| Hotline: 0983.970.780

Tạo vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh [Bài 1]: Liên kết nuôi gà trang trại công nghệ hiện đại

Thứ Ba 27/06/2023 , 09:43 (GMT+7)

Nhờ bắt tay cùng doanh nghiệp nuôi gà lông trắng quy mô lớn an toàn sinh học, đã có những nông dân tạo được sự thay đổi ngoạn mục trong phát triển kinh tế.

Bên trong trang trại gà lông trắng của ông Đỗ Mạnh Tường tại xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quảng. Ảnh: Trần Trung.

Bên trong trang trại gà lông trắng của ông Đỗ Mạnh Tường tại xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quảng. Ảnh: Trần Trung.

Vượt qua nghịch cảnh

Đến thăm trang trại nuôi gà trắng thương phẩm của ông Đỗ Mạnh Tường tại xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản (Bình Phước), chúng tôi thật sự ấn tượng với mô hình chăn hiện đại.

Khu chuồng trại rộng rãi, sạch sẽ được trang bị đầy đủ hệ thống cảm biến nhiệt độ, đèn điện, quạt thông gió, máng ăn tự động, camera giám sát… giúp cho những người nông dân hiện đại thời công nghiệp 4.0 như ông Tường có thể dễ dàng vận hành sản xuất một cách hiệu quả.

Dẫn chúng tôi thăm đàn gà con vừa được nhập trại, ông Tường cho biết, để có trang trại như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng trong lao động sản xuất, từng bước tích lũy kinh nghiệm từ thực tế.

Những năm tháng mới bước vào nghề, mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông gồm gà, heo thịt với quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trước sự tác động mọi mặt của nền kinh tế thị trường, tình hình dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm có những diễn biến phức tạp khó lường, ảnh hưởng thiệt hại nặng nề cho nghề chăn nuôi, nhiều người đã phải bỏ nghề. Bản thân ông cũng không ngoại lệ, có những thời điểm tưởng chừng không thể trụ vững được.

Song với lòng quyết tâm, niềm đam mê gắn bó với nghề, ông đã dành nhiều thời gian để tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Sau khi tìm hiểu về mô hình trang trại bắt tay doanh liên kết nuôi gà lông trắng theo tiêu chuẩn cao tại các địa phương, nhận thấy đây là hình thức hợp tác phát triển chăn nuôi bền vững, năm 2015 ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại theo phương thức chuồng lạnh khép kín.

Bước đầu bắt tay liên kết, bản thân ông cũng còn nhiều bỡ ngỡ, nhờ phía doanh nghiệp “cầm tay chỉ việc”, hiện ông đã nắm vững quy trình, từng bước mở rộng quy mô sản xuất. Từ trang trại ban đầu, đến nay, ông Tường đã sở hữu 8 trang trại duy trì nuôi 100.000 con gà lông trắng.

Gà trắng có ưu điểm là siêu thịt, nhanh lớn, tiêu tốn ít thức ăn hơn gà lông màu truyền thống. Ảnh: Lê Bình.

Gà trắng có ưu điểm là siêu thịt, nhanh lớn, tiêu tốn ít thức ăn hơn gà lông màu truyền thống. Ảnh: Lê Bình.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà lông trắng, ông Tường cho biết, giống gà trắng có ưu điểm là siêu thịt, nhanh lớn, tiêu tốn ít thức ăn hơn gà lông màu truyền thống.

Tuy vậy, do thời gian tăng trưởng nhanh, chỉ từ 45-50 ngày xuất một lứa nên gà thường mắc nhiều bệnh đòi hỏi quy trình chăn nuôi phải được thực hiện nghiêm ngặt theo phương pháp an toàn sinh học.

Từ khâu chọn con giống đạt tiêu chuẩn, có nguồn gốc rõ ràng đến nguồn thức ăn, nước uống, vệ sinh môi trường chuồng trại, công tác phòng bệnh phải được theo dõi kiểm tra thường xuyên.

Chuồng trại phải đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, sau mỗi lứa nuôi được rắc vôi toàn bộ nền khử trùng, vào mùa đông được xử lý thêm tinh dầu bạc hà có tác dụng khử khuẩn.

Nhờ tuân thủ theo quy định, quy trình sản xuất sạch từ khi nhập chuồng đến khi xuất chuồng nên sản phẩm gà trắng của ông luôn đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trang trại sản xuất theo quy trình khép kín, ứng dụng trang thiết bị tiên tiến, tự động hóa, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại sản xuất theo quy trình khép kín, ứng dụng trang thiết bị tiên tiến, tự động hóa, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Trung.

“Chăn nuôi theo mô hình liên kết, trang trại gà trắng của tôi được công ty De Heus bao tiêu từ con giống đến khi xuất chuồng. Con giống và thức ăn chăn nuôi do công ty cung cấp, khi xuất chuồng được công ty đến thu mua. Hàng tuần, phía công ty đều cử nhân viên đến kiểm tra mức độ sinh trưởng của gà và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để gà phát triển tốt nhất. Người nuôi chỉ cần có diện tích, có vốn và bỏ công sức.

Một cái lợi nữa, đó là do được xây dựng kiên cố nên thời gian sử dụng trại gà lạnh có thể lên tới 10-15 năm, trong khi trại gà hở chỉ sử dụng được 2-3 năm là xuống cấp, có khi phải làm lại. Nuôi gà chuồng lạnh cũng giảm thiểu rất nhiều nguy cơ dịch bệnh do khâu vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo và giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường…”, ông Tường phấn khởi nói.

“Trang trại chăn nuôi gà của ông Đỗ Mạnh Tường tại xã Đồng Nơ huyện Hớn Quản là một trong những trang trại chăn nuôi quy mô, đáp ứng được các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Trong quá trình hoạt động chăn nuôi, qua theo dõi, giám sát, đánh giá trang trại này đáp ứng được các quy định phòng chống dịch bệnh và từ đó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã kiểm tra đánh giá, giám sát và công nhận cơ sở này là cơ sở an toàn dịch bệnh đối với 2 bệnh cúm gia cầm và Newcastle …”, Phó Trưởng Phòng nghiệp vụ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Phước Hồ Quang Thanh đánh giá.

Kiểm soát tốt dịch bệnh, hướng đến xuất khẩu

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Phước, lĩnh vực chăn nuôi địa phương từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Phương thức chăn nuôi có sự dịch chuyển mạnh từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung tự cấp sang chăn nuôi quy mô trang trại.

Bước đầu tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Sản phẩm từ chăn nuôi có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng. Bình Phước đã và đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học để hướng đến xuất khẩu.

Địa phương từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Ảnh: Lê Bình.

Địa phương từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Ảnh: Lê Bình.

Hiện tỉnh Bình Phước có khoảng 10 triệu con gia cầm, nếu như từ năm 2015 trở về trước, đa số các cơ sở chăn nuôi theo phương thức truyền thống, dựa theo kinh nghiệm, không tuân thủ quy trình kỹ thuật, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi mang lại không cao, thì nay các chủ trang trại, hộ chăn nuôi đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, áp dụng quy trình kỹ thuật và tuân thủ công tác phòng, trị bệnh trên đàn vật nuôi.

Cả tỉnh có gần 100 trang  trại, trong đó, trên 59 trại chăn nuôi công nghệ chuồng lạnh, kín, tự động hoặc bán tự động. Các trại gia cầm chủ yếu cho nuôi gia công hoặc cho các công ty, tập đoàn thuê chăn nuôi như CP, De Heus, Emivest, Japfa,…

Bình Phước đã và đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học để hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước đã và đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học để hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết,  Bình Phước có điều kiện về đất đai, do đó đáp ứng được các điều kiện khoảng cách an toàn sinh học, công tác quản lý về dịch bệnh được tỉnh hết sức quan tâm, đồng thời nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Bộ NN-PTNT, đặc biệt trong công tác xây dựng vùng ATDB.

Định hướng phát triển gia cầm của địa phương trong thời gian tới sẽ theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường an toàn vệ sinh thực phẩm và đẩy mạnh liên kết chuỗi, đẩy mạnh chế biến tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh công tác an toàn thực phẩm, đảm bảo sản phẩm có thể xuất đi thế giới.

“Muốn chăn nuôi phát triển, một trong những giải pháp đặc biệt quan tâm là công tác phòng chống dịch bệnh, Bình Phước cũng đã xây dựng, phê duyệt đề án phát triển vùng an toàn dịch bệnh. Theo đó, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng 11 huyện, thị xã, thành phố an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và niu-cát-xơn trên gà theo tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó phấn đấu xây dựng thành công 6 huyện, thành phố an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE…”.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.