| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Hậu Giang trở thành tỷ phú miệt vườn

Thứ Hai 26/09/2022 , 12:39 (GMT+7)

Chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa, mía đến cam, một nông dân Hậu Giang “ưng bụng” khi lựa chọn sầu riêng, vươn lên trở thành tỷ phú miệt vườn, sau 40 năm phát triển.

Nói đến mô hình trồng sầu riêng tiêu biểu ở tỉnh Hậu Giang, có lẽ cái tên Lê Văn Sáu, mọi người hay gọi thân mật là ông Sáu Bờ ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp đã không còn xa lạ.

Câu chuyện làm giàu từ cây sầu riêng của ông Sáu Bờ kể ra cũng lắm gian truân. Hơn 40 năm năm trước, gia đình ra riêng với 5 công đất trong tay. Như bao nông dân khác, ông Sáu nối nghiệp trồng lúa của gia đình. Điều kiện đất đai trồng lúa kém hiệu quả, ông quyết định chuyển đổi cây trồng, từ mía đến cam và cuối cùng là sầu riêng là ông “ưng bụng” nhất.

Ảnh 1

Khu vườn rộng hơn 5,5 ha, trồng nhiều loại sầu riêng cho giá trị xuất khẩu của nông dân Lê Văn Sáu, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Từ vài công đất lúa ban đầu đến nay ông Sáu Bờ cầm chắc trong tay 5,5ha đất trồng sầu riêng. Trong tổng số 1.000 gốc sầu riêng hơn 90% gốc đang cho trái. Riêng trong vụ sầu riêng 2022 vừa qua, ông thu hoạch được khoảng 100 tấn, được thương lái ở tỉnh Tiền Giang đến bao tiêu toàn bộ để phục vụ xuất khẩu. Sau khi trừ hết chi phí, ông thu lãi trên 5 tỷ đồng.

Nói về hành trình phát triển vườn sầu riêng, ông Sáu Bờ hăng say kể, năm đầu tiên ông trồng thử nghiệm trên 1 ha với 180 gốc sầu riêng. Sau 4 năm cây cho trái, lợi nhuận 1 gốc sầu riêng thu được bằng 1 công trồng lúa. Từ đó, ông phát triển và trồng thêm 1 ha, cứ thế sầu riêng trúng mùa. Có lợi nhuận ông đầu tư mua thêm đất “nảy nở” cho tới nay.

Rồi công đoạn lựa chọn giống sầu riêng phù hợp cũng nhiều gian nan. Ban đầu, ông Sáu Bờ chọn trồng sầu riêng khổ qua, rồi chặt bỏ chuyển sang giống Ri6 và cả sầu riêng Monthong. Được thị trường ưa chuộng, ông bắt đầu nghĩ đến việc trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn để xuất khẩu, đưa giá trị sầu riêng đi xa hơn.

Theo lời ông Sáu Bờ, để trồng sầu riêng hiệu quả không phải dễ, bởi đây là loại kén đất, kén nước. Ông phải mày mò, tìm cách để vườn không bị ngập nước, giữ độ ẩm cho đất và hạn chế đất xói mòn khi tưới. Rồi có thời điểm ông phải ngược xuôi các tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn như Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng để học hỏi kinh nghiệm.

Ảnh 2

Câu chuyện làm giàu của ông Lê Văn Sáu là nguồn cảm hứng, khích lệ tinh thần lao động của bà con nông dân trong huyện. Ảnh: Kim Anh.

Nhằm khắc phục nhược điểm sầu riêng hay bị sượng và sâu bệnh, sau nhiều nghiên cứu từ tài liệu, kinh nghiệm từ các nhà vườn thân quen và cả chuyên gia nông nghiệp GS.TS Trần Văn Hâu, Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Cần Thơ để “bắt bệnh” cho cây trồng này.

Ông Sáu Bờ bộc bạch: “Nông dân mình cần cù, chịu khó học hỏi là một chuyện, nhưng cần phải có nhà khoa học để hướng dẫn đúng kỹ thuật thì mới thành công”. Ông quan niệm, sử dụng phân hóa học nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, chi phí lại cao còn phân hữu cơ vừa an toàn, vừa tốt cho cây và đất, người tiêu dùng ăn sầu riêng vườn nhà ông cũng an tâm hơn.

Không giấu nghề, ông Sáu Bờ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn cho các nhà vườn: “Một là phải lên liếp trồng sầu riêng như thế nào cho có hiệu quả. Thứ hai là loại giống gì trồng xuất khẩu, bán được giá. Hiện tôi trồng sầu riêng Monthong Thái Lan, Ri6, Musang King. Xuất khẩu thì phải có mã số vùng trồng, ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ bà con ở đây rất nhiều để có thể xuất khẩu”.

Câu chuyện làm giàu của ông Sáu Bờ một lần nữa còn là nguồn cảm hứng, khích lệ tinh thần lao động của bà con nông dân. Giờ đây, sầu riêng không còn buồn như tên gọi mà đã trở thành niềm vui chung của nhiều bà con canh tác loại cây mang mỹ danh “nữ hoàng trái cây vùng nhiệt đới”.

Ông Lê Văn Sáu đã được công nhận là nông dân giỏi các cấp, 2 lần vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Năm 2020, ông Sáu được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động Hạng Ba. Mới đây, ông còn vinh dự đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất