| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Sáu 16/12/2022 , 10:26 (GMT+7)

Từ cây trồng mía kém hiệu quả, giá bấp bênh, người dân huyện Cù Lao Dung đã chuyển đổi sang các vườn cây ăn trái gắn với du lịch cộng đồng.

Cù Lao Dung cách đây chục năm từng là vùng đất trồng mía nổi tiếng.

Cù Lao Dung cách đây chục năm từng là vùng đất trồng mía nổi tiếng.

Cây mía cách đây hơn 10 năm vốn là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân tại huyện Cù Lao Dung. Tuy nhiên, trước sự bấp bênh của giá cả, đặc biệt là khâu tiêu thụ khó khăn và biến đổi khí hậu khiến đời sống bà con lao đao.

Trên cơ sở kế hoạch triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Cù Lao Dung đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng các mô hình, dự án cụ thể nhằm chuyển đổi cây mía sang cây trồng có hiệu quả, cây ăn trái phát triển theo hướng gắn với phát triển du lịch miệt vườn, du lịch về nguồn.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, xã An Thạnh Một, huyện Cù Lao Dung là một trong những nông dân mạnh dạn  đi đầu trong việc chuyển dịch cây trồng. Ông cho biết, ban đầu gia đình ông trồng nhãn tiêu da bò, sau đó là cây thanh nhãn. Đến nay, cây thanh nhãn đã trụ lại được, cho sản phẩm chất lượng ngon, giá bán bảo đảm. 

"Một năm gia đình tôi thu hoạch được khoảng cỡ từ 10-20 tấn, với giá bán cỡ 40.000 - 50.000 đ/kg. Năm vừa qua, tôi đã bán được cái lô nhãn xuất khẩu với giá 55.000 đ/kg", ông Tiến nói. Cũng theo ông, nếu chăm sóc tốt, bình quân 1 công nhãn (1.000 m2) mỗi năm có thể cho thu hoạch khoảng 1 tấn trái. Tính tổng cả vườn, gia đình ông Tiến có thể đạt mức thu nhập 1 tỉ đồng/năm.

Từ những gốc nhãn lai ghép đầu tiên, sau 4-5 năm tích cực chuyển đổi, ông Tiến đã cải tạo khu vườn theo quy trình VietGAP. Hiện vườn nhãn của ông được chính quyền địa phương và ngành du lịch Sóc Trăng chọn làm vườn du lịch kiểu mẫu để phát triển du lịch cộng đồng.

Không những tránh được nỗi lo đầu ra cho nông sản, vườn trồng cây ăn trái của ông Tiến còn là mô hình tưới tiết kiệm đầu tiên tại xã An Thạnh Một. Theo hình thức đối ứng nhà nước hỗ trợ 50 % và gia đình đầu tư 50 % chi phí cho hệ thống tưới, vườn thanh nhãn của nhà ông luôn phát triển tốt, đạt giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, xã An Thạnh Một, huyện Cù Lao Dung.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, xã An Thạnh Một, huyện Cù Lao Dung.

Mô hình sản xuất như gia đình ông Tiến chỉ là một trong số nhiều trường hợp chuyển đổi trên địa bàn Cù Lao Dung để phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hiện huyện hình thành được các vùng sản xuất tập trung và cấp mã số vùng trồng như: vùng trồng xoài Cát Chu, vùng trồng xoài Đài Loan tại xã An Thạnh Một; vùng trồng thanh nhãn tại xã An Thạnh Tây; vùng trồng nhãn Ido tại tại xã An Thạnh Nam.

Ông Hà Văn Phin, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Một, người làm việc trực tiếp với gia đình ông Nguyễn Hồng Tiến phấn khởi cho rằng, bà con đã ngày một nhận thức tốt hơn về việc chủ động nguồn nước khi thích ứng với biến đối khí hậu.

"Ngoài nguồn nước tưới tiêu cho vườn cây ăn trái, người dân giờ còn chủ động nguồn nước để đảm bảo phòng, chống xâm nhập mặn. Đặc thù tại vùng đất này là chúng tôi phải chống cả triều cường, do đó cần phải tưới sao cho vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm để giảm lượng nước", ông Phin chia sẻ.

Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong phát triển kinh tế, duy trì sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, bằng những cách làm chủ động, sáng tạo, huyện Cù Lao Dung từng bước thích nghi với vấn đề này. Huyện đã xây dựng và tập trung chuyển đổi cho 5 cây trồng chủ lực gồm: xoài, bưởi, nhãn Ido, thanh nhãn, thanh long và dừa. Toàn bộ những loại cây trồng này đều được định hướng phát triển gắn với liên kết đầu ra.

Ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung và tỉnh Sóc Trăng đang tập trung hỗ trợ chuyển đổi cho người dân cù lao theo Đề án cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nhưng từ đó cũng gợi ra nhiều cách làm hay, giải pháp tốt và ngày một được nhân rộng trong cộng đồng.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã nhiều lần tới thăm Cù Lao Dung, đồng thời biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu khó của nông dân xứ cù lao trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án để thích ứng biến đối khí hậu.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.