| Hotline: 0983.970.780

Tận diệt ong bầu

Thứ Ba 04/09/2012 , 10:39 (GMT+7)

Ong bầu là sinh vật có ích nhưng lại đang bị tận diệt để đem bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc...

Bà Quế thu gom ong đã phơi đủ nắng, đóng bao chuyển cho đầu nậu

Ong bầu là sinh vật có ích, góp phần giúp cây trồng thụ phấn, tiêu diệt các loại sâu bệnh gây hại mùa màng. Vậy mà nhiều người dân ở phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đổ xô săn bắt ong bầu để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc.

Chúng tôi tìm đến cơ sở thu mua ong Tuân Quế ở phường Đại Nài. Bước vào sân đúng lúc bà Quế, vợ ông Tuân đang xúc mẻ ong bầu đã được phơi khô vào bao, đưa lên bàn cân để gom cho đủ 1 yến chuyển hàng ra Hải Phòng.

Theo lời kể của ông Tuân, cách đây khoảng 1 tháng thông gia của gia đình đi cùng với 1 người lạ mặt quê Hải Phòng mang theo dụng cụ đánh bắt ong đến nhà ông chơi. Rồi họ đặt vấn đề thu mua ong với giá cao sau đó hướng dẫn cho ông cách thức chế biến mồi nhử. Dụng cụ bắt ong bao gồm: 1 chiếc bếp dầu, 1 tấm sắt tròn, 1 chiếc vợt lưới rộng và quan trọng nhất là gói mồi nhử có mùi thơm như phấn hoa.

“Sau khi có đầy đủ đồ nghề chúng tôi đưa toàn bộ dụng cụ ra ngoài đồng, trộn mồi nhử với ít đường rồi để vào tấm sắt, đun lên trên bếp dầu. Khói thơm từ mồi nhử hoà với đường sẽ lan theo chiều gió (trong phạm vi 5-10 km). Khi ong bầu ngửi thấy sẽ bay về khu vực đốt. Thế là người săn chỉ việc lấy vợt ra bắt. Ở Hà Tĩnh mới chỉ gia đình tôi thu mua ong, nhưng ở các tỉnh khác thì phong trào bắt ong, thu mua ong như thế này đã rộ lên từ lâu”, ông Tuân nói.

Về giá cả, ông Tuân cho biết, sau khi ong bầu được đánh bắt về phải bị làm chết rồi phơi nắng. Đủ 3 buổi nắng thì có thể bán được. Bình quân 1 kg ong bầu phơi khô có giá 1 triệu đồng (cao hơn ong tươi 500.000 đồng). Ông Tuân chưa dứt lời thì bà Quế nói chen vào: “Vẫn biết loài ong này là sinh vật có ích cho mùa màng, nhưng bỗng chốc nó có giá trị kinh tế nên người dân đi bắt để bán lấy tiền. Nhiều người ở các địa phương khác nghe tin cũng đã đến hỏi chúng tôi cách thức để về bắt ong”.

Được biết, vào mỗi buổi sáng trời nắng, hàng chục người dân ở phường Đại Nài lại mang dụng cụ ra đồng để săn bắt ong. “Loài ong này là sinh vật có ích, thế mà họ bắt được cả yến để bán là một điều bất thường. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại sự việc để xử lý”, ông Nguyễn Xuân Hương, Chủ tịch UBND phường Đại Nài nói.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.