Ngày 15/12/2021, Uỷ ban châu Âu (EC) vừa công báo Quy định số (EU) 2021/2246, nhằm sửa đổi Quy định số (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số nông sản thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Cụ thể: Căn cứ kết quả kiểm tra của thành viên EU về ô nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với quả thanh long của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU, Ủy ban châu Âu quyết định tần suất kiểm tra đối với các lô hàng thanh long của Việt Nam là 20% - tăng 10% so với thông báo hôm 15/11.
Trong nhóm nông sản, thanh long là mặt hàng duy nhất bị tăng tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, theo thông báo của Ủy ban châu Âu. Các loại nông sản khác giữ nguyên tần suất, như: rau mùi là 50%, húng quế 50%, bạc hà 50%, rau mùi tây 50%, đậu bắp từ 50%, hạt tiêu 50%.
Theo định kỳ, 6 tháng một lần, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, sản lượng, giá trị xuất khẩu rau, củ, quả Việt Nam sang EU có nhiều tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Một số sản phẩm như chanh leo, nhãn, vải, măng cụt, mít, ổi, rau gia vị, khoai lang... thâm nhập thị trường EU khá nhanh. Dù vậy, rau quả sang EU còn nhiều khó khăn, thách thức do tính đồng bộ và liên kết trong sản xuất chưa cao, thiếu vùng sản xuất quy mô lớn đảm bảo chất lượng cũng như nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Việc thanh long bị tăng tần suất kiểm tra, tính từ ngày 6/1/2022 (ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo) sẽ là một thách thức cho những vựa thanh long lớn như Bình Thuận, Long An.
Trong ngày 24/12, Văn phòng SPS Việt Nam gửi thông báo số 303/SPS-BNNVN gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công thương), đề nghị hai cơ quan này tăng cường kiểm tra, kiểm tra các nhà sản xuất.
"Rà soát các khâu trong chuỗi quản lý, xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục để Việt Nam yêu cầu EU rút lại các biện pháp được nêu trong Quy định số (EU) 2021/2246 trong thời gian tới", văn bản nêu rõ.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ: "Nếu các cơ quan hữu quan vào cuộc tích cực, đồng bộ, kiểm soát tốt tình hình, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ kiến nghị Ủy ban châu Âu giảm tần suất vào kỳ họp 6 tháng tới".
Theo ông Nam, thị trường EU ngày càng chú trọng nhập khẩu các sản phẩm rau quả hữu cơ, áp dụng tiêu chuẩn chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm, đề cao trách nhiệm xã hội và môi trường, cũng như đạo đức kinh doanh.
Do đó, chiến lược thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU cần được xây dựng tổng thể, toàn diện, tiến tới định vị thương hiệu mới của nông nghiệp Việt Nam là minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Ngoài thanh long, một sản phẩm khác có nguồn gốc từ Việt Nam là mỳ ăn liền cũng bị tăng tần suất kiểm tra lên 20%. Cùng với một số sản phẩm từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, mỳ ăn liền của Việt Nam có nguy cơ ô nhiễm ethylene oxide. Kết luận này dựa trên căn cứ số lượng thông báo trên hệ thống RASFF.