Theo ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, đối với lĩnh vực thủy sản, theo kế hoạch trong năm 2020, đơn vị này sẽ thực hiện 6 loại mô hình với 10 điểm trình diễn. Thế nhưng bởi nhiều lý do, nhất là do dịch bệnh Covid-19 nên chỉ thực hiện được 4 nhóm mô hình với 7 điểm trình diễn, có 3 mô hình bị “lỡ hẹn”.
Ông Quang cho biết: Mô hình nuôi thương phẩm vọp dưới tán cây ngập mặn tại huyện Tuy Phước không triển khai được do tác động của dịch Covid-19, nên phải xin tạm dừng vì triển khai không kịp thời vụ.
Mô hình ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác cũng không thực hiện được, do đến thời điểm đó, Viện Nghiên cứu Hải sản vẫn đang thử nghiệm mô hình này nên chưa hoàn thiện quy trình, chưa công bố chính thức nên chưa có cơ sở để soạn tài liệu hướng dẫn cho ngư dân. Điểm trình diễn mô hình ương cá dìa tại huyện Tuy Phước cũng không triển khai được do tác động của dịch Covid-19 nên phải tạm dừng vì sợ triển khai không kịp thời vụ...
Cũng theo ông Quang, ngoài những mô hình bị “lỡ hẹn” kể trên, trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã ứng dụng thành công kết quả đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh về sinh sản nhân tạo, ương nuôi thương phẩm cá rô đầu vuông do Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định chuyển giao.
Mô hình nuôi cá rô đầu vuông nói trên được ứng dựng vào thực tế trên diện tích 500m2 ao đất của 3 hộ dân ở 3 xã Canh Hiển (huyện Vân Canh), Bình Tân (huyện Tây Sơn), Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh). Nhờ phù hợp với điều kiện vùng nuôi nên tỷ lệ cá sống đạt 90%, cá sinh trưởng và phát triển tốt, kích cỡ cá thương phẩm đồng đều, đạt bình quân 200 g/con, sản lượng cá trong mô hình đạt khoảng 2,7 tấn/500 m2, lợi nhuận gần 42 triệu đồng.
Mô hình ương cá dìa trong ao với diện tích 1.000 m2 tại xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) cũng thành công không kém. Cá dìa đạt tỷ lệ sống 90%, kích cỡ cá tại thời điểm thu hoạch đồng đều, lợi nhuận của mô hình đạt 11,8 triệu đồng.
Ngoài ra, thành công của mô hình nuôi cá đối mục thương phẩm tại phường Tam Quan Bắc (Thị xã Hoài Nhơn) đã mở ra cho những hộ nuôi tôm kém hiệu quả hướng làm ăn mới. Cá đối mục thả nuôi trong mô hình có diện tích 6.000 m2 cá có tỷ lệ sống trung bình 81%, sản lượng đạt 2,916 tấn trên diện tích 6.000m2, năng suất bình quân đạt 4,86 tấn/ha, nông dân thực hiện mô hình có lãi hơn 116,3 triệu đồng.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, trong quá trình nuôi cá đối mục, hộ nuôi phải thường xuyên theo dõi màu nước để theo dõi các yếu tố môi trường và tình trạng sức khỏe của cá, xác định bệnh lý để có biện pháp xử lý kịp thời.
Mực nước trong ao nuôi phải luôn duy trì trên 1,2m, thời gian thay nước tùy theo mức độ ô nhiễm trong ao. Sử dụng các loại máy đảo nước, máy sục khí để duy trì lượng oxy hòa tan tối ưu trong ao nuôi, đặc biệt là sau khi mặt trời lặn. Trong thời gian đầu, chủ nuôi cần cho chạy máy quạt nước vào buổi tối, khi cá lớn, tùy theo tổng khối lượng cá trong ao nuôi mà điều chỉnh thời gian chạy máy quạt nước cho phù hợp.
“Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-floc trên diện tích 1.500m2 có sử dụng máy cho ăn tự động tại xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) được thực hiện trong năm 2020 đã cho thấy hiệu quả cao. Tôm nuôi có tỷ lệ tôm sống 90%, kích cỡ tôm tại thời điểm thu hoạch đạt bình quân 44 con/kg, sản lượng tại mô hình đạt khoảng 6,2 tấn, quy ra đạt 41 tấn/ha, lợi nhuận tại mô hình đạt 329 triệu đồng”, ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ.
Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đang tiếp tục phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh để bám đuổi 2 mô hình ứng dụng công nghệ nano bảo quản sản phẩm, đối tượng nhắm tới là 2 tàu cá tham gia chuỗi liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương ở Thị xã Hoài Nhơn.
“Theo truyền thống, ngư dân Bình Định thường bảo quản thủy sản đánh bắt bằng đá lạnh xay. Tuy nhiên, cách làm này có nhiều hạn chế, nhất là độ lạnh của đá xay không đủ và chất lượng thủy sản sẽ bị giảm nếu sử dụng đá xay có lẫn nhiều tạp chất. Bảo quản thủy sản bằng công nghệ nano ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, còn làm giảm thất thoát sau thu hoạch”, ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay.
Trung tâm Khuyến nông Bình Định đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thêm 3 điểm trình diễn nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-floc tại huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ. Mới đây, đơn vị này đã triển khai mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong ao đất với diện tích 500m2 tại huyện Phù Mỹ .
“Sau khi tập huấn kỹ thuật, chuyển giao phương thức nuôi mới cho hộ tham gia mô hình là ông Nguyễn Phưởng ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), giữa tháng 7/2021 vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ con giống để ông Phưởng thả nuôi trong ao với mật độ 1 con/m2. Trong quá trình nuôi, cán bộ của Trung tâm sẽ bám sát mô hình để hỗ trợ hộ nuôi về mặt kỹ thuật. Thành công của mô hình sẽ là bước đệm để chúng tôi phát triển mạnh nghề nuôi cá chình bông trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết.