Thị trường sách đang có nhiều chuyển biến tích cực! |
Trong cuộc tọa đàm nhân Ngày Sách Việt Nam, ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: "Nếu trước đây, sách ngôn tình của Trung Quốc bị phê phán, chê bai thì dạng sách đó bây giờ không còn làm mưa, làm gió. Những trào lưu chỉ như một cuộc chạy theo cho vui. Thấy người ta đọc ngôn tình, mình cũng đọc; thấy người ta đọc kiếm hiệp mình cũng đọc. Rồi những trào lưu đó cũng qua đi, không thể tồn tại lâu. Bây giờ, xu hướng của người đọc trẻ đang có những chuyển biến tích cực”.
Đó là một ý kiến chứng tỏ văn hóa đọc đang được nhìn nhận lạc quan. Tuy nhiên, sở thích đọc của giới trẻ hiện nay vẫn là ẩn số. Bởi lẽ, nhìn vào danh sách những cuốn sách bán chạy do các đơn vị xuất bản hoặc các đơn vị phát hành đưa ra, thì tác phẩm best-seller chưa hẳn đạt được giá trị gì về tư tưởng cũng như về nghệ thuật.
Với tư cách một người kinh doanh, giám đốc một công ty sách bày tỏ sự băn khoăn: "Trong những cuốn được bạn trẻ đón đọc, có số lượng lớn sách tản văn. Tản văn cũng là thế mạnh của nhiều tác giả trẻ Việt nhưng phải thú thật có những cuốn chưa thật sự hay, ý nghĩa mà như một nhánh khác của ngôn tình. Hơi đáng tiếc, nhiều cuốn làm người đọc bi quan hơn nhưng độc giả trẻ lại chuộng".
Mỗi năm, có gần 400 triệu bản sách được in, trong đó có 300 triệu bản là sách giáo khoa. Liệu 100 triệu bản sách không nhằm phục vụ cho giảng dạy, học tập và thi cử, thì có thể tạo ra một xu hướng thẩm mỹ mới cho văn hoá đọc của người Việt Nam không? Chính những nhà quản lý xuất bản cũng ngậm ngùi rằng, số sách mang nội dung làng nhàng, vô bổ vẫn chiếm số lượng không hề nhỏ. Vì vậy, để tạo tiền đề cho những cuốn sách bán chạy là những tác phẩm hay, không thể không chú ý vai trò của hoạt động quảng bá.
Sau khi Đường sách TPHCM trở thành mô hình văn hoá, thì nhiều đô thị khác như Hà Nội, Vũng Tàu cũng thiết kế Đường sách riêng. Các buổi giao lưu tác giả - độc giả chính là điểm nhấn của mỗi Đường sách, nhưng chất lượng vẫn chưa cao. Đối tượng đọc sách quan trọng nhất cần tiếp cận là học sinh – sinh viên vẫn còn xa lạ với các chương trình giới thiệu sách. Nỗ lực mang sách đến trường học, gần đây được Nhà xuất bản Kim Đồng triển khai ở một số trường tiểu học trên địa bàn TPHCM, còn nhiều hầu hết các nhà xuất bản khác đều án binh bất động.
Những hội sách hàng năm, có thể là cơ hội bán sách tồn kho, nhưng không thể kích hoạt sức lan toả của những cuốn sách hay. Chạy theo thị hiếu độc giả, hoặc thả nổi thị hiếu độc giả, đều làm giảm chất lượng của thị trường sách. Muốn xây dựng thương hiệu, không có cách nào khác là những người làm sách phải có được những cuốn sách vượt trội đánh thức bạn đọc và nâng tầm bạn đọc. Một cuốn sách khi có được sự cộng hưởng giữa giới xuất bản và giới phê bình sẽ tương tác hữu ích với công chúng!