| Hotline: 0983.970.780

Tài sản công đang bị bỏ hoang phí tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo

Thứ Năm 26/12/2024 , 06:00 (GMT+7)

Hà Tĩnh Nhiều trụ sở được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo bỏ hoang nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm.

Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được thành lập, hoạt động vào năm 2007, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Khu kinh tế có diện tích gần 57ha, khi được thành lập được xem là khu phi thuế quan với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư.

Cảnh đìu hiu tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (cổng B), ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn. Ảnh: TN.

Cảnh đìu hiu tại KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (cổng B), ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn. Ảnh: TN.

Thời điểm đó lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu này rất rầm rộ, các nhà đầu tư đổ xô về xây dựng hạ tầng, nhà máy tại Khu công nghiệp Đại Kim; xây dựng trụ sở, khu trung tâm thương mại để hình thành chuỗi logistics đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy huyện phía Tây Hà Tĩnh phát triển kinh tế.

Tuy nhiên đến tháng 9/2016, khi Luật thuế xuất nhập khẩu số 107 có hiệu lực, Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, doanh nghiệp không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước thì hạ tầng tại đây xuống cấp nghiêm trọng, nhiều trụ sở, đất đai bỏ hoang. Hiện hầu hết các dự án được xem là đầu tàu tại Khu Kinh tế đều đang chết yểu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ “sống dở chết dở”.

Không ít trụ sở đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước bỏ hoang trong nhiều năm, gây lãng phí. Ảnh: TN.

Không ít trụ sở đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước bỏ hoang trong nhiều năm, gây lãng phí. Ảnh: TN.

Theo ghi nhận, từ vị trí Cổng B, nơi điểm đầu của khu kinh tế trở nên trầm lắng, không còn cảnh xe cộ xếp hàng bám đuôi chờ thông quan. Đặc biệt, tại đây một số trụ sở như Tòa nhà làm việc liên ngành; Đội kiểm soát Hải quan… không còn sử dụng, cửa kính vỡ vụn, trần nhà chực chờ sập, rác thải chất đống…

Nằm đối diện tòa nhà hải quan là Nhà làm việc liên ngành (hải quan, biên phòng, công an, quản lý thị trường) khu vực Cổng B, tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ đồng. Dự án gồm tòa nhà 3 tầng, tổng diện tích 1.731m2, đảm bảo chỗ làm việc cho khoảng 100 người; 2 nhà công vụ với tổng diện tích 905m2 gồm 13 phòng ở và phòng ăn…

Rác thải chất đống, nhếch nhác tại các trụ sở. Ảnh: TN.

Rác thải chất đống, nhếch nhác tại các trụ sở. Ảnh: TN.

Thời điểm đó, tòa nhà được xây dựng để đảm bảo ổn định chỗ ở và làm việc cho hàng chục cán bộ các ngành chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện ra vào khu kinh tế được thuận lợi. Song, từ lúc khu kinh tế lâm cảnh đìu hiu, tòa nhà này cũng bỏ không, hiện xuống cấp.

Một công trình khác cũng nằm hoang phí là dự án cổng kiểm soát giữa khu kinh tế và nội địa, được phê duyệt ngày 6/10/2008, hoàn thành năm 2010.

Nhiều hạng mục hư hỏng nghiêm trọng sau nhiều năm không sử dụng. Ảnh: TN.

Nhiều hạng mục hư hỏng nghiêm trọng sau nhiều năm không sử dụng. Ảnh: TN.

Quy mô dự án gồm: cổng kiểm soát bằng khung bê tông cốt thép; 1 phòng kiểm soát, 2 phòng chờ, đường ra, vào cổng; đường công vụ thi công và bảng thông tin điện tử với tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Song, từ khi Khu Kinh tế cửa khẩu Cầu Treo không còn được hưởng ưu đãi khu phi thuế quan, sứ mệnh của cổng kiểm soát xe cộ, hàng hóa này cũng sớm kết thúc.

Gần vị trí các công trình trên, Trung tâm thương mại tổng hợp miễn thuế có mức đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng từ khi hoàn thành cũng chưa từng hoạt động.

Câu chuyện lãng phí tài sản công đã được đại biểu Quốc Hội, HĐND các cấp, cử tri cả nước bàn đến rất nhiều và kéo dài trong nhiều năm nay. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét từng trường hợp, nơi nào còn sử dụng được thì bố trí cho đơn vị khác sử dụng, nếu cho thuê thì tiền thu được phải chuyển vào ngân sách. Trường hợp không thể sử dụng được nữa thì phải tiến hành quy hoạch, tổ chức đấu giá tài sản; tùy theo quy hoạch đã phê duyệt mà giao cho bên mua sử dụng vào các mục đích phù hợp như phát triển kinh doanh, xây dựng nhà ở hoặc công trình công cộng...

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.