Tác giả trẻ Bình Định vốn có họ tên đầy đủ là Trần Quốc Toàn, sinh năm 1992 tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Ban đầu tác giả trẻ Bình Định dùng bút danh theo đúng tên cha mẹ đặt cho, nhưng vì đã có nhà thơ Trần Quốc Toàn (sinh năm 1949) thành danh với thơ thiếu nhi, nên anh quyết định đổi bút danh thành Nhiên Đăng.
Tác giả trẻ Nhiên Đăng từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương nho nhỏ và in tập thơ riêng “Linh giác trắng” vào năm 2023. Anh bộc bạch: “Viết là sự dẫn gợi về thế giới theo cách riêng của mình. Thơ giúp tôi truyền tải thông điệp về thiên nhiên, con người và cuộc sống chung quanh cùng những quan niệm thẩm mĩ thông qua sự nghĩ ngợi. Trong mỗi sáng tác, tôi muốn tạo nên sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại cho phù hợp, gần gụi với suy tư, trăn trở với thời đại mà mình đang sống”
Cuộc thi Thơ Hay do tạp chí Văn Nghệ TP.HCM đăng cai, nhận tác phẩm ứng thí từ ngày 1/5/2023 đến ngày 29/2/2024. Vượt qua 577 tác giả với 2750 bài dự thi, tác giả trẻ Nhiên Đăng đã đoạt giải Nhất bằng chùm thơ “Đảnh lễ mùa màng”, “Nằm mơ giữa ngày” và “Ngả lưng vào ghế”.
Ban chung khảo cuộc thi Thơ Hay gồm nhà thơ Trần Hữu Dũng, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn và nhà thơ Khánh Chi đều có chung đánh giá, tác giả trẻ Nhiên Đăng là một gương mặt thi ca giọng điệu mới mẻ. Với quan sát tinh tế và hình ảnh sinh động, tác giả trẻ Nhiên Đăng thể hiện một phong vị làng quê nhiều màu sắc giữa nhịp sống lao động và đời sống tâm linh.
Làng quê trong thơ Nhiên Đăng không còn những vần điệu đong đưa và trễ nãi. Bức tranh làng quê thời hội nhập được chấm phá bằng những nét hối hả và trắc ẩn: “Hoa nhài thơm trong nắng/ Bầy chuồn chuồn quần thảo trên đám khổ qua/ Nhớ một người bạn đã mất, chú chó vện sống mười hai năm/ Ngả lưng vào ghế, thấy đời nhẹ tênh/ Như sông trôi, mây trôi và gió thổi/ Mười năm một chặng đường đầy những suy tư/ Vui và buồn/ Ngả lưng vào ghế, thấy mình ở đâu đó trên con đường có ánh trăng/ Giữa những đám ruộng trồng dưa hấu đỏ/ Nghe được thinh không chứa đầy tiếng côn trùng/ Tiếng cành cây mục rơi hoang”.
Cái rát bỏng của nắng gió miền Trung đi vào thơ Nhiên Đăng một cách tự nhiên và rạo rực, như những thước phim quay chậm từng khoảnh khắc nhớ thương. Tác giả trẻ Nhiên Đăng soi rọi từ bản thân “Theo dấu chân trâu vung roi trên cánh đồng khô hạn/ Gió thổi qua những ngọn tháp, những ô ruộng, những ngôi nhà mái lợp/ Tro tàn nơi góc vườn là ngôn ngữ đất/ Và bếp lửa là bài thơ thắp sáng ước mơ tôi”, để có cách riêng bái vọng tổ tiên: “Những linh hồn sống dậy trên cánh đồng lúa chín/ Họ gặt lúa, tát cá, ngồi che nắng và kể chuyện làng/ Những người áo vàng đi trên đường cái tháng sáu/ Cát và gió tạt qua chân họ/ Giữa những gam màu trắng như mây trôi/ Họ bay lên trời/ Để lại những ô ruộng vàng như áo họ mặc”.
Ngoài giải Nhất thuộc về tác giả trẻ Nhiên Đăng, cuộc thi Thơ Hay còn trực tiếp chứng minh một thế hệ nhà thơ khác đã xuất hiện trong nền thi ca nước ta, với dòng cảm xúc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Giải Nhì trao cho Trần Đức Tín (TP.HCM) và Lệ Hằng (Đà Nẵng), cũng như giải Ba trao cho Nguyễn Đức Hưng (Kon Tum) và Hoàng Thị Hiền (Quảng Ninh) đều là những tác giả thế hệ 8X và 9X.