| Hotline: 0983.970.780

Tan hoang núi Phụng

Thứ Hai 07/05/2012 , 10:39 (GMT+7)

Liệu mai này, núi Bà có còn dáng vẻ uy nghi hùng vĩ, ngày đêm sừng sững soi mình dưới lòng hồ Dầu Tiếng hay không khi con người đang ngày đêm “xẻ thịt” như hiện nay?

Núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất khu vực Đông Nam bộ, một di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, một danh thắng nổi tiếng, là niềm tự hào của người dân Tây Ninh và là tài sản vô giá của đất nước. Nhưng liệu mai này, núi Bà có còn dáng vẻ uy nghi hùng vĩ, ngày đêm sừng sững soi mình dưới lòng hồ Dầu Tiếng hay không khi con người đang ngày đêm “xẻ thịt” như hiện nay?

Quần thể núi Bà gồm 3 ngọn là núi Bà Đen, núi Phụng và núi Đất (còn gọi là núi Heo), nằm trên địa phận thị xã Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu và Tân Châu. Năm 2007, UBND tỉnh Tây Ninh đã quyết định đóng cửa toàn bộ các mỏ đá đang khai thác tại khu vực núi Đất. Thế nhưng, không hiểu sao, có 5 doanh nghiệp lại được ưu tiên vào khai thác đá tại khu vực núi Phụng.

MÌN NỔ CHÁT CHÚA

Giữa trưa trời nắng như đổ lửa lại không có gió khiến căn nhà mái tôn thấp tè của ông Nguyễn Thế Truyền ở ấp Thạnh Đông dưới chân núi Bà nóng hầm hập. Sau lưng nhà ông Truyền, cách chừng một cây số là mỏ đá của Cty Vật liệu Xây dựng Tây Ninh. Chúng tôi đang “chịu trận” trước cái nóng như rang trong lò để tận mắt, tận tai chứng kiến cảnh nổ mìn phá đá xem có đúng như lời thiên hạ đồn là “khủng khiếp lắm” hay không.


Giàn máy xay đá của Cty VLXD Tây Ninh

Đồng hồ chỉ 11 giờ 35 phút, ông Truyền thất vọng nói: “Sao kỳ vậy, bình thường 11 giờ 20 là nó nổ rồi, sao hôm nay đến giờ chưa thấy? Hay là họ biết có nhà báo về nên không nổ nữa?”. Ông Truyền vừa dứt lời thì… ùng, ùng, 2 tiếng nổ nối tiếp nhau vang lên làm tất cả chúng tôi giật bắn người.

Mặt đất rung chuyển, đá văng tứ phía, căn nhà của ông Truyền rung rung, mái tôn rào lên như vừa có ai trút một thúng sỏi xuống vậy. Nhìn về mỏ đá, nơi vừa phát ra tiếng nổ, 2 cây nấm bụi khổng lồ màu trắng đục đang nở to dần, trùm kín những chiếc xe ben, xe tải, xe xúc đang bò lổm ngổm như đàn cua xung quanh. Sau tiếng nổ, tôi nhìn lên vết nứt trên tường nhà ông Truyền, cảm giác như nó rộng ra thêm 1 chút. Quả là lời thiên hạ đồn không ngoa. Nhưng ông Truyền lại nói: “Tôi dám chắc hôm nay họ đã được báo trước là “có động” nên giảm lượng thuốc nổ. Đây chưa phải là tiếng nổ lớn nhất”. Có vẻ như ông “chưa hài lòng” chưa cho mọi người chứng kiến tiếng nổ lớn nhất.

Đợi “dư chấn” của tiếng nổ qua đi, chúng tôi lội bộ vào sát khu vực khai thác đá để quan sát. Tại đây, hàng chục công nhân đang phơi mình làm việc giữa trời nắng gắt, những chiếc xe ben hối hả vào ra chở đá, tung bụi mịt mù. Việc nổ mìn, móc đá ngay dưới chân không chỉ khiến núi Phụng bị băm nát, loang lổ, mất thẩm mỹ, mà nguy cơ sạt lở rất lớn. Ở lưng chừng núi, ngay phía trên khu vực đang khai thác, rất nhiều tảng đá nặng hàng chục tấn nằm rất chênh vênh. Có cảm giác như không cần đến chấn động từ nổ mìn, chỉ cần một cơn gió mạnh thôi, những tảng đá khổng lồ này sẽ lăn xuống phía dưới, nghiền nát thứ gì nó gặp trên đường.

Hiện nay, tại khu vực Đông Bắc núi Phụng có 5 doanh nghiệp được tỉnh Tây Ninh cấp phép khai thác đá là Cty Hoa Cương Đất Việt, Quyết Thắng, Tân Vĩnh Phát, Thắng Lợi và Vật liệu xây dựng Tây Ninh (VLXDTN). Trong số này, có 2 doanh nghiệp đã hết hạn khai thác là Quyết Thắng và Tân Vinh Phát. Tuy nhiên, trong thời gian xử lý số đá đã khai thác, 2 doanh nghiệp này đang “chạy thuốc” để gia hạn thêm.


Đường vào ấp Thạnh Đông nay trở thành đường vận chuyển đá của các “đồ tể” chuyên “xẻ thịt” núi

Hai Cty Đất Việt và Thắng Lợi còn được “xẻ thịt” núi Bà đến tháng 1/2013. Riêng Cty VLXDTN đến tháng 7/2013 mới hết hạn. Ba doanh nghiệp “còn phép” này đang tận dụng hết nguồn lực, công suất và thời gian để khai thác. Bà Phạm Thị Diệu, nhà cách khu vực khai thác đá chừng 200 mét, cho biết: “Ngày nào họ cũng nổ mìn”.

TIỀN TRẢM HẬU TẤU

Quần thể núi Bà Đen trải rộng trên diện tích 24km2, cao 986m so với mặt nước biển và là ngọn núi cao nhất vùng Đông Nam Bộ. Không chỉ là một danh thắng với nhiều chùa chiền, hang động đẹp, núi Bà Đen còn là vùng đất đầy ắp những huyền thoại, truyền thuyết dân gian.

Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, núi Bà Đen là vùng căn cứ cách mạng với bao chiến công hiển hách, nơi từng khiến quân thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến Liên đội 7 anh hùng… Chính vì thế, năm 1989, Bộ VHTT đã ban hành Quyết định số 100-VH/QĐ, công nhận núi Bà Đen là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Điều 2 trong quyết định này ghi: "Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt, sử dụng đất đai ở di tích, phải được phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa". 


“Xẻ thịt” núi

"Theo qui hoạch thì đến năm 2015, toàn bộ các mỏ đá tại quần thể núi Bà sẽ đóng cửa hết. Hiện tại vẫn còn mấy doanh nghiệp đang khai thác, phần vì nhu cầu đá xây dựng trong tỉnh rất lớn, phần vì khu vực khai thác còn nằm ngoài vành đai nên vẫn để mấy doanh nghiệp này khai thác đến hết hạn giấy phép”, bà Trương Thị Ngọc Thúy, Phó Phòng Quản lý Tài nguyên, Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh.

Nhưng, trả lời câu hỏi của phóng viên: “Như vậy đến hết năm 2013, sẽ không còn doanh nghiệp nào khai thác đá tại khu vực núi Bà Đen nữa?”. Bà Thúy nói: “Điều này tôi không trả lời được, vì theo luật thì các doanh nghiệp có quyền xin gia hạn, mà cho gia hạn hay không là do lãnh đạo tỉnh”.

Quy định là vậy, nhưng ngày 12/4/1994, UBND tỉnh Tây Ninh lại ban hành Quyết định số 155/QĐ-UB, phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát triển kinh tế - văn hoá - du lịch khu di tích núi Bà Đen, cho phép khai thác đá ở sườn bắc núi Phụng và sườn tây núi Đất. Căn cứ vào quyết định này, cả chục doanh nghiệp ồ ạt đổ quân vào xẻ thịt núi Bà, bất kể ngày đêm. Sau khi bị dư luận phản ứng dữ dội, ngày 22/6/1998, UBND tỉnh Tây Ninh đã "sửa sai" bằng tờ trình số 113-TT/UB gửi Bộ VHTT, xin điều chỉnh địa giới khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá núi Bà Đen. Và, ngày 3/7/1998, Bộ VHTT đã có công văn số 2261/VHTT-BTBT, đồng ý cho UBND tỉnh Tây Ninh điều chỉnh địa giới khu bảo vệ (khu vực I) của di tích núi Bà Đen tại hai điểm thuộc núi Phụng và núi Đất. Thế là, việc "xẻ thịt" núi Bà Đen đã được “hợp pháp hoá”!

 

Ngày 13/7/2005, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tây Ninh lập đề án "Điều chỉnh quy hoạch khai thác đá tại núi Bà Đen, giai đoạn 2005-2010", trong đó nêu rõ: Việc khai thác đá ở núi Bà Đen "cung cấp đủ lượng đá phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh", hàng năm thu ngân sách từ 3 - 4 tỉ đồng từ hoạt động khai thác đá, tạo việc làm cho trên 400 lao động. Tuy nhiên "việc khai thác đá đã làm mất đi một phần vẻ đẹp, cảnh quan môi trường của núi Bà Đen". Tiếp đó, ngày 29/5/2007, Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTT) cũng có văn bản số 543/DSVH-DT, gửi UBND tỉnh Tây Ninh, khẳng định: "Núi Bà Đen đã được xếp hạng di tích quốc gia. Do đó, việc khai thác đá trong khu vực di tích hoặc khu vực phụ cận phải được thực hiện theo quy định của Luật Di sản".

Thế nhưng, bất chấp các quy định trên, vì vài tỉ đồng mỗi năm, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh vẫn cho "xẻ thịt" núi.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

'Sống chung' với động đất ở tâm chấn Kon Plông

Kon Tum Tại Kon Plông, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó trước những diễn biến bất thường, đặc biệt là động đất.