| Hotline: 0983.970.780

Tăng nhanh số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam

Thứ Ba 06/08/2024 , 14:45 (GMT+7)

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến tháng 7/2024, có tổng số 253 vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), Việt Nam là nước định hướng xuất khẩu và đạt được nhiều thành tựu về xuất khẩu, tuy nhiên số lượng vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu lại tương đối lớn. Ảnh: Trung Quân.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), Việt Nam là nước định hướng xuất khẩu và đạt được nhiều thành tựu về xuất khẩu, tuy nhiên số lượng vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu lại tương đối lớn. Ảnh: Trung Quân.

Tại Tọa đàm cập nhật thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường trong và ngoài nước do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức sáng 6/8, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết: Việt Nam là nước định hướng xuất khẩu và đạt được nhiều thành tựu về xuất khẩu, tuy nhiên số lượng vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng xuất khẩu của chúng ta lại tương đối lớn.

Tính đến tháng 7/2024, có tổng 253 vụ việc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường khởi xướng điều tra PVTM nhiều nhất đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam gồm: Hoa Kỳ (64 vụ việc); Ấn Độ (33 vụ việc); Thổ Nhĩ Kỳ (26 vụ việc); Canada (19 vụ việc).

Xu hướng điều tra PVTM đối với Việt Nam tăng nhanh về số lượng vụ việc điều tra (giai đoạn 2001 - 2011 là 50 vụ; giai đoạn 2012 - 7/2024 là 202 vụ, tăng hơn 4 lần). Điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là Hoa Kỳ. Tính đến nay, Hoa Kỳ đã điều tra 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế PVTM.

Bên cạnh đó, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời… mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập… Phạm vi điều tra cũng được mở rộng bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm.

Ngoài các thị trường xuất khẩu lớn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn phải đối mặt với các vụ việc PVTM từ các thị trường mới như Đài Loan, Mexico. Đồng thời, xu hướng điều tra khắt khe hơn, yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).

Mức thuế PVTM có thể bị đẩy lên do một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cũng thông tin một số vụ việc PVTM điển hình đối với nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Cụ thể, số lượng vụ việc PVTM đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam là 11 vụ việc. Các mặt hàng bị điều tra gồm: Mật ong, gỗ dán, cá tra-ba sa, tôm nước ấm, ván gỗ MDF và HDF, tủ gỗ, gạo, đường, sợi bông.

Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá mật ong khởi xướng từ ngày 14/5/2021. Tính chất vụ việc phức tạp, liên quan tới sinh kế của 4 vạn nông dân Việt Nam, trong khi doanh nghiệp nhỏ chưa có kinh nghiệm về PVTM. Qua quá trình làm việc, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công báo kết luận sơ bộ của vụ việc, trong đó để mức thuế tạm thời là 410,93% - 413,99%. Ngày 8/4/2022, DOC ban hành kết luận của vụ việc, điều chỉnh mức thuế chính thức 58,74% - 61,27% (giảm 7 lần). Hiện nay, Hoa Kỳ đang tiến hành rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ nhất với sản phẩm mật ong.

Tính đến tháng 7/2024, có tổng 253 vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Quang Thuần.

Tính đến tháng 7/2024, có tổng 253 vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Quang Thuần.

Đối với Canada, mặt hàng ghế bọc đệm bị rà soát thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Ngày 22/3/2024, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) thông báo khởi xướng rà soát thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng đối với ghế bọc đệm có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam. Biên độ bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam từ 1,7-179,5%; biên độ trợ cấp từ 3,7-5,5%.

Cục Phòng vệ thương mại đã trả lời bản câu hỏi và bản câu hỏi bổ sung dành cho Chính phủ theo yêu cầu của CBSA khi tiến hành rà soát thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng này.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo các hiệp hội và doanh nghiệp: Xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý, cạnh tranh bằng chất lượng. Hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, sổ sách kế toán. Nghiên cứu, cập nhật pháp luật về PVTM; theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công thương; cân nhắc chiến lược PVTM, chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện. Ngoài ra, tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra trong quá trình vụ việc; tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể đạt mốc 10 tỷ USD

'Các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD sang thị trường Trung Quốc trong tương lai', Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Japi Foods chia sẻ khó khăn với người dân bị sạt lở do bão số 3

BẮC KẠN Chung tay san sẻ cùng bà con sau cơn bão số 3, Japi Foods gửi tặng 151 phần quà hỗ trợ tới các hộ gia đình tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.