| Hotline: 0983.970.780

Tăng dần tổng mức dự trữ xăng dầu quốc gia đến năm 2025

Thứ Ba 28/02/2023 , 17:30 (GMT+7)

Tại phiên giải trình về tình hình xăng dầu trong nước, Bộ Công thương cho biết đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả về chỉ đạo, điều hành lẫn đảm bảo nguồn cung.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị có lộ trình để nâng tổng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị có lộ trình để nâng tổng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu.

Tại phiên giải trình về thị trường xăng dầu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 28/2, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Ông nhấn mạnh đến công tác tăng dự trữ quốc gia về xăng dầu. Theo đó, Bộ Công thương đã 4 lần trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2022. Ở lần cuối, vào ngày 27/12/2022, Bộ đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày từ năm 2023 - 2025, và lên 30 ngày giai đoạn 2026-2030.

Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. "Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước", ông Diên nói.

Hiện ngân sách nhà nước mới bố trí khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.

Để kịp thời thích ứng với tình hình mới, ngày 17/2/2023, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách.

"Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng, tương đương 1-2 ngày nhập ròng để tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia năm 2025 đạt mức tối đa theo Quyết định số 1030 ngày 13/7/2017 của Thủ tướng", Bộ trưởng Công thương nói thêm.

Tại nhiều địa phương trong năm 2022, tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ xảy ra.

Tại nhiều địa phương trong năm 2022, tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ xảy ra.

Trong năm 2022, Bộ Công thương đã sử dụng linh hoạt lượng dự trữ xăng dầu quốc gia và thời điểm điều hành giá xăng để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Bộ cũng yêu cầu, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao; đồng thời chỉ đạo các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước tăng công suất tối đa và điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp để tăng lượng cung.

Dù vậy, các đại biểu dự phiên giải trình đã chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành, khiến giá xăng dầu đạt mức tăng kỷ lục trong phiên điều chỉnh hôm 13/6. Thời điểm ấy, giá xăng RON 95 bán lẻ lên tới 32.370 đ/lít.

Cụ thể, các đại biểu cho rằng doanh nghiệp sản xuất xăng dầu được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không cam kết về mức sản lượng tối thiểu; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng mà vẫn cất chung trong kho thương mại của doanh nghiệp; phương pháp tính giá chưa bảo đảm tính cạnh tranh và các quy luật thị trường; quản lý nhà nước về xăng dầu giao thoa nhiệm vụ giữa nhiều bộ...

Đặc biệt, các đại biểu băn khoăn về việc thực hiện bình ổn giá không đạt mục tiêu đề ra, chưa công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng quỹ. Ngoài ra, việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy “giá trung bình” của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành “giá trần” cho 10 ngày sau tạo ra sự lệch pha giữa Việt Nam và thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá phiên giải trình đã diễn ra đúng thời điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá phiên giải trình đã diễn ra đúng thời điểm.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Diên cho biết tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao. Trong đó, nhập khẩu đạt 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7%.

Trên cơ sở dự báo thị trường năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15%. Theo vị tư lệnh ngành công thương, việc chủ động và có kế hoạch phân giao sớm sẽ góp phần bình ổn giá xăng dầu trong năm nay.

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, những ý kiến thẳng thắn sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự ổn định của thị trường xăng dầu, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân.

Ông Hải cũng đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan phân định trách nhiệm rõ ràng, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Nhằm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu trong nước, Bộ Công thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra. Kết quả, trong năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.