Mới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức chương trình tọa đàm “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Yên Bái có hơn 700 HTX với gần 32.000 thành viên, gần 5.400 tổ hợp tác 27.000 thành viên. Các HTX, tổ hợp tác cơ bản có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như: HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, huyện Văn Yên; HTX Suối Giàng, HTX tổng hợp Kiến Thuận; HTX Trà Shan tuyết Phình Hồ, huyện Văn Chấn, HTX nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải...
Tuy nhiên, hiện nay một số HTX thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự thấy được lợi ích lớn của công nghệ thông tin, chưa làm quen được với hình thức quản lý, điều hành và kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử. Hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghệ thông tin nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu để ứng dụng công nghệ. Hệ sinh thái chuyển đổi chưa đồng bộ, phù hợp với điều kiện đặc thù vùng dân tộc miền núi. Hạ tầng công nghệ thông tin, máy tính, thiết bị thông minh còn thiếu còn yếu; đường truyền tín hiệu Internet, 3G, 4G… một số nơi còn chưa được phủ sóng; hệ sinh thái chuyển đổi chưa đồng bộ và chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền, năng lực của các HTX, thành viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Theo bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ các HTX, thành viên tham gia vào các mạng lưới chuyên nghiệp để trao đổi, tìm hiểu và thí điểm các giải pháp kỹ thuật số chung; học tập kinh nghiệm thực tế các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Đưa sản phẩm của của các HTX, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến gần hơn với người tiêu dùng tại thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, các HTX xây dựng thương hiệu cần gắn với câu chuyện sản phẩm, câu chuyện của người nông dân để sản phẩm tạo ấn tượng và lan tỏa. Việc chuyển đổi số phải hành động ngay và sát với thực tiễn; các địa phương cần xây dựng quy chế ứng xử trên không gian mạng và các chợ thương mại điện tử.