| Hotline: 0983.970.780

Tái đàn lợn– nhìn từ Phú Thọ

Thứ Ba 28/04/2020 , 08:05 (GMT+7)

Bằng những giải pháp linh hoạt, từ phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đến các giải pháp tái đàn ở Phú Thọ đang đạt những hiệu quả tích cực.

Những giải pháp linh hoạt, quyết liệt giúp Phú Thọ giảm thiểu thiệt hại sau dịch tả Châu Phi. Ảnh: LB.

Những giải pháp linh hoạt, quyết liệt giúp Phú Thọ giảm thiểu thiệt hại sau dịch tả Châu Phi. Ảnh: LB.

Chuẩn bị tái đàn ngay khi còn đang chống dịch 

Đầu tháng 3 năm nay, trong chuyến công tác của Bộ NN-PTNT ở tỉnh Phú Thọ do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu, người chăn nuôi ở đây đã nói với Bộ trưởng rằng, sở dĩ họ giữ được đàn lợn là nhờ những cách làm linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp tỉnh Phú Thọ.

Chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô khá lớn với quy trình khép kín trên một khu đồi riêng biệt rộng tới 30 ha ở khu 3, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, bà Cấn Thị Thìn chia sẻ với phóng viên: Chúng tôi đã sống sót qua dịch bệnh thành công và bây giờ đang có đủ thời cơ để gối đàn, tất cả đều nhờ phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và các giải pháp phòng chống dịch được hướng dẫn triển khai đồng bộ nên có thể chủ động để chăn nuôi.

Trong bối cảnh cả nước thiếu hụt đàn nái thì trang trại của bà Thìn vẫn xuất chuồng khoảng 300 con lợn, tương đương 15-20 tấn thịt hơi. “Hiện nay, chăn nuôi lợn đang cho thu nhập tốt, hơn nữa, nguồn cung trên thị trường cũng không nhiều, nên trong thời gian tới, gia đình sẽ tăng đàn, nuôi 200-300 lợn nái và khoảng 2.000 lợn thương phẩm”.

Không chỉ riêng trang trại bà Thìn, nhiều chủ trang trại khác ở thị xã Phú Thọ, các huyện Phù Ninh, Cẩm Khê, Đoan Hùng... trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang sẵn sàng tái đàn sau kỳ tích sống sót qua dịch tả Châu Phi.

Kỳ tích ở chỗ, là địa phương có tổng đàn lợn xếp thứ 2 ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc, nhưng thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi của tỉnh Phú Thọ thậm chí còn thấp hơn so với mức trung bình chung của toàn quốc nhiều lần.

Thống kê chỉ rõ, số lợn phải tiêu hủy trên cả nước gần 6 triệu con thì ở Phú Thọ, địa phương có tổng đàn lớn thứ hai khu vực miền núi phía Bắc chỉ phải tiêu hủy hơn 57.000 con. Con số bình quân đầu lợn bị tiêu hủy toàn quốc là 21% thì ở Phú Thọ chỉ 6,7%.

Trong vòng 8 tháng dịch diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh, tại 218 xã, phường, thị trấn với 1.150 khu, 4.774 hộ thuộc 13 huyện, thành, thị, dịch có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng Phú Thọ vẫn vượt qua và giảm thiểu được thiệt hại vì “đã có cách làm khác”.

Cách làm khác của Phú Thọ là gì?

Ông Từ Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ phân tích: Mấu chốt là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sẵn sàng chịu trách nhiệm để đương đầu với dịch. Khi dịch bắt đầu bùng phát ở những tỉnh khác thì Phú Thọ đã sẵn sàng “phương án chiến đấu”, phòng dịch bằng các biện pháp an toàn sinh học, các biện pháp kiểm soát và các giải pháp về tiêu hủy...

Theo ông Sơn, khó khăn lớn nhất là địa bàn 4 bề đều là cửa ngõ nên việc kiểm soát dịch bệnh vô cùng khó khăn phức tạp. Chỉ trong vòng một tháng, dịch phủ trắng khắp mạng lưới chăn nuôi Phú Thọ.

Mệnh lệnh từ UBND tỉnh Phú Thọ, nơi nào để xảy ra bùng phát dịch mất kiểm soát thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là việc để xẩy ra tình trạng vứt lợn ốm chết bừa bãi, vận chuyển lợn ốm đi tiêu thụ...

Giải pháp đi kèm là tổ chức tiêu hủy lợn, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng hóa chất và vôi theo quy định, kiểm soát hoạt động giết mổ, buôn bán vận chuyển lợn ra vào vùng dịch.

“Căng thẳng không khác gì phòng chống dịch Covid-19 như thời điểm hiện tại. Điều quan trọng là những quyết định sinh tử được đưa ra trong thời điểm nước sôi lửa bỏng. Trong khi ở nhiều địa phương, chỉ một con dương tính thì phải tiêu hủy cả đàn, nhưng Phú Thọ chọn cách tiêu hủy có chọn lọc.

Nói thật là nhìn đàn lợn đang khỏe mạnh, chỉ vì 1-2 con dương tính mà phải tiêu hủy hết thì đau xót lắm. Chúng tôi chọn giải pháp cách ly theo dõi, nhờ vậy mới giảm thiểu được số lợn phải tiêu hủy”, ông Sơn phân tích.

Nhờ giải pháp tiêu hủy chọn lọc, nhiều đàn lợn đã được cứu sống. Thậm chí có những con xét nghiệm đã dương tính rồi nhưng qua theo dõi một thời gian thấy khỏe mạnh trở lại, bây giờ vẫn sinh sinh đẻ bình thường. Bằng chứng là hiện tổng đàn lợn của Phú Thọ còn 629.000 con, giảm 200.000 con so với trước dịch nhưng chỉ phải tiêu hủy có hơn 57.000 con.

Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chăn nuôi -Thú y tỉnh Phú Thọ chia sẻ với Báo NNVN: Về mặt kỹ thuật, ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh, chúng tôi tổ chức cuộc “hội nghị Diên Hồng” triệu tập tất cả các chủ trang trại triển khai ngay biện pháp an toàn sinh học, tuân thủ nguyên tắc “cám vào lợn ra”, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Xác định nguồn lây bệnh chủ yếu liên quan vấn đề vứt xác động vật ra môi trường và việc vận chuyển lợn từ nơi này sang nơi khác để tiêu thụ, lập tức lãnh đạo tỉnh ban bố lệnh khẩn cấp để khống chế tình hình, kiểm soát chặt chẽ.

Đặc biệt, giải pháp cụ thể tại những khu vực chăn nuôi tập trung là yêu cầu giảm tổng đàn. Thời điểm dịch bùng phát như vậy, nếu tập trung đàn sẽ rất nguy hiểm, dễ gây lây nhiễm đồng loạt, dễ chết rất nhiều nếu có mầm bệnh. Vì vậy khu vực nào chăn nuôi tập trung, lãnh đạo tỉnh, Sở NN-PTNT chỉ đạo giảm xuống.

“Thời điểm dịch bùng phát, tiêu hủy chưa có quy chuẩn rõ ràng mà cần phải có thời gian để điều chỉnh. Trong bối cảnh đó bắt buộc địa phương phải linh hoạt, tính toán và đưa ra những quyết sách phù hợp với thực tiễn.

Thực tế là sau đó giải pháp tiêu hủy chọn lọc được áp dụng ở nhiều địa phương, giúp giảm thiểu được thiệt hại. Để làm được điều đó phải có hệ thống thông tin phản hồi từ dưới lên, ở Phú Thọ chính là hệ thống cán bộ thú y cơ sở”, ông Thành chia sẻ.

Vấn đề cốt lõi là ngay từ thời điểm dịch ở mức đỉnh điểm, mục tiêu của Phú Thọ vẫn đảm bảo đàn nái để “đón sóng” lúc tái đàn. Với đặc thù địa hình Phú Thọ nhiều đồi núi, khá thuận lợi cho việc giảm đàn. Chỉ đạo từ UBND tỉnh Phú Thọ: Giảm đàn nhưng phải giữ được đàn nái.

“Giảm đàn để giảm nguy cơ dịch lây lan, đồng thời phải giữ được đàn nái để bà con chủ động thời điểm tái đàn. Chăn nuôi ở Phú Thọ hầu hết là trang trại, hộ chăn nuôi theo quy trình khép kín nên việc giữ đàn nái trở thành vấn đề sinh tử, giúp người chăn nuôi chủ động, tránh được sự tác động quá lớn của thị trường”, Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y Phú Thọ phân tích.

Mục tiêu tổng đàn 700.000 con

Ngay sau khi công bố hết dịch, căn cứ tờ trình của Sở NN-PTNT Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải lập tức ký văn bản tập trung chỉ đạo tái đàn lợn năm 2020. Mục tiêu đề ra, trong năm 2020 phải đạt tổng đàn 700.000 con, trong đó đàn lợn nái đạt 75.000 con, tổng sản lượng lợn thịt đạt 125 nghìn tấn.

Phú Thọ chủ động xây dựng kế hoạch tái đàn ngay sau khi công bố hết dịch. Ảnh: LB.

Phú Thọ chủ động xây dựng kế hoạch tái đàn ngay sau khi công bố hết dịch. Ảnh: LB.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, UBND tỉnh Phú Thọ đã yêu xây dựng kế hoạch chỉ đạo quyết liệt kịp thời, hiệu quả phát huy các cơ sở chuồng trại đã có trước dịch. Tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng hàng hóa, phát triển trang trại, gia trại, liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cụ thể, đối với cơ sở chăn nuôi khép kín, tỉnh Phú Thọ yêu cầu đẩy mạnh hết công suất chăn nuôi để cung cấp lợn giống thương phẩm cho các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt đối với các các cơ sở có chăn nuôi lợn giống ông bà tăng cường việc sản xuất lợn nái và đực giống cấp bố mẹ để cung cấp lợn giống cho các cơ sở có nhu cầu.

Đối với trang trại chăn nuôi chưa khép kín, chưa chủ động sản xuất được con giống thì từng bước thực hiện gây nuôi lợn nái sinh sản để chủ động sản xuất con giống, trước mắt khai thác nguồn giống tại các cơ sở chăn nuôi tập trung và các doanh nghiệp sản xuất con giống.

Tập trung rà soát toàn bộ các cơ sở chăn nuôi lợn nái, đánh giá, phân loại các cơ sở đáp ứng các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học để có tư vấn, định hướng cụ thể về phát triển đàn lợn tại địa phương. Tổ chức kết nối với các doanh nghiệp và các trang trại sản xuất lợn giống bố mẹ để cung ứng con giống cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học...

Tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị các doanh nghiệp có trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, như Tập đoàn DABACO, Công ty TNHH Minh Hiếu, Công ty TNHH Nhà Vàng Yên Sơn, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Japfa comfeed,...; các trang trại chăn nuôi lợn ông bà, bố mẹ ưu tiên cung ứng nguồn lợn nái sinh sản cấp bố mẹ và lợn giống nuôi thương phẩm đáp ứng nhu cầu của các hộ chăn nuôi...

Ông Từ Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ tự tin: Với các giải pháp trên thì mục tiêu đặt ra chắc chắn sẽ đạt được.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất