| Hotline: 0983.970.780

Táo mèo (sơn tra), vị thuốc quý

Thứ Ba 11/10/2011 , 11:40 (GMT+7)

Theo y học cổ truyền, táo mèo (sơn tra) có tác dụng: Tiêu thực hóa tích, hoạt huyết tán ứ.

Rượu táo mèo
Cây táo mèo thường mọc hoang và một số được trồng tại Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, ở độ cao trên 1.000m. Táo mèo phơi khô trong đông y được gọi là sơn tra là một vị thuốc quý dùng để chữa bệnh.

Táo mèo quả chín màu vàng lục, ăn có vị chua, hơi chát. Trong những bài thuốc có sơn tra có thể dùng táo mèo thay thế, điều trị vẫn đạt kết quả tốt. Nó có tác dụng tiêu hóa thức ăn tích trệ, tán ứ huyết, sát trùng, tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, hạ huyết áp, giảm cholesterol, kháng khuẩn tốt, bảo vệ gan, chống ung thư.

Theo y học cổ truyền, táo mèo (sơn tra) có tác dụng: Tiêu thực hóa tích, hoạt huyết tán ứ. Chủ trị các chứng tích trệ, bụng đau tiêu chảy, sản hậu ứ trệ đau bụng, nước ối ra không dứt, sán khí, đau tinh hoàn.

Y học hiện đại: Sơn tra được dùng khá phổ biến tại các nước Châu Âu, nhất là ở các nước Đông Âu như Nga, Ba Lan, Hungari. Tại các nước Tây Âu như Đức, Anh, Thụy Sĩ, Pháp, sơn tra được dùng làm thuốc chữa bệnh tim mạch. Chất chiết xuất từ sơn tra có mặt trong hơn 100 đặc chế dùng trị bệnh tim mạch như Crataegutt, Eurython, Esbericard, Cratamed…

Do có tác dụng khá mạnh trên cơ tim, nên sơn tra đã được sử dụng trong các trường hợp suy tim và giúp tăng hoạt động của cơ tim. Các amin của cây có tác dụng bổ tim. Còn các flavonoids gây sự gia tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, làm tăng nhịp tim, ngoài ra có tác động làm giãn mạch, nhất là mạch vành.

Sơn tra đặc biệt có công năng điều chỉnh rối loạn lipit (mỡ) máu và dự phòng tích cực các bệnh lý về tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Dưới đây là một vài loại trà từ sơn tra (táo mèo) chữa rối loạn mỡ máu và dự phòng các bệnh tim mạch.

* Trà mạn 6g, Sơn tra 15g, Hà thủ ô 30g, Hoa hòe 18g, Đông qua bì (vỏ bí đao) 18g. Tất cả sắc uống thay trà. Công dụng: Tiêu thực giảm béo, làm mềm huyết quản, hạ lipid máu, dùng thích hợp cho những người béo phì có kèm theo rối loạn lipid máu.

* Sơn tra 30g, Hà diệp (lá sen) 10g, sắc uống thay trà. Công dụng: Thanh nhiệt, làm giảm mỡ máu, dùng cho người bị rối loạn lipid máu ở tất cả các thể.

* Sơn tra 10g, Cúc hoa 10g, Thảo quyết minh 15g, tất cả sắc uống thay trà. Công dụng: Làm giảm mỡ máu, khứ ứ thanh nhiệt, thông tiện. Dùng cho người bị rối loạn lipid máu và béo phì.

* Sơn tra 10g, Hòe hoa 10g, hai thứ hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt bình can, làm giảm mỡ máu, dùng cho người bị rối loạn lipid máu có kèm theo cao huyết áp.

Ngoài việc chữa rối loạn mỡ máu và dự phòng các bệnh về tim mạch, táo mèo (sơn tra) còn ứng dụng điều trị trong các trường hợp sau:

* Dùng 200g táo mèo, rửa sạch, bỏ hạt ngâm với 300ml rượu trắng (chú ý ngày lắc bình 1 lần). Sau một tuần đem ra uống. Ngày 2 lần, mỗi lần 10 – 15ml. Sau khi uống hết rượu, trái táo mèo còn lại trộn với đường kính ăn dần. Bài thuốc này chữa toàn thân đau mỏi hiệu quả và có tác dụng tăng cường khả năng tiêu hóa.

* Táo mèo để nguyên cả hạt đốt thành than, nghiền mịn, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 6g, hòa với nước cơm uống để chữa viêm ruột, đại tiện xuất huyết.

* Táo mèo 100g, tam thất 2g, gạo tẻ 100g nấu cháo, hòa thêm mật ong, ăn nhiều bữa trong ngày để chữa ung thư đại tràng.

* Dùng hạt táo mèo, hạt vải, hạt trám, mỗi loại 100g, thiêu tồn tính, nghiền mịn. Trước mỗi bữa ăn uống 10g, uống thuốc bằng nước sắc hồi hương để chữa ung thư bàng quang.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.