| Hotline: 0983.970.780

Tái cấu trúc nền kinh tế: Cần giải pháp cụ thể

Thứ Hai 24/10/2011 , 12:08 (GMT+7)

Sáng nay 24/10, theo lịch trình, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011...

* Vỡ nợ hàng loạt là do quản lý tiền mặt lỏng lẻo

Sáng nay 24/10, theo lịch trình, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012.

Buổi chiều, tại hội trường, các đại biểu sẽ nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khiếu nại và tiếp tục thảo luận dự luật này.

Trước đó, cuối tuần qua chiều ngày 21/10, các đại biểu đã thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển năm 2012 và giai đoạn 2011 - 2015. Đồng tình với báo cáo của Chính phủ trong việc đánh giá những mặt tích cực và yếu kém trong thời gian qua, nhiều ĐB cho rằng khó khăn đã nhìn ra nhưng Chính phủ lại thiếu những biện pháp cụ thể để khắc phục yếu kém, nhất là trong kiềm chế giá cả và tái cơ cấu nền kinh tế. 

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới còn không ít khó khăn, thách thức nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể. Ví dụ như vấn đề lạm phát cao, kéo dài liên tục trong 5 năm trở lại đây. Hệ thống phân phối hiện nay đang có vấn đề nên đã làm chênh lệch giá ngay từ khâu sản xuất đến bán lẻ. Nguyên nhân là do buông lỏng quản lý khâu trung gian.

Bên cạnh đó, theo ĐB Ngân một nội dung lớn được Chính phủ đặt trọng tâm là tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng qua báo cáo thì các biện pháp cụ thể trong tái cơ cấu đầu tư, ngân hàng thương mại chưa được hoạch định cụ thể, trong khi đây là việc cần làm nhanh. “Chúng ta nói cắt giảm đầu tư công nhưng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư phát triển, việc vẫn dựa vào khu vực này cũng là điều không hợp lý với chủ trương tái cơ cấu”- ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Liên quan đến giải pháp phát triển vốn cho DN trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, theo ĐB Nguyễn Ngọc (TP HCM), Chính phủ cần có giải pháp phát triển thị trường chứng khoán để giảm gánh nặng huy động vốn từ ngân hàng. “Để làm được điều này, Chính phủ cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa các DN lớn, từ đó giải quyết vấn đề vốn cho DN, tạo cơ hội giảm dần lãi suất”- ĐB Ngọc kiến nghị.

 Đồng tình quan điểm trên, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích thêm, nhóm giải pháp tiền tệ và tài khóa là liều thuốc nặng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng nó đang có tác dụng phụ ảnh hưởng nhiều đến DN. Vì vậy, năm 2012 Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể để giải quyết những tác dụng phụ này.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cảnh báo về hiện tượng vỡ nợ hàng loạt trong thời gian gần đây là hệ quả của việc quản lý hệ thống tiền mặt lỏng lẻo. ĐB Chung phân tích: “Lưu thông lượng tiền mặt quá lớn trong khi quản lý lỏng lẻo là nhân tố tạo nên thị trường tín dụng đen. Với tình hình như hiện nay, dự báo tình trạng vỡ nợ còn tiếp diễn xấu. Do đó, phải thắt chặt quản lý lưu thông tiền mặt trong các cơ quan Nhà nước, DN cũng như cá nhân. Cùng với đó, Chính phủ dứt khoát phải quét sạch, không cho tín dụng đen tồn tại".

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.