Lần đầu tiên Lễ hội trái cây Việt Nam được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo ông, ý nghĩa của sự kiện này là gì?
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu và hình ảnh trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Lễ hội này là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu các sản phẩm trái cây chất lượng cao của Việt Nam đến người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Nó cũng thể hiện mối quan hệ thương mại ngày càng phát triển giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản. Việc tổ chức lễ hội tại Bắc Kinh - trung tâm chính trị, kinh tế của Trung Quốc - sẽ giúp thu hút sự chú ý rộng rãi và mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Ông nhận xét thế nào về tiềm năng của trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Đâu là điểm mạnh và đâu là điểm yếu chúng ta cần khắc phục?
Trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Điểm mạnh của chúng ta là chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới, được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù của Việt Nam. Nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, thanh long, vải, nhãn, chuối... được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng từ lâu. Tuy nhiên, chúng ta cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều cũng như sản lượng chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Trung Quốc. Chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thương mại để phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Tiềm năng nhập khẩu trái cây Việt Nam của thị trường Trung Quốc sẽ vươn tới mức nào? Xin ông cho biết bình quân các năm qua, kim ngạch từ xuất khẩu trái cây sang thị trường này là bao nhiêu và dự kiến năm nay thế nào?
Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã đạt 3 tỷ USD, gần bằng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm 2023.
Dự kiến, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD trong cả năm 2024. Riêng mặt hàng sầu riêng, ước tính đến hết tháng 9/2024 đã vượt mốc 2,5 tỷ USD, và dự kiến có thể đạt hơn 3 tỷ USD khi kết thúc năm 2024.
Về tiềm năng trong tương lai, với xu hướng tăng trưởng hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai.
Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi việc mở rộng danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cũng như sự phát triển của các sản phẩm chế biến như sầu riêng đông lạnh và sấy.
Là cơ quan chuyên môn thực hiện công tác đàm phán kỹ thuật để phục vụ công tác mở cửa thị trường, chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên có kế hoạch làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xúc tiến nội dụng này nhằm góp phần vào việc tạo ra các động lực mới cho ngành xuất khẩu quả tươi
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhiều lần cảnh báo về việc các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm các tiêu chí kỹ thuật khi xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng sang thị trường 1,4 tỷ dân. Theo ông, chúng ta cần làm ngay những điều gì để giữ được môi trường xuất khẩu lành mạnh, ổn định theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT?
Để có sự phát triển bền vững tại thị trường này, điều quan trọng hàng đầu là chúng ta phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng, và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi mà chúng ta cần tập trung phát triển và duy trì. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng trung thành, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam.
Để giữ được môi trường xuất khẩu lành mạnh và ổn định, chúng ta cần tập trung vào một số điểm chính:
Phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo mọi khâu trong chuỗi sản xuất đều đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.
Đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp về các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Trung Quốc.
Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nhằm giúp người nông dân yên tâm sản xuất, ổn định thị trường để hướng tới nâng cao giá trị và uy tín của trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xây dựng chiến lược quốc gia về xây dựng thương hiệu, trong đó tập trung vào những đặc trưng độc đáo của trái cây Việt Nam như "Bốn mùa thơm ngon".
Tăng cường hợp tác với cơ quan chức năng Trung Quốc để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin nhanh chóng và hiệu quả giữa hai bên.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển giống cây trồng mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường Trung Quốc. Xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ nông dân đến doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo lợi ích hài hòa cho tất cả các bên tham gia. Áp dụng công nghệ trong sản xuất, bảo quản và vận chuyển để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc kết nối, chia sẻ thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, giúp nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với trái cây Việt Nam.
Trong Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tại Trung Quốc, hai nước có đàm phán thêm về các loại trái cây khác của Việt Nam sang thị trường này hay không? Ngược lại, Trung Quốc có kế hoạch xuất khẩu trái cây nào sang Việt Nam, thưa ông?
Trong khuôn khổ Lễ hội này, mặc dù không có bố trí các phiên đàm phán giữa các cơ quan chuyên môn, nhưng việc tổ chức các buổi tọa đàm và giao thương giữa doanh nghiệp hai nước là cơ hội tốt để lắng nghe, trao đổi từ phía các doanh ngiệp về nhu cầu và tiềm năng mở rộng danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Từ đó các cơ quan quản lý Nhà nước có căn cứ để xây dựng lộ trình đàm phán và bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tại Diễn đàn giao thương, kết nối chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu trái cây Việt Nam - Trung Quốc (nằm trong khuôn khổ Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 29-30/9 tại Bắc Kinh), đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản.
Cụ thể, gồm 4 ký kết, đó là ký kết giữa Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty Phát triển Tân Hợp Tác Bắc Kinh; Hiệp hội rau quả Việt Nam và Hiệp hội hoa quả Trung Quốc; Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group và Công ty TNHH Phát triển Khoa học Kỹ thuật Vân Điền Lương Phẩm Bắc Kinh; Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group và Công ty TNHH Giao dịch Thương mại châu Á.