Mối quan hệ song phương được củng cố
Ngày 7/3, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo thường niên diễn ra ở Canberra, Australia, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố nâng cấp quan hệ Australia và Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP).
Theo đó, hai nước cam kết làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ thương mại, đầu tư song phương, tăng cường hợp tác kinh tế, theo đuổi thương mại đầu tư cởi mở hơn thông qua hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực.
CSP cũng có ý nghĩa đối với Việt Nam và Australia trong việc thiết lập khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, theo đuổi đa dạng hóa thương mại để thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế.
Mối quan hệ song phương được củng cố bởi sự tin tưởng chiến lược, tôn trọng lẫn nhau và dựa trên tham vọng chung của hai nước. Trong năm 2023, Australia và Việt Nam đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam
Dấu mốc CSP mang tính bước ngoặt sẽ hỗ trợ mở rộng hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng, chuyển đổi số, dựa trên sự hợp tác đã được thiết lập trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hợp tác kinh tế và giáo dục.
Thời điểm này cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Australia và Việt Nam phát triển thương mại, đầu tư cùng có lợi.
Cụ thể, hai nước đã tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế (EEES) Việt Nam - Australia và các hành động bổ sung để thực hiện Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040.
Quan trọng hơn, hai nước cam kết thúc đẩy tiếp cận thị trường và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại cho cả hai nước, bao gồm cả trong nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp.
Trong lĩnh vực lao động việc làm, hai nước cam kết tăng cường dịch chuyển lao động, bao gồm thông qua việc tiếp cận cho công dân Việt Nam làm việc tại Australia và công dân Australia làm việc tại Việt Nam.
Hai nước cũng đã công nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy một môi trường kinh doanh và pháp lý minh bạch, bao gồm hỗ trợ đầu tư, tài chính bền vững thông qua thị trường vốn cùng các cơ chế khác.
Việt Nam và Australia cũng sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác về năng lượng, tài nguyên, bao gồm thông qua tăng cường thương mại, đầu tư và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức nghiên cứu của Australia và Việt Nam.
Mavin sẽ đẩy mạnh xuất khẩu từ năm 2025
Tập đoàn Mavin là một doanh nghiệp nông nghiệp thực phẩm có vốn đầu tư Australia lớn mạnh ở Việt Nam với 5 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, hàng trăm trang trại chăn nuôi, 2 dây chuyền sản xuất thuốc thú y, 1 nhà máy chế biến thực phẩm và hơn 2.000 nhân viên trên toàn quốc.
Kể từ khi thành lập tại Việt Nam vào năm 2004, Mavin đã đầu tư 100 triệu USD với tổng tài sản hơn 250 triệu USD.
Hiện nay, Mavin là 1 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 10 Doanh nghiệp Nông nghiệp thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Tập đoàn đã giành được nhiều giải thưởng từ các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế trong nhiều năm qua.
Mavin hiện đang theo đuổi mô hình kinh doanh linh hoạt, bền vững, có trách nhiệm với xã hội, minh bạch và toàn diện đồng thời hiệu quả về mặt tài chính.
Tập đoàn Mavin đang triển khai hàng loạt các dự án đại trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại các tỉnh thành trên cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi Chính phủ hướng đến mục tiêu Net Zero 2050, nhằm chung tay thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0".
Không chỉ đóng góp vào việc phát triển ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam theo hướng hiện đại hóa và bền vững, Mavin còn là doanh nghiệp tích cực trong vai trò kết nối các doanh nghiệp Australia với các địa phương của Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Australia – Việt Nam, ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mavin cũng đã được lựa chọn là 1 trong 50 cá nhân tiêu biểu có đóng góp lớn trong thúc đẩy quan hệ ngoại giao hai nước.
Đứng trước cơ hội mà CSP mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, Mavin cho rằng thời gian tới đặc biệt là từ năm 2025 sẽ là cơ hội thuận lợi để mở rộng hoạt động kinh doanh ra hải ngoại. Tập đoàn sẽ xem xét phát triển thị trường xuất khẩu của mình, đặc biệt là sang Australia, có thể là cả Châu Âu và Mỹ.
Mavin cũng sẽ xem xét hợp lý hóa các ngành nghề kinh doanh, phát triển năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như các chương trình chuyển đổi số, tập trung vào tiềm năng xuất khẩu, đồng thời tiếp tục phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam.
Giai đoạn sau đại dịch rất khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều đáng mừng là Mavin đã thích ứng tốt và hết sức kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh để tồn tại, phát triển, gieo trồng hạt giống cho một tương lai bền vững.