| Hotline: 0983.970.780

Những giống chè mới: Tăng giá trị hàng nghìn tỷ đồng/năm

Thứ Ba 25/07/2023 , 06:19 (GMT+7)

PHÚ THỌ Giống chè mới đưa vào sản xuất đã giúp năng suất chè của Việt Nam vượt mức năng suất trung bình của thế giới, giúp tăng giá trị hàng nghìn tỷ đồng/năm cho ngành chè.

Kéo năng suất chè vượt mức trung bình thế giới

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (viết tắt là NOMAFSI, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là đơn vị duy nhất trong cả nước thực hiện công tác điều tra, thu thập, bảo tồn, phát triển vườn quỹ gen chè.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm và phát triển các giống chè phục vụ yêu cầu của sản xuất; nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học, các biện pháp kỹ thuật (canh tác, phân bón, bảo vệ thực vật...); chuyển giao, xây dựng mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất chè.

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã cho 'ra lò' nhiều bộ giống chè có năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Trung Quân.

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã cho "ra lò" nhiều bộ giống chè có năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Trung Quân.

TS Nguyễn Ngọc Bình, Phó Viện trưởng NOMAFSI cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2022, Viện đã nghiên cứu hoàn thiện và công nhận được 6 giống chè gồm HBS, TRI5.0, PH276, LP18, CNS141, CNS183.

Thực hiện Luật Trồng trọt (có hiệu lực 1/2020), trên cơ sở các giống sản xuất thử đã được nghiên cứu và công nhận giai đoạn trước, Viện đã tiến hành các thủ tục tự công bố lưu hành được 6 giống chè gồm PH21, VN15, LCT1, TC4, PH12, PH14. Viện cũng đã lập hồ sơ và được Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ công nhận gần 17ha vườn cây đầu dòng, đủ năng lực cung ứng phục vụ sản xuất giống cho ngành chè Việt Nam.

Công tác chuyển giao các giống chè mới của Viện ra sản xuất phát triển khá mạnh, hàng năm có khoảng 7 triệu bầu giống được thương mại với hơn 20 đối tác trên cả nước. Trong giai đoạn 2018 - 2021, Viện đã sản xuất và cung ứng khoảng 30 triệu cây giống. Đặc biệt, giống chè mới PH8 (được công nhận năm 2015) sau 7 năm đã phát triển mạnh mẽ ra sản xuất tại các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Nghệ An... với diện tích hơn 4.600ha.

Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu về công nghệ chế biến chè đã được chuyển giao và áp dụng trong thực tiễn sản xuất ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Lai Châu, Bắc Kạn, Hà Giang..., góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Trong giai đoạn 2018 - 2021, NOMAFSI đã sản xuất và cung ứng khoảng 30 triệu cây giống chè phục vụ sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Trong giai đoạn 2018 - 2021, NOMAFSI đã sản xuất và cung ứng khoảng 30 triệu cây giống chè phục vụ sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

TS Nguyễn Ngọc Bình thông tin thêm, hiện nay, cơ cấu giống chè trong sản xuất tại các tỉnh trồng chè chính trên cả nước đã có sự thay đổi căn bản. Giống dùng để sản xuất chè đen chiếm khoảng 70%, còn lại 30% là giống sản xuất sản phẩm chè xanh và các loại chè khác.

Những giống chè mới được các tỉnh đẩy mạnh trồng thay thế giống cũ đã làm thay đổi rất lớn cơ cấu sản phẩm chè. Từ chỗ chỉ có 2 - 3 dòng sản phẩm đơn điệu, đến nay các sản phẩm chè của Việt Nam đã trở nên đa dạng, phong phú với rất nhiều loại như chè đen, chè xanh thơm, chè xanh dạng ô long, chè ép bánh, hồng trà, bạch trà…

Giống chè chất lượng cùng với kỹ thuật canh tác riêng cho từng giống đã giúp nâng cao năng suất chè. Theo thống kê, năng suất chè của Việt Nam đã tăng lên cao hơn trung bình của thế giới (trước đây chỉ bằng 40 - 50% năng suất chè thế giới). Hiện tại, đã có những giống chè cho năng suất 12 - 13 tấn/ha/năm. Tổng giá trị do áp dụng các giống chè mới mang lại đạt hơn 1.500 tỷ đồng/năm…

Xem quỹ gen chè như máu thịt

Tại vườn quỹ gen chè của NOMAFSI hiện bảo tồn 406 nguồn gen được thu thập ở các địa phương trong cả nước và từ nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Trong đó, có những nguồn gen chè được thu thập ở các địa phương từ năm 1918. Đây là kho tàng vô giá đối với ngành chè nước ta. Bởi lẽ, có nguồn gen này mới có thể lai tạo ra được hàng trăm, hàng ngàn giống chè khác nhau.

Để bảo tồn nguồn gen quý này, mỗi cán bộ ở Viện đều xem tập đoàn quỹ gen này như máu thịt của mình nên mọi công đoạn đều được thực hiện một cách rất cẩn thận. Khi nhận thấy nguồn gen có dấu hiệu bị thoái hóa, già cỗi, sẽ được tiến hành nhân giống vô tính từ cây mẹ, sau đó trồng vào bầu to, rồi trồng lại để không đánh mất nguồn gen.

Vườn quỹ gen do NOMAFSI quản lý hiện có 406 nguồn gen, được thu thập ở các địa phương trong cả nước và từ nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Hoàng Anh.

Vườn quỹ gen do NOMAFSI quản lý hiện có 406 nguồn gen, được thu thập ở các địa phương trong cả nước và từ nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Hoàng Anh.

Từ nguồn gen ở vườn, hàng năm, Viện đã lai tạo ra khoảng 2.000 cá thể. Các cá thể tiếp tục được xác định là cá thể định hướng và không định hướng. Cá thể định hướng sẽ được lai tạo trực tiếp trên cây mẹ hoặc thu quả tự do trên cây mẹ (cây mẹ nào có đặc điểm vượt trội mới thu quả).

Tuy nhiên, để được công nhận giống, phải qua quá trình đánh giá rất nghiêm ngặt, qua nhiều công đoạn thu hạt, trồng, đánh giá từng cá thể, chọn lựa đánh giá dòng, nhân dòng, khảo nghiệm cơ bản…, nếu đảm bảo được các yêu cầu mới tiến hành nhân giống.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, Viện đã chọn tạo được một số giống chè rất chất lượng như VN15, Hương Bắc Sơn..., đồng thời tiến hành bảo hộ được 3 giống chè gồm Hương Bắc Sơn, LCT1, TRI 5.0 (giống tạo bằng phương pháp gây đột biến)… Trong đó, giống chè Hương Bắc Sơn có khả năng chế biến chè ô long cho chất lượng tốt hơn hẳn so với giống nhập nội từ Đài Loan là Kim Tuyên.

Cuộc bám đuổi giống chè với thế giới

Không chỉ có khu khảo nghiệm giống, NOMAFSI còn có gần 100ha trồng chè thương phẩm, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến với công suất khoảng 13 tấn nguyên liệu/ngày.

Điều này lý giải tại sao các giống chè của Viện khi chuyển giao ra các địa phương đều thành công. Bởi lẽ, việc trồng chè nguyên liệu chính là một lần thử nghiệm giống chè, kèm theo quy trình chăm sóc trên quy mô lớn, sát với thực tiễn sản xuất tại các vùng chè. Từ đó, rút ra được những kết quả, kinh nghiệm, mặt mạnh, hạn chế của giống, quy trình canh tác để kịp thời điều chỉnh trước khi chuyển giao ra sản xuất đại trà tại các địa phương.

Giống chè mới chất lượng giúp việc đa dạng hóa sản phẩm cho ngành chè Việt Nam trở nên thuận lợi hơn. Ảnh: Hoàng Anh.

Giống chè mới chất lượng giúp việc đa dạng hóa sản phẩm cho ngành chè Việt Nam trở nên thuận lợi hơn. Ảnh: Hoàng Anh.

Trải qua nhiều chặng đường phát triển, NOMAFSI đã đóng góp vô cùng quan trọng vào sự lớn mạnh của ngành chè Việt Nam, mặc dù vậy, TS Nguyễn Ngọc Bình vẫn trăn trở: Hiện nay, chúng ta đã làm chủ được kỹ thuật và đủ năng lực phục vụ những giống chè mới cho sản xuất. Tuy nhiên, ngành chè vẫn luôn chậm chân hơn nhiều nước trên thế giới trong công tác chọn tạo giống vì họ có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ. 

Trong khi chúng ta vẫn miệt mài chọn tạo giống thủ công vì chưa có nguồn lực nhiều nước đã ứng dụng công nghệ gen, công nghệ sinh học. Cho nên, khi chúng ta tạo ra được một giống mới tương đương thì họ đã tạo ra một giống mới khác. Điều này đặt chúng ta vào tình trạng luôn phải bám đuổi, mà không bám đuổi về giống chè thì chúng ta sẽ bị hạn chế khả năng cạnh tranh khi vươn ra thị trường quốc tế...

Trong bối cảnh đó, NOMAFSI mặc dù có trong tay nguồn gen chè vô cùng quý giá, hàng trăm bộ giống chất lượng nhưng công tác nghiên cứu, bảo tồn đang đối diện với rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp.

Trước những khó khăn và yêu cầu đó của thực tế sản xuất, TS Nguyễn Ngọc Bình cho biết, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống chè những năm tới chắc chắn sẽ phải kết hợp sử dụng các phương pháp truyền thống như lai hữu tính, đột biến, chọn lọc cá thể với các phương pháp hiện đại như sử dụng công nghệ sinh học phân tử và công nghệ tiên tiến ứng dụng giải phẫu thực vật trong chọn giống chè.

Trong đó, tập trung nghiên cứu chọn tạo giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính chịu hạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ sinh học phân tử, công nghệ hóa sinh để chọn tạo dòng/giống chè mới có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, năng suất cao và chất lượng tốt; giống chè giàu hàm lượng polyphenol phục vụ sản xuất chè chất lượng cao và thực phẩm chức năng...

Tại vùng trồng khảo nghiệm chè của NOMAFSI hiện cũng đang khảo nghiệm rất nhiều bộ giống chè như: Bộ giống phù hợp cho sản xuất chè ô long (Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Bát Tiên, PH10, Hương Bắc Sơn...); giống sản xuất chè xanh tốt (LDP1, Phúc Vân Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, Keo Am Tích, PH8, PH9..); giống sản xuất chè đen tốt (LDP2, PH11, PH12, PH14…).

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.