| Hotline: 0983.970.780

Tăng tốc vào vụ đông

Thứ Sáu 08/10/2021 , 06:30 (GMT+7)

HÀ NỘI Các vựa rau lớn của Hà Nội đang tăng nhanh diện tích rau trở lại sau dịch bệnh Covid-19. Ngành nông nghiệp Hà Nội chủ trương tăng tối đa diện tích sản xuất vụ đông.

Tăng rau ăn lá, rau ngắn ngày

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, HTX có 170 thành viên, thông thường hàng năm đều gieo trồng hết diện tích 200 ha.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, HTX Đông cao đã chủ động giảm diện tích gieo trồng từ 200 ha xuống còn 20 ha. Ảnh: Trung Quân.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, HTX Đông cao đã chủ động giảm diện tích gieo trồng từ 200 ha xuống còn 20 ha. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, thời điểm làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 quay trở lại trong năm 2021, HTX đã chủ động giảm diện tích gieo trồng xuống còn 20 ha để đảm bảo việc “sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó”. Thời điểm TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, trung bình mỗi ngày HTX xuất bán ra thị trường 30 - 40 tấn rau các loại (thấp hơn cùng kỳ 2020 từ 70 - 100 tấn/ngày).

Thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, nhu cầu của thị trường tăng trở lại nên các thành viên HTX đang khẩn trương xuống giống khôi phục lại diện tích sản xuất.

Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, vụ đông năm 2021, HTX vẫn sẽ duy trì sản xuất tối đa 200 ha diện tích. Tuy nhiên, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con không xuống giống ồ ạt mà phân thành từng đợt để tránh dồn ứ sản phẩm vào một thời điểm, gây khó khăn cho khâu tiêu thụ.

"HTX điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cụ thể, giảm diện tích gieo trồng một số loại rau như cà chua từ 26 ha xuống 18 ha, củ cải từ 80 ha xuống 60 ha. Tăng diện tích rau ăn lá ngắn ngày từ 10 ha lên 20 ha để tạo nguồn cung thường xuyên”, Giám đốc HTX Đông Cao cho hay.

Ghi nhận tại cánh đồng rau xã Tráng Việt và xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội), hiện người dân đang khẩn trương làm đất, xuống giống sau thời gian thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Gia đình và Nguyễn Thị Dũng xuống giống rải vụ theo từng đợt, tập trung nhiều vào các loại rau ăn lá, rau ngắn ngày. Ảnh: Trung Quân.

Gia đình và Nguyễn Thị Dũng xuống giống rải vụ theo từng đợt, tập trung nhiều vào các loại rau ăn lá, rau ngắn ngày. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Tính (thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong) cho biết: Hiện nay, giá các loại rau đang tăng trở lại so với thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể cải chip 8.000 - 9.000 đồng/kg, cải ngọt 10.000 đồng/kg, cải ngồng 10.000 đồng/kg, cải bẹ đông dư 8.000 đồng/kg, các loại củ giao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg…

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, vừa qua, do dịch bệnh nên tiêu thụ hoa chậm, người dân ít sản xuất. Tuy nhiên thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, người dân sẽ bắt đầu trở lại sản xuất hoa phục vụ cho nhu cầu cuối năm cũng như Tết nguyên đán 2022.

Theo bà Tính, trong thời điểm TP. Hà Nội giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất của người dân không bị ảnh hưởng nhiều do chính quyền tạo điều kiện cho bà con ra đồng chăm sóc rau nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch.

Tuy nhiên, khâu tiêu thụ lại gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bó hẹp, thương lái đưa hàng đi tiêu thụ hạn chế dẫn đến giá các loại rau giảm mạnh, vì thế bà chỉ duy trì sản xuất 2 sào rau.

“Hiện tại, khi thành phố có chỉ thị cho phép nới lỏng giãn cách, nhà hàng quán ăn rục rịch hoạt động trở lại, tôi đã tăng diện tích gieo trồng lên 4 sào để có nguồn cung rau thường xuyên ra thị trường và tăng thu nhập trong những tháng cuối năm 2021”, bà Nguyễn Thị Tính chia sẻ.

Vụ đông là vụ rau chính trong năm, vì vậy hầu hết người dân sẽ cố gắng gieo trồng tối đa diện tích. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường, thị trường tiêu thụ chưa có sự ổn định.

Tương tự bà Tính, gia đình bà Nguyễn Thị Dũng (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) có 5 sào trồng rau, cũng như các hộ xung quanh đều xuống giống rải vụ theo từng đợt, tập trung nhiều vào các loại rau ăn lá, rau ngắn ngày để đúng điểm rơi của thị trường có thể dễ tiêu thụ với giá cao hơn.

Mở rộng tối đa diện tích

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2021, diện tích lúa vụ mùa đã gieo cấy của Hà Nội đạt hơn 76.800 ha (đạt 98,6% kế hoạch). Diện tích lúa đã thu hoạch chiếm 57% diện tích. Hiện Hà Nội đã gieo trồng vụ đông sớm hơn 4.400 ha.

Vụ đông 2021, Hà Nội sẽ mở rộng tối diện tích. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vụ đông 2021, Hà Nội sẽ mở rộng tối diện tích. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, đối với vụ đông năm 2021, đơn vị này đã chỉ đạo 21 trạm Trồng trọt và BVTV tại 23 quận, huyện, thị xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn, phòng kinh tế huyện chỉ đạo sản xuất, bám sát đồng ruộng, hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân mở rộng tối đa diện tích cây vụ đông đối với rau, ngô, khoai, đậu tương và các loại rau củ quả khác.

“Hiện nay, Hà Nội đã thực hiện xuống giống hơn 50% diện tích cây vụ đông 2021. Thời tiết nhìn chung được nhận định là khá thuận lợi cho việc sản xuất. Việc mở rộng sản xuất tối đa diện tích vụ đông là cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời phục vụ chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phương, với việc mở rộng sản xuất vụ đông, cùng với vụ mùa thắng lợi vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội nhận định Thành phố không lo thiếu hụt thực phẩm từ nay tới cuối năm.

“Sản lượng gạo của Hà Nội hiện 70% cung cấp cho nhu cầu tại chỗ của người dân, 30% còn lại phục vụ cho thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Rau đáp ứng được 60% nhu cầu. Những loại rau mà địa phương không sản xuất được sẽ được nhập từ các địa phương khác”, ông Nguyễn Mạnh Phương thông tin.

Hà Nội sẽ không lo thiếu hụt thực phẩm dịp cuối năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hà Nội sẽ không lo thiếu hụt thực phẩm dịp cuối năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đề nghị các phòng Kinh tế, trạm Trồng trọt và BVTV chỉ đạo các quận huyện tập trung đảm bảo đủ nhân lực và máy gặt để phục vụ thu hoạch lúa mùa và chăm sóc, thu hoạch các cây trồng vụ mùa; tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ theo chuỗi, tránh dư thừa cục bộ nông sản nhất là rau quả tươi.

Đồng thời, các đơn vị cần theo dõi tình hình thời tiết và có các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Đối với những diện tích lúa đang giai đoạn chắc xanh bị đổ do mưa, dông lốc cần hướng dẫn nông dân khẩu trương dựng lúa, cột thành từng bó để tránh hạt lúa nảy mầm.

Khi có thiệt hại xảy ra do mưa bão, các đơn vị khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng thiệt hại đối với từng loại cây trồng để có biện pháp khắc phục phù hợp, kịp thời; phối hợp với các địa phương, ngành có liên quan đánh giá năng suất, sản lượng của lúa mùa.

Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực tuyên truyền hướng dẫn để người dân gieo trồng cây vụ đông đúng lịch thời vụ, nhất là những loại cây có thời vụ nghiêm ngặt như ngô, đậu tương... Đồng thời tham mưu cho UBND các quận, huyện thị xã có chính sách hỗ trợ giống, thuốc BVTV, phân bón và công làm đất... để khuyến khích các nông dân tích cực gieo trồng cây vụ đông.

"So với những năm trước, năm nay giá vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất tăng cao, trong khi nhu cầu vật tư phục vụ sản xuất buộc phải được đáp ứng đầy đủ. Tại những vùng sản xuất thâm canh chính, việc giá vật tư đầu vào tăng dẫn đến lợi nhuận đầu ra của người nông dân bị giảm đi", ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội.

Xem thêm
Trại lợn đầu độc kênh mương

Tiền Giang Đang mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất nhưng tại một số nơi dòng nước kênh bị ô nhiễm bởi chất thải do một bộ phận người chăn nuôi kém ý thức xả xuống.

Vĩnh Long tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại

Vĩnh Long Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiêm miễn phí 60 ngàn liều vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm