| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội giữ vững mặt trận nông nghiệp trong dịch bệnh Covid-19

Thứ Tư 15/09/2021 , 06:00 (GMT+7)

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, kết quả sản xuất nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 của Hà Nội vẫn khả quan nhờ kế hoạch mang tính căn cơ và tỉ mỉ…

Kết quả đầu năm khả quan

Về trồng trọt, toàn thành phố đã gieo trồng được 85 nghìn ha lúa xuân, (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng đạt 524,8 nghìn tấn (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước); 77 nghìn ha lúa vụ mùa (giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước); 28.454 ha rau các loại (tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng đạt 520 nghìn tấn (giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước).

Diện tích hoa, cây cảnh 5.778 ha (tăng 32,8 % so với cùng kỳ); diện tích cây lâu năm 23.160 ha (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước).

Đàn lợn phục hồi rõ rệt. Ảnh: NNVN.

Đàn lợn phục hồi rõ rệt. Ảnh: NNVN.

Về chăn nuôi, đàn trâu thành phố hiện có 27,2 nghìn con, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 130,4 nghìn con, tăng 0,6%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 1.231 tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt bò đạt 7.132 tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi lợn tuy vẫn còn gặp khó khăn nhưng đã có sự phục hồi rõ rệt, hiện có 1,37 triệu con, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 145,6 nghìn tấn, tăng 4,1%. Đàn gia cầm hiện có 39,8 triệu con, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt xuất chuồng đạt 108,3 nghìn tấn, tăng 6,1%; sản lượng trứng gia cầm đạt 1.702 triệu quả, tăng 8%. Sản lượng thủy sản ước tính đạt 73,8 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính tổng thể, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt yêu cầu Thành phố đề ra, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 3,09%. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, còn có nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 khiến một số diện tích trồng đã đến thời điểm thu hoạch không tiêu thụ được do giãn cách xã hội. Các hợp đồng tiêu thụ với các nhà hàng, bếp ăn tập thể ngừng trệ, người vận chuyển mắc bệnh, chuỗi phân phối bị đứt gẫy.

Tuy chưa gây ra các thiệt hại lớn về kinh tế nhưng ở một số vùng sản xuất chuyên canh rau như Hoài Đức, Thường Tín, Chương Mỹ tâm lý nông dân dao động rõ rệt...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngoài chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do Covid 19, còn có nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi. Ngoài ra còn có sức ép dịch bệnh tại một số tỉnh, thành lân cận, do nội tại tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm được tiêu phòng của Hà Nội giảm mạnh do giãn cách xã hội, giá thức ăn tăng cao, giá bán sản phẩm giảm mạnh khiến cho người chăn nuôi phải bỏ chuồng...

Nguồn thực phẩm của Hà Nội vẫn dồi dào. Ảnh: NNVN.

Nguồn thực phẩm của Hà Nội vẫn dồi dào. Ảnh: NNVN.

Tổ chức sản xuất theo phương án phân vùng

Trước tình hình đó, Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức sản xuất nông nghiệp theo phương án phân vùng các tháng cuối năm 2021.

Về trồng trọt, tổng diện tích rau các loại vụ hè thu khoảng 9.132 ha, năng suất ước đạt 215 tạ/ha, sản lượng ước đạt 196.160 tấn. Vụ đông diện tích rau các loại 13.948 ha, năng suất ước đạt khoảng 222 tạ/ha, sản lượng ước đạt 302,3 nghìn tấn.

Địa bàn sản xuất tập trung tại một số huyện của phân vùng 2, 3 như Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Thường Tín, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ với các chủng loại chủ yếu như cải các loại, su hào, bắp cải, súp lơ...

Trường hợp cần tăng nguồn cung, thành phố sẽ hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất rau khoảng 2.010 ha ở các huyện vùng 3 để có thể đáp ứng được thêm sản lượng 39.200 tấn nữa. Thời gian trồng từ đầu tháng 10/2021 đến 15/10/2021, thu hoạch từ cuối tháng 11/2021. Riêng với cây hoa, màu, Hà Nội phấn đấu diện tích vụ đông đạt 15.237 – 16.052 ha, chủ yếu gieo trồng từ 28/8/2021-15/10/2021.

Đặc sản nhãn muộn Đại Thành. Ảnh: NNVN.

Đặc sản nhãn muộn Đại Thành. Ảnh: NNVN.

Để chủ động hơn nữa trong cung cấp nông sản tại chỗ, Hà Nội sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân yên tâm tổ chức sản xuất ngô, đậu tương, khoai tây do đây là loại nông sản vừa phục vụ làm thực phẩm cho người nhưng đồng thời có thể là nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi.

Mặt khác, các sản phẩm này tương đối dễ sơ chế, bảo quản nên phù hợp trong điều kiện Thành phố cần đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn phòng chống dịch Covid-19.

Tổng diện tích ngô vụ đông theo hướng hàng hóa có thể sản xuất gồm 7.000 ha ngô, 4.000 ha đậu tương và 705 ha khoai tây. Sở NN-PTNT cũng đang hướng dẫn trồng mới thêm 1.000 ha cây ăn quả (chuối, bưởi, ổi...) tại phân vùng 2, 3 để chủ động thêm nguồn cung hoa quả.

Về chăn nuôi, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ duy trì tổng đàn đàn trâu 27 nghìn con, đàn bò khoảng 135 nghìn con, phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 12 nghìn tấn. Phát triển đàn đàn lợn khoảng 1,6 triệu con trở lên, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 250 nghìn tấn. Địa bàn sản xuất tập trung tại các huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Mê Linh.

Giữ ổn định đàn gia cầm 40 triệu con trong đó 26 triệu con gà (bao gồm 12 triệu con gà đẻ trứng, 14 triệu gà thương phẩm); 10 triệu con vịt (bao gồm 4,5 triệu con vịt đẻ trứng, 5,5 con vịt thương phẩm); 4 triệu ngan, ngỗng và gia cầm khác.

Phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 156 nghìn tấn. Tập trung trên địa bàn các huyện chăn nuôi trọng điểm như Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức và Thị xã Sơn Tây. Rà soát, mở rộng phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 600 ha để đạt được diện tích nuôi trồng thủy sản của Thành phố năm 2021 đạt 24.000 ha, sản lượng 120 nghìn tấn.

Đảm bảo để nông dân ra đồng sản xuất

Để kế hoạch này đi vào được đời sống ,Sở NN-PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ để người dân không thuộc diện cách ly y tế được ra đồng sản xuất. Tiếp tục rà soát các điều kiện cho vụ đông như nhu cầu và khả năng đáp ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư đi kèm… để có biện pháp tháo gỡ và kiến nghị với các cơ quan chắc năng kịp thời có cách giải quyết. 

Hà Nội lưu ý đảm bảo không để dịch bệnh xẩy ra trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh: NNVN.

Hà Nội lưu ý đảm bảo không để dịch bệnh xẩy ra trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh: NNVN.

Riêng đối với một số quận, huyện thuộc phân vùng 1 như Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm..., đề nghị rà soát các diện tích đất có thể huy động vào sản xuất để tuyên truyền cho các hợp tác xã, đoàn thể cùng người dân trồng trọt, đặc biệt là mở rộng trồng các loại rau màu để chủ động nguồn cung.  

Tại hội nghị mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội đánh giá cao vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp trong đại dịch Covid-19, vừa nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng hiện nay nông nghiệp Hà Nội vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Nông dân đang có tâm lý sản xuất cầm chừng do lo ngại thị trường tiếp tục bị đứt gãy, giá cả đầu vào tăng, giá bán ra giảm, vận chuyển tiếp tục bị ngắt quãng. Do đó, bà đã đề nghị các sở ngành, địa phương tích cực tham gia và có trách nhiệm chung tay trong tổ chức thực hiện kế hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương vùng 2, 3 trước hết phải huy động mọi nguồn lực để khẩn trương thu hoạch về nguyên tắc, vụ mùa gặt đến đâu, tiến hành làm đất, canh tác vụ đông đến đó để bảo đảm nguồn cung cho người dân.

Thành phố sẽ nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương. Cơ chế phải đi cùng chỉ tiêu thì mới đạt được thành quả.  Ngoài ra, bà Tuyến cũng lưu ý phương án phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, không để "dịch kép" cả trên người và trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh khâu bảo quản, chế biến nông sản nhằm vừa lưu trữ hàng hoá được lâu hơn, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống kể cả là đại dịch Covid-19 kéo dài, vừa gia tăng giá trị cho nông dân trên cùng một diện tích canh tác.

Thời gian thu hoạch lúa vụ mùa rộ từ 15/9/2021 đến 15/10/2021, trong khi hiện trên địa bàn có 1.017 máy gặt, phân bố ở vùng 1 là 56 máy, vùng 2 là 305 máy và vùng 3 là 656 máy, nghĩa là cần thuê khoảng 125 - 130 máy từ các tỉnh ngoài.

Dự kiến, sẽ có một số khó khăn trong di chuyển máy gặt từ tỉnh ngoài vào Hà Nội nên các huyện phải dự phòng việc huy động các lực lượng như quân đội, công an cùng các đoàn thể hỗ trợ dân gặt lúa lúc cần thiết…

Xem thêm
Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn thực phẩm

Sáng 9/1, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2025.

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Vượt bão lũ thiên tai, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đạt kết quả ấn tượng

HÀ NỘI Sáng 9/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.