Lực lượng Biên phòng bắt gà lậu trên sông Ka Long (Móng Cái). |
Tuyến biên giới Quảng Ninh được xác định là địa bàn trọng điểm về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong đó có các mặt hàng tươi sống phục vụ nhu cầu ăn uống nhưng chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo VSATTP.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ngay tại khu vực biên giới.
Mới đây, thực hiện công văn Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi nhập lậu gia cầm, đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, quán triệt sâu tới các ban ngành, đoàn thể nghiêm túc triển khai trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ.
Trước mắt, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản để xác định rõ địa bàn, đối tượng trọng điểm, phương thức thủ đoạn của các đối tượng. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên những tuyến địa bàn trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu gia cầm (kể cả gia cầm giống), sản phẩm gia cầm, tôm nguyên liệu có tạp chất và sản xuất, kinh doanh, sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù, tại khu vực biên giới, hai lực lượng nòng cốt gồm Biên phòng và Hải quan thường xuyên nâng cao cảnh giác, túc trực và giám sát mọi hoạt động, diễn biết bất thường diễn ra tại khu vực đường biên, nhưng có đến 90% số lượng các mặt hàng chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo VSATTP tuồn vào Việt Nam.
Trên thực tế, rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên lây lan qua con đường này. Việc kiểm soát các đường mòn, bãi sông biên giới mà hàng lậu có thể vận chuyển qua cực kỳ phức tạp, quá trình kiểm soát dọc tuyến biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép còn gặp nhiều khó khăn. Thiết nghĩ phải có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe thay vì việc siết chặt quản lý, bị động trong việc "chờ đợi" bắt quả tang.
"Có cung ắt có cầu", thị trường nội địa phong phú, một cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh thẳng thắn cho rằng: Việc chống thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới Quảng Ninh là rất khó, do đặc thù của tuyến này có nhiều đường mòn, lối mở, cửa khẩu tiểu ngạch, các chợ, khu kinh doanh sát đường biên.
Để ngăn chặn những mặt hàng nguy hiểm này nhập lậu qua biên giới cần có biện pháp song hành là "cấm cửa" chúng ở phía trong nội địa. Hiện nay, việc tổ chức tiêu hủy thực phẩm bẩn nhập lậu tại các "điểm nóng" trên tuyến biên giới Quảng Ninh đã được các cơ quan chức năng làm quyết liệt rất nhiều so với trước đây.
Đơn cử như gà lậu, còn nhớ cách đây chưa lâu, để thành lập được hội đồng tiêu hủy tang vật là gà lậu rất khó khăn, nhưng nay mọi việc đã khẩn trương hơn, gà lậu mới bắt được trong đêm thì ngay sáng hôm sau đã có thể hoàn tất thủ tục để tiến hành tiêu hủy.
Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trong tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ số lượng lớn gia cầm, sản phẩm gia cầm, thủy, hải sản nhập lậu có nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất trong nước và sức khỏe người tiêu dùng. |
Đặc biệt, việc tiêu hủy thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSATTP đã có những cải tiến, thay vì phải đốt, chôn thủ công như trước đây, các địa phương đã tiêu hủy bằng biện pháp cho vào lò đốt, vừa an toàn cho người thực hiện nhiệm vụ, vừa đỡ ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, việc ngăn chặn, tiêu hủy thực phẩm bẩn nhập lậu không phải là chuyện dễ dàng và đang bộc lộ rõ những khó khăn mới.
Về phần mình, đứng trước tình hình thực phẩm mất VSATTP nhập lậu có diễn biến phức tạp, các lực lượng có chức năng chống buôn lậu tại tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chủ động phối hợp phòng chống vấn nạn này, trong đó, đặc biệt chú trọng việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các địa điểm nhạy cảm trên biên giới, cửa khẩu, kết hợp kiểm tra chặt chẽ các cửa hàng, các chợ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu chứa chấp, tập kết thực phẩm mất VSATTP nhập lậu.
Hiện nay, tại các điểm nóng ở huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên hay các phường Hải Hòa, Hải Sơn và Bắc Sơn (thành phố Móng Cái), "độ nóng" của hoạt động mua bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu qua biên giới luôn ở mức cao. Tại đây, khi hàng tập kết đủ "cơ số" ở những địa điểm kín đáo, có lệnh "xuất kích" của chủ buôn lậu là được vận chuyển sâu vào nội địa để tiêu thụ.
Thời điểm "xuất kích" được bố trí hết sức bất ngờ, sau khi "chim lợn" đã trinh sát các hoạt động của lực lượng chống buôn lậu thấy an toàn. Tuy các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp, tổ chức tuần tra, kiểm soát, nhưng đối tượng buôn lậu có nhiều thủ đoạn, lợi dụng đường mòn, lối mở để vận chuyển và thay đổi liên tục về thời gian, địa điểm, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chống buôn lậu.
Lực lượng chức năng địa phương đã xác định cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân nói không với buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm soát thị trường, bảo đảm VSATTP và tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ, tấn công mạnh hơn nữa vào hoạt động buôn lậu nói chung, mua bán, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc nói riêng. |