| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa mưa

Thứ Sáu 20/09/2019 , 09:09 (GMT+7)

TP. HCM đang là cao điểm mùa mưa, đây cũng là thời điểm bắt đầu năm học mới - thời điểm dịch bệnh dễ lây lan.

Trẻ nổi mụn nước khi bị mắc tay chân miệng.

Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận/huyện phối hợp cùng địa phương, các cơ sở giáo dục khẩn trương tiến hành các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
 

Bệnh tay chân miệng vào mùa

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong tháng 8 vừa qua toàn thành phố (TP) có 3.088 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM), tăng 115% so với tháng trước. Tích lũy từ đầu năm đến nay, số ca mắc TCM trên toàn TP là 9.718 ca.

Ghi nhận tại Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) số ca mắc tăng từng ngày. Bác sĩ Trương Hữu Khanh (BV Nhi đồng 1) cho biết, nếu như trong tháng 8, Khoa Nhiễm - Thần kinh điều trị khoảng 20 trẻ nội trú mỗi ngày thì đến giữa tháng 9 số trẻ mắc TCM là 50 trẻ, trong đó có trường hợp mắc TCM ở độ nặng phải thở máy.

Chị Lưu Thị Minh (ngụ tại quận Thủ Đức) lo lắng khi cô con gái mới đi nhà trẻ đã bị sốt mấy ngày kèm theo có mụn nước ở lòng bàn chân. Đưa con đến khám tại BV Nhi đồng 2 thì được các bác sĩ chỉ định nhập viện do mắc TCM.

Theo các bác, số trẻ mắc bệnh TCM cả nội trú và ngoại trú tăng nhanh từ tháng 8 đến nay và dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng, tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn rất nhiều so với những tháng hè.

Khi trẻ có những biểu hiện như sốt cao, khó ngủ, giật mình, da nổi bông, nổi mụn nước… thì cần cho trẻ nhập viện ngay, nếu để bệnh có dấu hiệu nặng sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Khi trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bệnh tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học, nơi trẻ chơi tập trung trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh, tránh bệnh lây lan.

Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, hiện chưa có vắcxin phòng ngừa bệnh tay chân miệng.
 

3 chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết (SXH)

Nhằm giảm số ca mắc SXH trong mùa cao điểm, TP.HCM đã triển khai đồng thời 3 chiến dịch: Chiến dịch xử lý điểm nguy cơ theo phương pháp phân loại mới 2019; Chiến dịch phun hóa chất diện rộng kết hợp diệt lăng quăng triệt để tại các ổ dịch; Chiến dịch “Thanh niên xung kích” tại các đơn vị có cơ sở Đoàn, tại các hộ gia đình của đoàn viên thanh niên và trên địa bàn dân cư khu phố, ấp.

Phương châm của các chiến dịch này là “cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không có muỗi” để đạt được mục tiêu “không có lăng quăng, không có muỗi, không có bệnh SXH”.

Tính đến cuối tháng 8/2019, tổng số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn TP là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7. Tích lũy trong tám tháng qua, TP ghi nhận 39.814 ca mắc SXH, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018.

“Đây được xem là thời gian cao điểm của dịch bệnh này bởi thời tiết mưa nắng đan xen, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay.

Cũng theo bác sĩ Dũng, việc phòng chống bệnh SXH không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế, mà là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở trong việc dọn dẹp, loại bỏ những nơi, những vật dụng có thể chứa nước tạo điều kiện cho muỗi có thể đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết.

Việc phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế, của các hộ gia đình chỉ là biện pháp tạm thời nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng triệt để.

Chính vì vậy,cần diệt muỗi và không để muỗi chích bằng cách dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi; bôi kem chống muỗi; ngủ mùng kể cả ban ngày; diệt lăng quăng... Khi có các triệu chứng sốt, lừ đừ, rối loạn tri giác, mệt mỏi, chi lạnh, nôn ói nhiều, đau bụng, xuất huyết (chảy máu cam, tiêu, tiểu ra máu), đau nhiều ở mạn sườn phải cần đi khám tại các cơ sở y tế ngay.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

9 tác dụng bất ngờ của trà gừng đối với sức khỏe

Trà gừng là thức uống quen thuộc trong đời sống, đặc biệt được nữ giới ưa chuộng. Không chỉ giúp làm ấm cơ thể, trà gừng còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.