| Hotline: 0983.970.780

Tạm đình chỉ hoạt động của Công ty Vedan

Thứ Ba 07/10/2008 , 18:19 (GMT+7)

Ngoài số tiền xử phạt và truy thu nộp phí bảo vệ môi trường trên 127 tỉ đồng, thanh tra Bộ TN-MT còn yêu cầu Vedan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại kinh tế và môi trường do hành vi gây ô nhiễm trên sông Thị Vải...

Ngoài số tiền xử phạt và truy thu nộp phí bảo vệ môi trường trên 127 tỉ đồng, thanh tra Bộ TN-MT còn yêu cầu Vedan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại kinh tế và môi trường do hành vi gây ô nhiễm trên sông Thị Vải…

Vedan “có biểu hiện coi thường pháp luật Việt Nam”

Chánh thanh tra Bộ TN-MT Lê Quốc Trung vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành hành chính  đối với công ty TNHH Vedan VN về bảo vệ môi trường với tổng số tiền 267,5 triệu đồng.

Nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng

Thanh tra xác định trong quá trình sản xuất bột ngọt, tinh bột, nước đường, xút (NaOH), axít (HCl), thức ăn chăn nuôi, phân bón và các sản phẩm sinh học Vedan đã có 11 hành vi sai phạm phạm như xả nước thải sau lên men bột ngọt, Lysin… vượt chuẩn vào sông Thị Vải.

Hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Vedan là hành vi tái phạm, mang tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài, có biểu hiện coi thường pháp luật VN, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với sông Thị Vải và môi trường xung quanh.

Thanh tra đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT thu hồi giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của Vedan cho tới khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường.

Để khắc phục hậu quả, thanh tra Bộ TN-MT quyết định cứng rắn: Cấm hoạt động xả chất thải (dịch thải sau lên men, nước thải, dung dịch bùn thải) không đạt tiêu chuẩn VN ra môi trường; tạm đình chỉ hoạt động sản xuất có phát sinh nước thải và dịch thải sau lên men của các nhà máy (sản xuất tinh bột biến tính, bột ngọt và Lysine; trại chăn nuôi heo và các nhà máy khác của Vedan thải nước thải ra môi trường tại khu vực xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai) cho tới khi có biện pháp xử lý nước thải và dịch thải sau lên men đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải.

Vedan chỉ được hoạt động trở lại khi đã tháo dỡ toàn bộ hệ thống cống ngầm và thiết bị bơm từ khu vực sản xuất của công ty ra sông Thị Vải; cải tạo toàn bộ hệ thống thu gom, xử lý chất thải lỏng (dịch thải sau lên men, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, bùn thải lỏng), hệ thống đo lưu lượng và quan trắc tự động, liên tục một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải sau xử lý như: pH, độ màu, TSS, COD, amonia, ... đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo quy định.

Thanh tra cũng yêu cầu trước khi xây dựng lại mương dẫn nước thải, cửa xả thải, hệ thống điện..., Vedan phải gửi hồ sơ thiết kế về cho Bộ TN-MT để xem xét, đánh giá và chấp thuận trước khi xây dựng. Sau khi hoàn thành xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải, Vedan chỉ được phép đưa công trình vào vận hành chính thức khi đã có văn bản kiểm tra, xác nhận đã hoàn thành các nội dung và yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định.

Xác định trách nhiệm cá nhân liên quan

Về việc gây ô nhiễm môi trường suốt 14 năm qua, thanh tra yêu cầu Vedan phải có trách nhiệm thực hiện đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường do hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sông Thị Vải theo quy định tại các Điều 130 đến Điều 134, Mục 2, Chương XIV của Luật Bảo vệ môi trường. Thanh tra Bộ TN-MT còn yêu cầu Vedan nộp khoản truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp với tổng số phí phải nộp trên 127, 26 tỉ đồng.

Nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng

Bên cạnh đó, Vedan phải chi trả chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do vi phạm hành chính của công ty gây ra trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nhận đựơc thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có thẩm quyền.

Bộ TN-MT cũng khẳng định Vedan phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của người lao động đang làm việc tại công ty và các tổ chức cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng với kinh tế cung cấp nguyên liệu cho công ty trong thời gian bị tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất do hành vi vi phạm pháp luật. Vedan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác định các vi phạm của một số cá nhân của công ty như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và một số cá nhân có liên quan khi có yêu cầu của cơ quan bảo vệ pháp luật tại VN. 

Những hành vi bị xử phạt hành chính của Vedan:

1.Phạt tiền với mức phạt 33.000.000 đồng về hành vi: xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ mười lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50 m3/ngày đến dưới 5.000 m3/ngày đối với Nhà máy sản xuất tinh bột biến tính của Công ty; vi phạm khoản 11 Điều 10 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP.

2. Phạt tiền với mức phạt 23.000.000 đồng: xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ năm lần đến dưới mười lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50 m3/ngày đến dưới 5.000 m3/ngày đối với Nhà máy sản xuất Bột ngọt và Lysine của Công ty; vi phạm khoản 8 Điều 10 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP.

3. Phạt tiền với mức phạt 23.000.000 đồng: xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ năm lần đến dưới mười lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50 m3/ngày đến dưới 5.000 m3/ngày đối với các Nhà máy khác của Công ty thải nước thải vào cống đôi khu vực cầu cảng; vi phạm khoản 8 Điều 10 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP.

4. Phạt tiền với mức phạt 3.000.000 đồng: nộp không đầy đủ các số liệu điều tra, khảo sát, quan trắc và các tài liệu liên quan khác cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; vi phạm khoản 4 Điều 27 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP.

5. Phạt tiền với mức phạt 500.000 đồng: thải mùi hôi thối, mùi khó chịu trực tiếp vào môi trường không qua thiết bị hạn chế ô nhiễm môi trường; vi phạm điểm b khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP;

6. Phạt tiền với mức phạt 10.000.000 đồng:  quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường (khu lưu giữ chất thải nguy hại chưa có đủ mái che an toàn, chưa quản lý theo Bộ chứng từ chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành); vi phạm khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP.

7. Phạt tiền với mức phạt 6.000.000 đồng: xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí quy định trong giấy phép; vi phạm điểm d, khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 34/2005/NĐ-CP.

8. Phạt tiền với mức phạt 33.000.000 đồng: xả nước thải (dịch thải lỏng sau lên men bột ngọt có các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần gồm: độ màu vượt 3.675 lần, COD vượt 2.957 lần, BOD5 vượt 1.057 lần, cặn lơ lửng vượt 136 lần, amonia vượt 26 lần, tổng N vượt 339 lần và tổng P vượt 31 lần) vượt tiêu chuẩn cho phép từ mười lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50 m3/ngày đến dưới 5.000 m3/ngày tại cầu cảng số 2 hoặc cầu cảng số 1 của Công ty; vi phạm khoản 11 Điều 10 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP;

9. Phạt tiền với mức phạt 33.000.000 đồng: xả nước thải (dịch thải lỏng sau lên men Lysin có các thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần gồm: độ màu vượt 2.600 lần, COD vượt 195 lần, BOD5 vượt 191 lần, cặn lơ lửng vượt 101 lần, amonia vượt 116 lần, tổng N vượt 77 lần và tổng P vượt 10 lần) vượt tiêu chuẩn cho phép từ mười lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50 m3/ngày đến dưới 5.000 m3/ngày tại cầu cảng số 1 hoặc cầu cảng số 2 của Công ty; vi phạm khoản 11 Điều 10 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP;

10. Phạt tiền với mức phạt 33.000.000 đồng: xả nước thải bùn vượt tiêu chuẩn cho phép từ mười lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 50 m3/ngày đến dưới 5.000 m3/ngày đối với Nhà máy tinh bột và xử lý nước cấp; vi phạm khoản 11 Điều 10 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP.

11. Phạt tiền với mức phạt 20.000.000 đồng: xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ năm lần đến dưới mười lần trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 50 m3/ngày đối với Trại chăn nuôi heo của Công ty; vi phạm khoản 7 Điều 10 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP.

12. Phạt tiền với mức phạt 50.000.000 đồng: Không nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên (dịch thải sau lên men và nước thải công nghiệp xả trực tiếp ra sông Thị Vải không qua hệ thống xử lý); vi phạm tiết 6 điểm b, khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 106/2003/NĐ-CP.

Xem thêm
Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.