| Hotline: 0983.970.780

Tận dụng ruộng bỏ hoang nuôi bò thịt trúng lớn

Thứ Ba 13/08/2024 , 08:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Chỉ với 60 con bò nuôi thương phẩm chuyên thịt theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, sau một năm, hai hộ dân dân ở Kiến Thụy đã có lãi gần 1 tỷ đồng.

Lãi mỗi con hơn 10 triệu đồng

Ngày nhận 30 con bò được hỗ trợ của mô hình hình dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi bò thương phẩm chuyên thịt ứng dụng công nghệ sinh học gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm” của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, ông Đặng Chinh Khải, trú tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy không ít băn khoăn.

Người dân được hỗ trợ 50% tiền mua con giống khi tham gia mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân được hỗ trợ 50% tiền mua con giống khi tham gia mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Dù đã có kinh nghiệm trong chăn nuôi trâu, bò, có chuồng trại và cơ sở vật chất khá đầy đủ nhưng trước đây chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm nên khi được yêu cầu nuôi theo quy trình kỹ thuật khắt khe, ông Khải lo lắng sẽ khó thực hiện, không đáp ứng được các chỉ tiêu cơ quan chuyên môn đề ra.

Khi tham gia mô hình, mỗi hộ dân được hỗ trợ 30 con con bò lai 3B, hơn 7,2 tấn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, 120 liều vacxin, 45 kg chế phẩm sinh học bổ sung  thức ăn, nước uống, phun khử trùng chuồng trại, 900 lít hóa chất sát trùng, 45 liều thuốc phòng bệnh ký sinh trùng.

Tuy vậy, quá trình triển khai nuôi đàn bò theo mô hình, gia đình ông Khải được cán bộ khuyến nông đã bám sát hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trong quá trình chăn nuôi, giúp đàn bò an toàn dịch bệnh như: Ứng dụng công nghệ vi sinh trong phối trộn thức ăn đảm bảo đủ lượng, đủ dinh dưỡng cho bò sinh trưởng, phát triển tốt theo từng giai đoạn, nhất là thời điểm vỗ béo.

Cùng với đó, hộ chăn nuôi cũng được hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ thâm canh trên những thửa ruộng bỏ hoang, công nghệ thu hoạch cỏ, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, cách bảo quản và dự trữ thức ăn trong mùa khô hanh.

Rồi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học và hạn chế sử dụng, tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, giúp giảm khí độc, mùi hôi chuồng nuôi, tạo sản phẩm chất lượng,...

Được hỗ trợ tận tình từ kỹ thuật đến kiến thức chăn nuôi, lại có thể trao đổi thường xuyên, ông Khải tiến bộ nhanh trông thấy, chỉ sau vài tháng là đã thành thạo các công đoạn rồi cứ thế mà làm theo quy trình.

Kết quả, sau một năm, đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, sức đề kháng cao, đặc biệt, trong suốt quá trình triển khai mô hình hầu như đàn bò không bị mắc bệnh, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%, khi bán lại được giá cao.

Ngoài các hộ tham gia mô hình, hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn huyện Kiến Thụy cũng được tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt. Ảnh: Đinh Mười.

Ngoài các hộ tham gia mô hình, hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn huyện Kiến Thụy cũng được tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt. Ảnh: Đinh Mười.

“Sau khi trừ chi phí giống, thức ăn hỗn hợp, vacxin, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất sát trùng, điện nước, khấu hao chuồng trại, công lao động,... với 30 con bò thương phẩm chúng tôi lãi hơn 300 triệu đồng trong một năm, so với bình thường cao hơn 104 triệu đồng”, ông Khải phấn khởi chia sẻ.

Tại xã Đại Hợp, gia đình ông Nguyễn Đình Long cũng tham gia mô hình tương tự do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai, trước khi nhận bò cũng được học từ cách thu gom chất thải chăn nuôi, vệ sinh khử trùng chuồng trại,... Cho đến cách chuẩn bị kho chứa thức ăn, tủ thuốc thú y, tủ thuốc y tế, nơi thay bảo hộ lao động, hố khử trùng, khu vực sát trùng trước khi vào trại.

Bên cạnh đó, ông Long được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai tại huyện Kiến Thụy.

Sau khi được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, ông Long dần hiểu ra, khi trở về đã kiểm tra lại chuồng trại, hàng rào, tường, cổng và khóa cổng trại, hệ thống bạt, hệ thống nước uống để thay thế, sửa chữa kịp thời.

Sau một năm triển khai, đàn bò không chỉ sinh trưởng và phát triển tốt mà khối lượng xuất chuồng cũng cao hơn bình thường với trung bình từ 500-600 kg/con.

Do mô hình được sản xuất an toàn theo quy trình VietGAHP nên trong vụ đầu tiên, ông Long bán được với giá cao, lãi 13-15 triệu đồng/con, hơn hẳn các hộ nuôi ngoài mô hình từ 3-5 triệu đồng/con.

Nhiều hộ dân ở Hải Phòng vẫn nuôi bò theo kinh nghiệm và tự phát nên hiệu quả kinh tế chưa thật sự cao và ổn định. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều hộ dân ở Hải Phòng vẫn nuôi bò theo kinh nghiệm và tự phát nên hiệu quả kinh tế chưa thật sự cao và ổn định. Ảnh: Đinh Mười.

Có triển vọng nhân rộng

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, mô hình chăn nuôi bò thương phẩm chuyên thịt ứng dụng công nghệ sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại huyện Kiến Thụy được thực hiện với mục đích nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi trong sản xuất an toàn sinh học, tiếp cận với các chế phẩm sinh học, axid hữu cơ để hạn chế lạm dụng kháng sinh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 50% giá trị giống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, vacxin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng. Được tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học làm tăng chất lượng thịt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học theo quy trình VietGAHP và ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả hạch toán sơ bộ sau khi triển khai 2 mô hình cho thấy, hiệu quả rõ rệt, với quy mô 60 con cho lợi nhuận đạt từ 850-900 triệu đồng, hiệu quả kinh tế tăng trên 20%.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình chăn nuôi đã góp phần hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, sản phẩm không bị tồn dư kháng sinh, chất lượng thịt được người tiêu dùng đánh giá cao.

Thông qua mô hình đã từng bước thay đổi hành vi và phương thức sản xuất theo hướng an toàn và bền vững, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAHP, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nếu nhân rộng được sẽ tạo việc làm cho các lao động nhàn rỗi, phụ nữ, người già, trẻ em, nâng cao thu nhập theo đầu người của thành phố, qua đó góp phần giảm tỷ lệ ruộng bỏ hoang khi người dân chuyển đổi diện tích sang trồng cỏ để nuôi bò.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng kiểm tra hiệu qua triển khai mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng kiểm tra hiệu qua triển khai mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Mô hình đã đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả xã hội và môi trường, được người dân tiếp nhận và hưởng ứng, có khả năng nhân rộng cao.

Để đảm bảo cho việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới về công nghệ, giống, vật tư trong sản xuất chăn nuôi, cần hỗ trợ đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm như hỗ trợ quảng bá sản phẩm, bao bì, tem nhãn, hội nghị xúc tiến thương mại,... nhằm thu hút doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo thuận lợi cho việc xây dựng các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

“Chúng tôi đã đề nghị UBND thành phố, Sở NN-PTNT hỗ trợ kinh phí triển khai mô hình những năm tiếp theo, cũng như mở rộng và xây dựng thêm mô hình tại các huyện khác trên địa bàn”, Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) thông tin.

Theo ông Hoàng Xuân Tiến, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, trên địa bàn xã diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang khá lớn, lên tới 80ha. Hộ gia đình ông Nguyễn Đình Long, thời điểm triển khai mô hình đã cho hiệu quả rất tốt, tận dụng được nguồn thức ăn tại địa phương.

Tuy vậy, do nhiều yếu tố khách quan nên vào mùa mưa, môi trường bị ảnh hưởng, người dân còn ý kiến. Nếu khắc phục được tình trạng này đây là điều chính quyền địa phương khuyến khích người dân để phát triển kinh tế trong hoàn cảnh ruộng bị bỏ hoang tràn lan.

Xem thêm
Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài 1] Làm việc đêm ngày vẫn không đủ sống

BÌNH ĐỊNH Công việc bề bề, nhưng chế độ nhân viên thú y cấp xã được nhận rất bèo bọt, hầu hết họ phải kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống.

Thứ trưởng Hoàng Trung và những kỳ vọng với ngành chè

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung chia sẻ tâm huyết với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những trăn trở với vấn đề nâng cao giá trị ngành hàng chè.

Nông dân Đồng Tháp tiếp cận nhanh với công nghệ số

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp xem chuyển đổi số là động lực, là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra làn sóng mới trong sản xuất nông nghiệp.