| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường hiệu quả thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Sáu 08/11/2024 , 07:12 (GMT+7)

Nghị định 91/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/7/2024, được nhận định đã gỡ nút thắt trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Một số vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Ngày 16/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP CP (NĐ 156) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Sau gần 6 năm thực hiện, chính sách đã góp phần tăng thu nhập, tạo sinh kế, nhất là nâng cao năng lực, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Trước đây, trong NĐ 156 chưa có quy định về danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng nên còn khó khăn trong triển khai thu tiền dịch vụ môi trường rừng từ các đối tượng này tại địa phương. Thực tế có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có vị trí tiếp giáp với khu rừng và được hưởng lợi từ vẻ đẹp cảnh quan nhưng chưa chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Nghị định 91 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/7/2024, trong đó có nội dung về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp các địa phương tháo gỡ được nhiều vấn đề trong thực tiễn bị vướng mắc từ lâu. Ảnh: Ngọc Diệp.

Nghị định 91 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/7/2024, trong đó có nội dung về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp các địa phương tháo gỡ được nhiều vấn đề trong thực tiễn bị vướng mắc từ lâu. Ảnh: Ngọc Diệp.

NĐ 156 quy định chỉ áp dụng hình thức chi trả trực tiếp đối với loại hình kinh doanh du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản nên các địa phương đã gặp khó khăn do không hoặc khó xác định được đối tượng được chi trả trực tiếp

Bên cạnh đó, NĐ 156 chưa quy định nguồn chi không thường xuyên để trang trải một số hoạt động cần thiết, như: Hỗ trợ các hoạt động tổ chức trồng cây phân tán, hỗ trợ các hoạt động cập nhật, theo dõi diễn biến rừng; đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, chi trả lương... gây khó khăn cho Quỹ tỉnh và chủ rừng là tổ chức, UBND xã được giao trách nhiệm quản lý rừng trong triển khai thực hiện; Quy định điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng chưa thật sự hợp lý đối với các nhà máy thủy điện bậc thang trên cùng lưu vực sông liên tỉnh.

Một số điểm mới của Nghị định số 91/2024/NĐ-CP

Những vướng mắc đó đã được tháo gỡ trong Nghị định số 91/2024/NĐ-CP (NĐ 91), trong đó đã bổ sung danh mục các cơ sở công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước tại phụ lục VIII làm cơ sở để xác định cụ thể ngành nghề cơ sở công nghiệp có sử dụng nước để thực hiện nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp.

NĐ 91 đã quy định cụ thể về vị trí của các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái có sử dụng dịch vụ môi trường rừng: “Có vị trí nằm trong phạm vi khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng hoặc có vị trí tiếp giáp với khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng”.

UBND cấp tỉnh xác định danh sách, nguồn nước có sử dụng dịch vụ môi trường rừng, mức sử dụng nước tối thiểu đối với cơ sở sản xuất công nghiệp phải trả tiền trên địa bàn tỉnh; danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, bên cạnh việc chi trả trực tiếp thì NĐ 91 cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và cơ sở nuôi trồng thủy sản có thể nộp tiền dịch vụ môi trường rừng ủy thác thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và UBND tỉnh quyết định mức chi trả cụ thể (tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu thực hiện trong kỳ) trong trường hợp này.

Đồng thời, NĐ 91 cũng bổ sung thêm một số nội dung chi, như: Chi hỗ trợ các hoạt động trồng cây phân tán; hỗ trợ các hoạt động cập nhật, theo dõi diễn biến rừng; Chi các hoạt động nhằm mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để có thể bố trí kinh phí để xây dựng các nội dung liên quan đến carbon rừng hoặc các đề xuất, nghiên cứu nhằm mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, các khoản chi trả lương và các khoản có tính chất lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong trường hợp ngân sách nhà nước không đảm bảo chi trả lương và các khoản có tính chất lương.

Số tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được cho diện tích rừng tự bảo vệ sau khi trừ chi phí cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng là nguồn thu của chủ rừng, chủ rừng quản lý theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng.

NĐ 91 được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới. Ảnh: NNVN.

NĐ 91 được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới. Ảnh: NNVN.

Nếu như NĐ 156 chưa có quy định áp dụng hệ số K thành phần đối với rừng chưa có trữ lượng, trữ lượng rừng trồng dẫn tới việc xác định đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đối tượng liên quan đến rừng, thì trong NĐ 91 đã sửa đổi, bổ sung hệ số K1 về điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trữ lượng rừng (bổ sung hệ số K1 cho rừng nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng, rừng tre nứa, rừng không phân chia trữ lượng và rừng trồng) và hệ số K4 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo mức độ khó khăn được quy định đối với diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng nằm trên địa bàn các xã khu vực I, II, III theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (bổ sung hệ số K4 cho các xã Thủ tướng Chính phủ chưa quy định) cho phù hợp với tiêu chí trữ lượng rừng theo quy định của Bộ NN-PTNT và thực tiễn triển khai tại địa phương.

NĐ 91 cũng bổ sung quy định trước ngày 31/1/2025, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam xác định số tiền và thực hiện điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh theo quy định tại Phụ lục VII.

NĐ 91 được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới, đồng thời mở ra cơ hội để khai thác thêm những giá trị mới của rừng.

Như vậy, việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, duy trì các dịch vụ sinh thái như điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu thiên tai. Đồng thời, chính sách này tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng địa phương, khuyến khích họ tham gia bảo vệ rừng, từ đó góp phần phát triển kinh tế bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.