Chạp/ Trắng khăn sô/ Khói hương dài theo phố…”.
Nếu bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” chỉ do chính Phan Vũ đi đọc trọn vẹn 443 câu cho bạn bè thưởng thức giữa những cuộc tụ bạ nghiêng ngả thì có lẽ tính phổ biến của “Em ơi, Hà Nội phố” không được như hôm nay. Năm 1986, nhạc sĩ Phú Quang đã lẩy ra vài câu trong các đoạn thơ thứ 1, 2, 3, 7, 10, 20, 21 và 23 để phổ thành ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” lan tỏa đến người hâm mộ nhiều thế hệ.