| Hotline: 0983.970.780

Tạo thương hiệu cho mỗi vùng quê

Thứ Bảy 07/12/2019 , 13:15 (GMT+7)

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thực hiện tốt đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

11-54-36__1-_gioi_thieu_sn_phm_go_le_thuy
Giới thiệu sản phẩm “Gạo Lệ Thủy”.

“Thực hiện đề án này, huyện đã tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn theo hướng gia tăng giá trị”, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN-PTNT thì huyện có 26 sản phẩm thế mạnh, thuộc 5 nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm (có 15 sản phẩm); nhóm đồ uống, thảo dược (7 sản phẩm) và các nhóm lưu niệm- nội thất- trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn (4 sản phẩm).

Đến nay, có 3 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 1 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà đã vươn ra thị trường lân cận như Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và một số tỉnh phía Nam. “Có 6 sản phẩm đặc trưng hiện đang được nhiều người tiêu dùng biết đến, thuận lợi cho việc phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đó là gạo sạch Lệ Thủy, khoai gieo Lâm Hường, nón lá Quy Hậu, mật ong Trường Thủy, tinh bột nghệ, trứng vịt lộn…”, ông Vương nhấn mạnh.

Ngoài ra, huyện cũng có nhiều sản phẩm đặc trưng có giá trị, thế mạnh và tiềm năng phát triển như nấm, rau sạch, cá khô, nước mắm, mướp đắng, tinh dầu sả, tinh dầu tràm, rượu Tuy Lộc, chiếu cói, hương bài, mộc dân dụng… Nhìn chung các sản phẩm đã góp phần mang lại thu nhập cho người dân, ngày càng được thị trường biết đến.

Nhằm tạo lợi thế, Lệ Thủy chủ động đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản. Nhiều hình thức được thực hiện như hỗ trợ các cơ sở, đơn vị sản xuất trưng bày tại các gian hàng hội chợ triển lãm. Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết các chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Để có được thương hiệu “Gạo Lệ Thủy”, huyện đã xây dựng lộ trình hướng đến đạt chuẩn Ocop từ năm 2012. Được sự hỗ trợ của tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi, giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững-SRI”, người dân Lệ Thủy bước vào quy trình thâm canh khoa học kỹ thuật.

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (HTX) Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy), thực hiện điểm với gần 270 ha giống lúa P6. Qua 7 năm triển khai thực hiện sản xuất theo phương pháp SRI đã giúp nông dân giảm từ 25- 30% các loại chi phí và thu nhập tăng trên 30% so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Với cách trồng lúa cải tiến này, vụ ĐX 2018-2019, năng suất lúa bình quân của HTX đạt 76,4 tạ/ha, cao hơn hẳn lúa đại trà. Để tạo đà, UBND huyện hỗ trợ 110 triệu đồng cho HTX để đầu tư máy xay xát, nhà xưởng, hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy”.

Loại gạo này sạch, dẻo, thơm hơn nhiều loại gạo sản xuất thông thường và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Quảng Bình) cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là điều kiện để lúa gạo của HTX có điều kiện tốt thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ và hướng tới chuẩn OCOP.

 Ông Võ Văn Thắng, Chủ nhiệm HTX Mỹ Lộc Thượng cho biết: “Quy trình sản xuất “Gạo Lệ Thủy” được HTX thực hiện nghiêm ngặt. Sau khi lúa nguyên liệu phơi khô, đưa vào kho dự trữ bảo đảm đạt chuẩn. Kho lúa nguyên liệu được xây dựng cách nhiệt ít ảnh hưởng bởi tác động thời tiết bên ngoài, thoáng khí, có hệ thống ống thông đảm bảo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Lúa nguyên liệu từ kho lưu trữ chuyển sang hệ thống dây chuyền xay xát liên hoàn để chế biến, đóng gói. Sản phẩm được chuyển đến kho bảo quản, xếp lên các kệ, đánh số lô sản phẩm để dễ dàng kiểm tra và truy xuất nguồn gốc”.

Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, “Gạo Lệ Thủy” đã có bước phát triển mới mạnh mẽ, bền vững hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau hạt lúa, thương hiệu khoai deo Lâm Hường cũng được thị trường biết đến. Chủ cơ sở là ông Phan Xuân Lâm, thôn 1 Thanh Tân, xã Thanh Thủy, đã đầu tư sản xuất các sản phẩm từ củ khoai. Trung bình mỗi năm, cơ sở của ông Lâm tiêu thụ cho bà con trong xã khoảng 300 tấn khoai nguyên liệu.

11-54-36__2-_nhieu_sn_phm_tu_khoi_lng
Nhiều sản phẩm từ khoai lang được thị trường chấp nhận.

Từ việc sản xuất khoai deo và các sản phẩm từ khoai, cơ sở ông Lâm đã giải quyết việc làm theo thời vụ cho 10 lao động tại địa phương. Hiện cơ sở sản xuất khoai deo này có các sản phẩm, như khoai ép dẻo, mứt và tinh bột khoai. Sản phẩm từ khoai của cơ sở ông Lâm giờ đây đã vươn ra cả nước. Mỗi năm, gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng. Với cách làm này, sản phẩm khoai gieo Lâm Hường được đánh giá sẽ sớm đạt tiêu chuẩn của OCOP.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho rằng, để xây dựng chương trình OCOP, huyện sớm kiện toàn ban chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng người dân trực tiếp thực hiện.

Sau khi các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, huyện sẽ tiến hành chấm điểm các sản phẩm dưới 3 sao và tỉnh sẽ chấm những sản phẩm đạt 3 sao trở lên.

“Khi các sản phẩm được công nhận sẽ góp phần thay đổi nhận thức cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Bởi các sản phẩm đạt chuẩn OCOP sẽ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có chất lượng cao, đầu ra thuận lợi hơn.

Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo thu nhập cao và bền vững cho người dân làm nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành và nâng cao tiêu chí NTM ở địa phương”, ông Sơn nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.