| Hotline: 0983.970.780

Tấm áo mang lại phúc đức

Chủ Nhật 09/06/2024 , 10:33 (GMT+7)

Tấm y ngoài của các sư, tức là chiếc áo choàng, gọi là Phước Điền Y. Ý nghĩa của nó là tấm áo như thửa ruộng gieo trồng phước đức.

Đền Chaumukha Jain tại làng Ranakpur trên dãy núi Aravalli, gần thành phố Udaipur, bang Rajastha (Ấn Độ). 

Đền Chaumukha Jain tại làng Ranakpur trên dãy núi Aravalli, gần thành phố Udaipur, bang Rajastha (Ấn Độ). 

Tấm y ngoài của các sư, tức là chiếc áo choàng, gọi là Phước Điền Y. Ý nghĩa của nó là tấm áo như thửa ruộng gieo trồng phước đức. Hình thức của tấm y này đã trở nên quen thuộc ngay từ thời Phật tại thế.

Người xuất gia đã từ bỏ sở hữu cho nên những vật tùy thân thường là không có giá trị. Chiếc áo của sư không có giá trị bởi vì nó không được may từ một tấm vải nguyên lành xa xỉ. Các sư nhặt giẻ người ta bỏ đi hoặc quần áo người chết ở những bãi hỏa táng bên sông. Chắp vá từng miếng lại mà thành tấm y đắp lên người. Nhưng chắp vá không có nghĩa là lung tung tùy tiện. Các miếng vá đều là hình vuông hoặc hình chữ nhật, tượng trưng cho những thửa ruộng. Tấm áo là những thửa ruộng ghép lại, trên ấy người ta gieo trồng gặt hái phúc đức. Hành trình của các sư là hành trình lan truyền phúc đức và diệt khổ, truyền bá lòng nhân, sống hòa hợp với tự nhiên, không sát sinh, không bạo lực.

Ý nghĩa của việc không tranh chấp không bạo lực cũng chính ở trên tấm y. Sao không xin những mảnh vải thừa sạch sẽ của hàng thợ may mà lại phải nhặt ở bãi rác, bãi hỏa táng, nghĩa trang?

Đồ bỏ đi của người chết là thứ không gây tranh chấp, không khởi lên sân hận ghen ghét đố kỵ. Việc giáo đoàn nghỉ lại trong những bãi hỏa táng hoặc nghĩa trang cũng mang ý nghĩa đó. Nơi ấy là bình yên, nơi ấy không chung chạ với người sống để khởi lên tranh chấp.

 Ngay từ buổi đầu của Phật giáo, các sư đã có bộ tam y gồm y dưới, y trên, y ngoài. Cùng với bộ tam y còn năm vật nữa để tạo thành bộ gồm tám vật tùy thân:

- Một bình bát khất thực luôn ở trên tay. Ghi nhớ rằng bình bát khất thực là thiêng liêng, là chỗ chỉ để thực phẩm chứ không được để bất cứ thứ nào khác.

- Một chiếc dao cạo.

- Một cái lọc nước: để bảo đảm nước uống phải sạch, không có côn trùng sa vào và vì thế người uống mang lỗi sát sinh.

- Một chiếc kim khâu: cho nên các sư đều tự mình khâu vá và tự may được y áo.

- Một chiếc dây đai: giúp cho toàn bộ y phục gọn gàng.

Chỉ tám vật tùy thân đó thôi, đấy là “tài sản” thiết yếu của các nhà sư.

Về sau, do tình hình thực tế, Phật đã có một số lần nhượng bộ các đệ tử về những vật sở hữu. Chẳng hạn y áo may bằng những tấm giẻ lấy từ bãi hỏa táng có khi gây ra bệnh ngoài da, cho nên Phật đồng ý cho các sư được mặc y áo do thí chủ cúng dường. Y áo cúng dường thường được may từ một tấm vải nguyên vẹn, cho nên trên ấy người ta vẽ hình hoặc thêu những đường chỉ, tạo ra những hình khối như thửa ruộng phước điền. Về cuối đời, Phật cũng ưu tư khi thấy một số sư không chuyên cần tu tập mà thích đến nhà các thí chủ để được ăn ngon và thích mặc những tấm y lụa là đắt tiền.

* * *

Nhân nói chuyện tám vật sở hữu của nhà sư, ta có thể lướt qua tập quán của một tôn giáo nữa ở Ấn Độ, ra đời hầu như cùng lúc với Phật giáo.

Như đã nói trong một bài khác, thế kỷ VI trước Công nguyên ở Ấn Độ được coi là Thế kỷ Trí Tuệ, Thế kỷ Khai Sáng. Nhiều tôn giáo mới nảy nở trong trong thời kỳ này, nhưng chỉ Phật giáo còn lại đến bây giờ…

Và một tôn giáo nữa là đạo Jain.

Đạo Phật và đạo Jain có nhiều điểm tương đồng: giáo chủ sáng lập đều là thái tử của một tiểu vương quốc, họ đều rời bỏ hoàng cung để đi tìm chân lý rồi giác ngộ. Giáo lý của hai tôn giáo này đều mưu cầu sự giải thoát cuối cùng, đều chủ trương không sát sinh, không bạo lực.

Chủ trương không sở hữu của đạo Jain quyết liệt đến mức cực kỳ khổ hạnh: giáo phái Áo Trời (Sky Clad) hoàn toàn khỏa thân để chứng tỏ họ không sở hữu bất cứ một thứ gì kể cả quần áo. Giáo phái này thường ở trong những ngôi đền trên núi cao, nơi chỉ có những người cực kỳ mộ đạo mới lui tới đảnh lễ. Giáo phái Áo Trắng (White Clad) thì giáo sĩ thường xuyên đeo khẩu trang, để bảo đảm ruồi muỗi không bay vào miệng vào mũi, và như thế là phạm tội sát sinh.

Một tôn giáo triệt để phi bạo lực và ôn hòa với tự nhiên như thế, nhưng thuở ban đầu, có một số đệ tử Phật buông lời coi thường, thậm chí còn gọi đấy là Vô Tàm giáo.

Họ đâu có gì vô tàm vô sỉ, Phật nói. Trên đời này có rất nhiều người thầy lớn, họ có cách riêng của mình để dẫn dắt chúng sinh. Nỗ lực của họ rất đáng được trân trọng.

Không chỉ là một lời giáo huấn về đức khiêm nhường. Bản thân Phật trải nghiệm chân lý đó bằng chính những năm tháng tu hành đầu tiên. Rời bỏ hoàng cung, cắt đi mái tóc dài của người hoàng tộc, Siddhattha đi vào rừng. Chàng tìm đến ẩn viện của những đại sư danh tiếng, nhưng thầy nào thì chàng cũng rời bỏ nhanh chóng. Họ là những trí tuệ lớn nhưng họ không giải đáp được câu hỏi nung nấu trong đầu chàng: con đường thoát khổ ở đâu?

Dù sau này đã giác ngộ, đã được tôn sùng khắp xứ, nhớ đến những người thầy khi xưa và cả những người như ông đạo Jain đang hành đạo, Phật vẫn luôn nhắc nhở đệ tử rằng không có ai là tuyệt đối đúng. Những người thầy lớn có rất nhiều trên thế gian và họ có cách riêng của mình để dẫn dắt chúng sinh.

Xem thêm
MC Quyền Linh xúc động trong ngày con gái dự lễ tốt nghiệp

MC Quyền Linh rơm rớm nước mắt trong khoảnh khắc chứng kiến con gái Lọ Lem dự lễ tốt nghiệp lớp 12, chuẩn bị vào đại học.

Ronaldo lập kỳ tích dự đủ 6 giải EURO xuyên 20 năm

Chân sút người Bồ Đào Nha đã lập kỷ lục lịch sử cho bản thân và giải bóng đá EURO khi là người dự nhiều kỳ nhất từ trước tới nay.

Quang Hải không ra nước ngoài, tiếp tục thi đấu cho CAHN

Chân sút Nguyễn Quang Hải sẽ không ra nước ngoài thi đấu như nhiều đồn đoán mà tiếp tục ở lại với đội bóng đá Công an Hà Nội (CAHN) ở V.League.

Chiêm ngưỡng hàng ngàn thú cưng quý hiếm

TP.HCM Ngày 1/6, Lễ hội Cá cảnh - Thú cưng TP.HCM năm 2024 chính thức khai mạc, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan.