| Hotline: 0983.970.780

Tang thương xóm biển

Thứ Hai 20/01/2014 , 10:59 (GMT+7)

Suốt ngày 19/1, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa thể tìm thấy thuyền viên cuối cùng là ông Phạm Thú.

Từ đêm 18 đến suốt ngày 19/1, lực lượng tìm kiếm của BĐBP Thuận An cùng ngư dân vẫn nỗ lực kiếm tìm thuyền viên mất tích là ông Phạm Thú (46 tuổi, trú thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, TT-Huế). Trước đó, 3 thi thể đã được tìm thấy, người thân đang tổ chức an táng cho các nạn nhân. Xóm biển An Hải tang thương trong những ngày cận Tết.

>> Chìm tàu, 5 thuyền viên gặp nạn

Như chúng tôi đã thông tin trên nongnghiep.vn, vào lúc 5 giờ sáng 18/1, tại cửa biển Thuận An, thị trấn Thuận An, xảy ra vụ chìm tàu cá khiến 3 người chết và 1 người mất tích. Thời điểm trên, chiếc tàu cá TTH-6629 của ông Hồ Minh Hiền, trú thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An làm thuyền trưởng cùng 4 ngư dân khác là Phạm Thú (46 tuổi), Võ Văn Hoàng (41 tuổi), Phạm Tòa (43 tuổi) và Nguyễn Văn Hải (43 tuổi) đều trú thôn An Hải, thị trấn Thuận An, đang di chuyển vào bờ thì gặp nạn tại vị trí cách cửa biển chưa đầy 1 km. Khi nhận được tin báo, hàng chục tàu cá của ngư dân đã ra ứng cứu. Đến 7 giờ 30 phút cùng ngày, các tàu cá của ngư dân đã cứu và đưa được ông Hiền vào bờ an toàn trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.

Tiếp đó, 2 thi thể gồm anh Tòa và anh Hải cũng được lực lượng BĐBP tìm thấy tại vị trí bờ biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (TT-Huế). Sau khi kéo chiếc tàu cá bị nạn vào bờ, lực lượng chức năng cũng tìm thấy thi thể anh Hoàng được buộc vào lưới. Hiện công tác tìm kiếm tung tích ngư dân Phạm Thú vẫn đang tiếp tục nhưng hy vọng sống sót không còn.


Đội tìm kiếm và ngư dân Thuận An tiếp cận tàu bị chìm

Suốt ngày 19/1 lực lượng tìm kiếm vẫn chưa thể tìm thấy thuyền viên cuối cùng là ông Phạm Thú. Trong lúc đó ông Hồ Minh Hiền là ngư nhân may mắn sống sót sau nhiều giờ vật lộn với sóng biển, giữa cái lạnh cắt từng thớ da thịt vẫn chưa hết bàng hoàng.

Tiếp xúc với chúng tôi, sau một hồi bần thần, ông kể: “Lúc chuẩn bị vào cửa, tàu đột nhiên chết máy, mắc cạn. Trong cảnh hoảng loạn, anh em chúng tôi phát tín hiệu cầu cứu. Khi tàu chìm, cả 5 anh em đều có mặc áo phao, nhưng lại bị dây rợ, lừ lưới trên tàu cuốn lấy người, phải cởi áo phao thoát thân. Trong giây phút hoảng loạn, sóng đánh to, gió lớn nên người nào thoát ra được thì thoát thôi chứ không thể cứu nhau được”. Giữa lúc cái chết cận kề, ông Hiền may mắn bám được vào chiếc nắp thùng xốp và bơi dọc bờ biển. Ông Hiền bơi vào cách bờ vài chục mét thì được thuyền của ngư dân vớt lên bờ.

Về xóm biển An Hải, trong đêm 18 và sáng 19/1, trong khi người thân của ông Phạm Thú vẫn không thôi dõi ánh mắt mong mỏi, hy vọng về phía biển để tìm kiếm người thân của mình thì trên bờ, một màu tang tóc đang trùm lên những gia đình nơi đây. Ba nạn nhân được tìm thấy thi thể là các anh Hoàng, Tòa, Hải hầu hết đều là lao động chính trong nhà, gia cảnh khó khăn. Nay họ mất đi, vợ con nheo nhóc, bơ vơ, không nơi nương tựa. Khi màn đêm trùm xuống, thôn An Hải càng tang thương, lạnh lẽo. Không ai bảo ai, người dân trong thôn lặng lẽ đến nhà các nạn nhân để chia sẻ những nỗi đau khó nói hết bằng lời. Có lẽ, chỉ những người thân, những ngư dân vùng biển một đời dạn dày sương gió, gắn nghiệp với biển cả mới cảm nhận hết nỗi đau thương, mất mát mà biển cả đã cướp đi người thân của họ!

Chỉ chưa đầy một ngày kể từ buổi sáng hay tin dữ, bà Ngô Thị Phất (63 tuổi) mẹ anh Tòa như già thêm chục tuổi. Ngồi phía ngoài cửa căn phòng nhỏ, nơi đặt thi thể đứa con trai xấu số, hình hài gầy ốm của bà gục xuống trên manh chiếu khiến ai cũng không cầm được nước mắt. Người mẹ mất con cứ lẩm bẩm một mình trong tiếng nấc nghẹn: “Răng mà con phải chết? Con chết rồi mẹ với vợ con con biết làm răng đây?…”. Anh Tòa mất đi để lại 4 người con, trong đó đứa út mới 8 tuổi, đang học lớp hai.


Xóm biển An Hải trong ngày đại tang

Tại gia đình nạn nhân Hải, bà Mai Thị Phúc vợ anh Hải cùng con trai ánh mắt như dại đi bởi nỗi đau mất chồng, mất cha quá lớn. Bà Phúc cứ ôm ghì đứa con, khóc đến khô dòng nước mắt, lả đi rồi tỉnh lại trong đau đớn.

Ngay sau khi nhận được tin tàu cá bị sóng đánh chìm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, ông Lê Trường Lưu đã có mặt tại cửa biển Thuận An, chỉ huy cứu hộ cứu nạn và tiến hành động viên, hỗ trợ bước đầu 5 triệu đồng/người cho gia đình các nạn nhân.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh TT-Huế, do cửa biển Thuận An bị bồi lắng nên khi nhận được tin báo không đưa tàu lớn ra ứng cứu được mà phải dùng ca nô và các tàu của ngư dân ra ứng cứu.

Hiện, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh này vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thuyền viên Phạm Thú.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm