| Hotline: 0983.970.780

Tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác thủy sản

Thứ Tư 28/12/2022 , 10:24 (GMT+7)

Dựa trên 3 trụ cột là nuôi trồng, khai thác và bảo tồn, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân cam kết phát triển đa dạng chuỗi ngành hàng, đảm bảo sinh kế cho bà con.

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ một số định hướng, kế hoạch của ngành thủy sản trong năm 2023.

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ một số định hướng, kế hoạch của ngành thủy sản trong năm 2023.

Cơ hội và thách thức đan xen

Bàn phương hướng kế hoạch năm 2023, Tổng cục Thủy sản đánh giá, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại sau dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine nhiều khả năng giảm nhiệt. Cùng với việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, cũng như mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, ngành thủy sản sẽ có nhiều thời cơ phát triển.

Tuy nhiên, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành sẽ gặp thách thức khi Tổng cục Thủy sản thay đổi cơ cấu tổ chức, từ một đơn vị quản lý chung sẽ tách thành 2 đơn vị là Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư. Tác động của biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ là những vấn đề ngành cần tập trung giải quyết. 

Với định hướng chung là hoàn thiện, thúc đẩy Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành thủy sản đặt mục tiêu giữ diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định như năm 2022.

Cụ thể, tổng diện tích nuôi trồng khoảng 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt khoảng 380 nghìn ha, diện tích nuôi nước mặn, lợ khoảng 920 nghìn ha, riêng tôm nước lợ 737 nghìn ha.

Về sản lượng, ngành thủy sản tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, đáp ứng mục tiêu đưa tổng sản lượng thủy sản đạt 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với ước thực hiện năm 2022.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 phấn đấu đạt 5,16 triệu tấn; sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn. Các sản phẩm thế mạnh gồm: Cá tra 1,62 triệu tấn; Tôm nước lợ 960 nghìn tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 680 nghìn tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 10 tỷ USD.

Ngành thủy sản hiện phát triển đa dạng các đối tượng nuôi trồng.

Ngành thủy sản hiện phát triển đa dạng các đối tượng nuôi trồng.

Thực hiện đồng bộ giải pháp trên 3 trụ cột

Chia sẻ về nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cho 3 trụ cột chính.

Về nuôi trồng, ngành tập trung triển khai, phát triển đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, cũng như nuôi trồng thủy sản trên biển. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch hành động phát triển ngành tôm, cá tra và một số loài có giá trị cao như tôm hùm, tôm càng xanh.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đổi khí hậu, đồng thời đưa nhuyễn thể, rong biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa.

Về khai thác, Tổng cục sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT về phương án quản lý hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá; hỗ trợ địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường.

Tổng cục cũng đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho ngư dân, thông qua việc hướng dẫn ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá; công tác đánh giá công nhận các cơ sở đăng kiểm tàu cá sẽ được kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên

Bộ máy quản lý cảng cá sẽ được sắp xếp lại, sát với nhu cầu địa phương, đảm bảo đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ theo Luật Thủy sản năm 2017 và yêu cầu cấp bách hiện nay theo khuyến nghị của EC.

Về bảo tồn, Tổng cục sẽ tham mưu và sớm trình Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợithuỷ sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; đồng thời thành lập và đưa Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam vào hoạt động.

"Các chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, việc mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi hệ sinh thái biển sẽ được quan tâm hơn, nhằm đảm bảo diện tích đạt 6% tổng diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam", ông Luân bày tỏ.

Riêng với việc khắc phục thẻ vàng IUU, Tổng cục Thủy sản sẽ chuẩn bị kế hoạch, kịch bản làm việc với đoàn thanh tra của EC về kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam. Tại địa phương, Tổng cục tiếp tục tăng cường thông tin, truyền thông đến với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và các thành phần có liên quan để cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản bày tỏ niềm vui khi các địa phương ngày càng nhận thức, đề cao vai trò của thủy sản, coi đây là một ngành kinh tế động lực trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Chúc mừng ngành thủy sản đạt mức xuất khẩu kỷ lục gần 11 tỉ USD, ông Toản cho rằng ngành hàng còn nhiều dư địa khai thác trong những năm kế tiếp. Để làm được, ông đề nghị ngành thủy sản phát triển đa dạng thị trường đầu ra, nâng cao hàm lượng chế biến, đồng thời tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về thủy sản trên toàn quốc.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Phụ phẩm ngành tôm có thể mang về cả tỷ USD

CẦN THƠ Tận dụng phụ phẩm trong ngành tôm mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp thu về hàng tỷ USD.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.