| Hotline: 0983.970.780

Tám Quang làm nông sản an toàn, hàng chưa ra chợ đã có người đặt mua

Thứ Sáu 11/11/2022 , 15:57 (GMT+7)

Hậu Giang Ở Hậu Giang có lẽ chỉ ít người biết nông dân Tám Quang làm ra nông sản an toàn bán được giá tốt. Hàng chưa ra chợ đã có người tới đặt mua.

Nông dân Tám Quang thiết kế mô hình canh tác vườn, ao, ruộng lúa hữu cơ, an toàn. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân Tám Quang thiết kế mô hình canh tác vườn, ao, ruộng lúa hữu cơ, an toàn. Ảnh: Hữu Đức.

Thực hành cách làm riêng

Về Hậu Giang, đi theo đường Bốn Tổng - Một Ngàn tới cầu Kênh Dầy, rẽ vào con đường nhỏ chạy dọc theo bờ kênh tìm nhà anh Tám Quang để tận mắt xem cách trồng lúa hữu cơ, đào ao nuôi ba ba sạch. Như một cách gọi thời nay làm theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín mà không phải tốn một đồng chi phí phân - thuốc hóa học. Qua cách làm nông thật thà càng tuyết phục người tiêu dùng an tâm với sản phẩm nông sản ngon lành.   

Nông dân Tám Quang (Trần Minh Quang) ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đi nước bền với mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã hơn 20 năm. Tám Quang nói, thật ra không quá khó để trở lại theo cách làm nông tử tế, là cách giữ gìn môi trường sống quanh mình, giống như ông bà ta hồi trước. Thế nhưng giữa thời buổi cây lúa chạy đua tăng năng suất, quay vòng đất liên tục đã thôi thúc một số nông dân còn bảo thủ thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học, vậy muốn canh tác nông nghiệp hữu cơ, an toàn bằng cách nào?

Định vị trên nền đất vườn, ruộng tổng cộng 4 ha ở Hậu Giang, thuộc vùng trũng Nam sông Hậu, từ năm 2001 anh Tám Quang bắt tay chuyển đổi sản xuất, xây dựng theo hệ thống kinh tế chuồng trại, vườn, ruộng. Trong đó 3 ha dành cho hệ thống ao nuôi ba ba và 1 ha chuyên canh lúa hữu cơ được kết nối liên hoàn, thông thương đường cấp thoát nước tuần hoàn khép kín.

Trong hơn 20 năm nông dân Tám Quang bền bỉ thực hiện canh tác vườn-ao-ruộng lúa thuần thục. Trong 3 ha, dưới ao nuôi ba ba, trên các bờ bao trồng sầu riêng với 2 giống Ri6 và Monthong. Còn 1 ha lúa, luân canh 2 vụ/năm và 1 vụ cho đất nghỉ ngơi.

Hệ thống canh tác khởi đầu từ các ao nuôi ba ba, nguồn nước sạch được qua ao lắng, lọc và sau quá trình nuôi luân chuyển ra ruộng lúa là chất thải, mùn hữu cơ đưa vào ruộng lúa. Nhờ nguồn phân bón hữu cơ tự nhiên, cây lúa không cần bón phân hóa học, thuốc trừ sâu, vì ít sâu bệnh hại. Nguồn nước còn dùng tưới cho vườn cây nên không thải ra môi trường bên ngoài.

Thu nông phẩm sạch, ngon lành

Tám Quang cho rằng: Cách làm tuy gói gọn, phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ nông hộ nhưng muốn đạt hiệu quả cần một số lưu ý. Khi lấy nước từ kênh rạch vào nuôi ba ba đảm bảo không nhiễm độc. Nhưng phòng bệnh ghẻ phỏng và ghẻ mục, ba ba sợ nhất là hàm lượng axít tăng cao trong nước sau mưa, có thể cần xử lý tạt vôi và muối. Mật độ nuôi ba ba thương phẩm 5-6 con/m2, nhưng tốt nhất 3 con/m2.

Nông dân Tám Quang nuôi ba ba cho sinh sản con giống. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân Tám Quang nuôi ba ba cho sinh sản con giống. Ảnh: Hữu Đức.

Để thịt ba ba thương phẩm ngon lành được thị trường ưa chuộng, thức ăn nuôi thủy sản có hàm lượng động vật từ trên 30% và bổ sung phế phẩm từ cá biển vụn, ốc… được lợi thêm là hạ giá thành chăn nuôi. Thời gian nuôi một lứa sau 23-24 tháng, ba ba đạt hàng loại I (1,5 kg/con) khoảng trên 40%, còn lại loại II (1,2 kg/con). Nếu nuôi kỹ thuật tốt tỷ lệ hao hụt khoảng 5-10%.

Giá ba ba thương phẩm khá ổn định và thị trường tiêu thụ tốt, hiện loại I giá 300-320 ngàn đồng/kg. Trước thời điểm dịch Covid-19 năm 2021 giá xuất bán 380-400 ngàn đồng/kg. Đó là chưa kể nguồn lợi từ nuôi ba ba sinh sản, ba ba con giống sau 1 tuần tuổi 3.900 đồng/con. Bên cạnh đó, nguồn lợi không nhỏ từ vườn cây sầu riêng tươi tốt (140 gốc) nhờ phân hữu cơ bồi đắp từ chất thải ba ba. 

Nói về hiệu quả canh tác theo cách thực hành nông nghiệp hữu cơ của nông dân Tám Quang, chưa kể đủ hết lợi nhuận từ vườn sầu riêng ngon lành, lúa hữu cơ cho gạo sạch, riêng nguồn lợi từ nuôi ba ba đạt trên 320 triệu đồng/năm. Đó là chưa nói tới mặt lợi ích lớn lao hơn nhiều, chính là gìn giữ môi trường ruộng vườn trong lành, đem lại sức khỏe tốt hơn nhiều cho nông dân trực tiếp sản xuất.

Anh Tám Quang nói: Muốn quay lại làm theo ông bà xưa – trồng lúa hữu cơ không khó. Nhưng chọn giống lúa phải là giống xác nhận, giống lúa cho chất lượng gạo ngon, mềm cơm, thơm nhẹ như Jasmine, OM18, Đài Thơm 8… sau 2-3 vụ chuyển đổi giống để hạn chế sâu bệnh. Điểm lưu ý cần gieo sạ thưa cây lúa khỏe, sinh trưởng tốt nhờ phân hữu cơ từ nuôi ba ba. Mỗi vụ lúa hoàn toàn không dùng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học nên chỉ tốn tiền giống và công máy gặt. Hạt lúa sạch, gạo sạch nên thơm ngon, ngọt cơm, thu hoạch đạt 12 tấn/ha.

Hàng không ra chợ. Lúa không đủ bán, chỉ đủ cho bà con họ hàng đặt mua sau mỗi vụ. Một cách làm nông giản đơn vẫn đem lại sự sung túc, vững bền.

Xem thêm
Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Quảng Yên

QUẢNG NINH 12 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được tiêu hủy, thị xã Quảng Yên đang khoanh vùng, dập dịch.

Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

TÂY NINH Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Nông dân trồng giống lúa 'đặc kín hạt', yên tâm đầu ra

THANH HÓA 'Tôi đếm 1 bông lúa Thụy Hương 308 được 304 hạt, trong đó chỉ có 4 hạt lép. Chưa bao giờ tôi thấy giống lúa nào tốt và cho nhiều hạt như vậy'.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.