| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu 2024

Thứ Tư 11/09/2024 , 08:00 (GMT+7)

Sắp đến Tết Trung thu, lực lượng chức năng các địa phương đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh sản phẩm kém chất lượng…

Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường bánh trung thu là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Hàng năm, vào dịp Tết Trung thu, thị trường bánh trung thu trở nên đa dạng với sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu từ truyền thống đến hiện đại. Tuy nhiên, cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng xuất hiện tràn lan. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tham gia vào thị trường, khiến cho người tiêu dùng khó phân biệt và dễ mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Tăng cường kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hoá. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Tăng cường kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hoá. Ảnh: Tổng cục QLTT.

Tập trung kiểm tra, kiểm soát

Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, nhằm kiểm soát tốt thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, nhãn mác, niêm yết giá, các cơ quan chức năng trên địa bàn, nòng cốt là Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 tập trung kiểm tra, kiểm soát các đại lý, cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu về nguyên liệu sản xuất; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản...

Thông tin trước báo chí, ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có khoảng 300 cửa hàng, hộ cá nhân kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, trong đó có các loại bánh trung thu. Nhằm kiểm soát tốt thị trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng tôi đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời kiểm tra và xử lý đối với các cơ sở, đơn vị kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, từ ngày 16/8 đến hết ngày 4/9, đơn vị đã kiểm tra 20 điểm bán, cơ sở sở xuất bánh trung thu, qua đó phát hiện và xử lý 5 cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm, với các lỗi chủ yếu như: nhân viên chưa tuân thủ các quy định về bảo hộ trong khi sản xuất bánh, các vật dụng sản xuất bánh để không đúng nơi quy định…

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo đội QLTT thực hiện nghiêm các nội dung theo kế hoạch. Cụ thể, tính từ ngày 16/8/2024 đến nay, đội QLTT phụ trách địa bàn các huyện, thành phố đã kiểm tra, phát hiện 16 vụ việc vi phạm liên quan đến các cơ sở sản xuất bánh trung thu, với các lỗi như: người trực tiếp sản xuất không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp thực phẩm chín, dụng cụ gom chất thải rắn không có nắp đậy…

Đội Quản lý thị trường số 1 (Lạng Sơn) chủ động ra quân kiểm tra, giám sát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2024. Ảnh: QLTT tỉnh Lạng Sơn.

Đội Quản lý thị trường số 1 (Lạng Sơn) chủ động ra quân kiểm tra, giám sát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2024. Ảnh: QLTT tỉnh Lạng Sơn.

Chỉ tính từ ngày 16/8/2024 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 20 vụ vi phạm về hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 63 triệu đồng.

Không riêng gì Lạng Sơn, tại các địa phương khác, thông tin từ lực lượng chức năng gửi về cũng cho thấy số lượng lớn sản phẩm bánh trúng thu nhậu lậu cũng bị phát hiện và xử lý.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 17, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh tại số 60 Louis 12, khu đô thị Louis City, quận Hoàng Mai.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một kho chứa tới 13.330 sản phẩm bánh trung thu và các loại bánh khác do nước ngoài sản xuất, nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ để chứng minh nguồn gốc. Tổng giá trị của lô hàng ước tính lên đến 69 triệu đồng.

Lực lượng chức năng phát hiện 'kho' bánh Trung thu nhập lậu. Ảnh: IT.

Lực lượng chức năng phát hiện "kho" bánh Trung thu nhập lậu. Ảnh: IT.

Khi làm việc với lực lượng chức năng, bà Nguyễn Bích H là chủ cơ sở (sinh năm 1986, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), đã thừa nhận toàn bộ số hàng trên đều được nhập khẩu mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời tiêu huỷ toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trước thực trạng trên, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường bánh trung thu là điều cần thiết. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh.

Tại tỉnh Thanh Hóa, để ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… kinh doanh tại các khu vực quanh trường học, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương, BCĐ 389 huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều biện pháp.

Cụ thể, phối hợp các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về ATTP, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng thực phẩm.

Đội trưởng Đội QLTT số 7, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa trực tiếp hướng dẫn học sinh nhận biết hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Cục QLTT Thanh Hóa.

Đội trưởng Đội QLTT số 7, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa trực tiếp hướng dẫn học sinh nhận biết hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Cục QLTT Thanh Hóa.

Lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích phổ biến pháp luật thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đến người kinh doanh, người dân để nắm được các quy định của pháp luật khi tham gia kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành chính sách pháp luật.

Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng như giáo dục và đào tạo, y tế, công an và các tổ chức, đoàn thể, tổ chức các hội nghị, tọa đàm để tuyên truyền, vận động các tầng lớp cùng tham gia giám sát, phản ánh các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn năm chắc các cơ sở kinh doanh xung quanh các trường học đồng thời tiến hành ký cam kết “Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Có thể nói, đảm bảo ATTP là một nhiệm vụ lâu dài, ngoài sự nỗ lực của lực lượng QLTT; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng thì rất cần sự chung tay của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội. Có như vậy thì công tác ATTP mới được giải quyết triệt để.

Xem thêm
Người dân chặn xe vào bãi rác An Hiệp vì ô nhiễm môi trường

Hiện có 5 xe chở rác phải xếp hàng trên đường vào bãi rác An Hiệp để đợi cơ quan chức năng xử lý.

Bắt khẩn cấp tài xế xe 7 chỗ gây tai nạn

Lâm Đồng Tối ngày 1/9, Công an thành phố Bảo Lộc ra quyết định bắt khẩn cấp một tài xế vì hành vi Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Bình luận mới nhất