| Hotline: 0983.970.780

Tập huấn kỹ thuật trồng hoa hồng chậu

Thứ Tư 29/08/2018 , 14:50 (GMT+7)

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng hoa hồng chậu cho gần 30 hộ nông dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Rau quả, hoa hồng là cây lưu niên có thể trồng quanh năm. Nhưng tốt nhất, trồng cây hoa hồng lên chậu từ tháng 8 - 9, thu hoạch tháng 12 - 4 năm sau.

15-27-07_img_0566
Tháng 9 DL là thời điểm thích hợp trồng hoa hồng trong chậu

Để nâng cao chất lượng hoa và hiệu quả kinh tế, ở giai đoạn đầu nên trồng hoa trong nhà có mái che đơn giản.

Điều kiện tối ưu để trồng hoa hồng chậu là: Nhiệt độ không khí từ 18 - 25 độ C. Độ ẩm đất từ 60 - 70%. Độ ẩm không khí 80 - 90%. Đất thịt hoặc thịt nhẹ tơi xốp. Độ pH từ 6 - 6,5%. Dưới 18 độ C và trên 35 độ C đều ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng, phát triển của cây hoa hồng.

Các giống hoa hồng thích hợp cho trồng chậu bao gồm: Juniet (xoắn cam), Catalina (vàng rộn), Rouge Royal (đỏ tươi), Scented (sọc tím), Masora (cam đậm), Claude Monet (sọc vàng hồng), Beatric (xoắn vàng cam).

Chọn cây giống ghép mập, khoẻ, cao trên 10cm, đường kính 0,7 - 1cm, không sâu bệnh, đã được bấm ngọn và đang phát cành.

Hỗn hợp giá thể trồng bao gồm: 1/2 đất phù sa + 1/4 phân chuồng hoai mục + 1/4 xơ dừa. Trước khi trồng 3 - 5 ngày, sử dụng Ridomil Gold 68WG xử lý giá thể để phòng ngừa nấm bệnh.

Chọn loại chậu nhựa mỏng, cao 18cm, rộng 22cm. Trồng 1 cây/1 chậu. Trồng cây vào chiều mát. Sau trồng tưới đẫm nước. Xếp các chậu (miệng chậu) cách nhau 10 - 15cm. Mật độ 6.000 chậu/1.000m2.

Thăm vườn thường xuyên, cắt tỉa kịp thời những cành nhánh già, cành yếu và cành sâu bệnh, kết hợp tạo tán cho cây, để kích thích cây ra nhiều mầm mới. Chú ý dùng dao hoặc kéo sắc cắt vát 45 độ, để lại ít nhất 2 lá có 5 lá chét trưởng thành.

Sau trồng tưới nước ngày 2 lần, tới khi cây bén rễ hồi xanh thì tưới duy trì độ ẩm đất trong chậu khoảng 60 - 70%.

Định kỳ 7 ngày/lần, bón NPK (20 - 20 -15 + TE), liều lượng 2kg pha trong 200 lít nước tưới cho 100m2 chậu. Ngoài ra, tuỷ tình hình sinh trưởng của cây có thể bổ sung kích thích sinh trưởng Atonik 1,8SL hoặc Đầu trâu 501, liều lượng 1 - 2g/1 lít nước, phun định kỳ 7 ngày/lần.

Khi trên cây có 3 - 4 nụ hoa chuyển màu và hé nở, thì mang chậu đi sử dụng. Nếu vận chuyển đi xa, dùng dây buộc giữ tán hoa để tránh giập hoa và gẫy xước cành. Xếp các chậu khít nhau để giảm va đập khi vận chuyển. Trong quá trình sử dụng, tuỳ thuộc vào thời tiết hàng ngày để tưới nước dưỡng cây thích hợp, bình thường thì cứ 3 ngày tưới 1 lần, mỗi lần 0,5 lít nước/1 gốc cây (không tưới nước lên hoa). Sau khi hoa tàn cần cắt bỏ hoa và cắt sâu tới 1 - 2 mắt cành, để dưỡng cây và kích thích bật mầm mới.

15-27-07_img_0570
Ảnh: Phương Nguyễn

Một số sâu bệnh thường gặp trên cây hoa hồng:

- Nhện đỏ: Nhện thường cư trú ở mặt dưới lá cây, chích hút dịch trong mô lá tạo các vết có màu sáng, nếu bị hại nặng, lá cây hồng có màu nâu phồng rộp, vàng và khô rụng. Phòng trừ bằng thuốc Pegasus 500SC hoặc Ortus 5SC.

- Rệp: Thường gây nặng trong vụ xuân hè và đông xuân, làm cho cây hoa còi cọc, nụ thui, ngọn quăn queo, hoa không nở hoặc dị dạng. Dùng Marshal 200SC hoặc Serpal 600EC để phun trừ.

Sâu xanh: Thường phá lá non, ngọn non, nụ và hoa. Phun trừ bằng thuốc Reasgant 1.8EC hoặc Pegasus 500SC.

Bệnh đốm đen: Bệnh thường gây hại trên các lá bánh tẻ, làm cho lá vàng và rụng hàng loạt. Các thuốc có thể phòng trừ hiệu quả như: Score 250ND hoặc Anvil 5SC.

Bệnh gỉ sắt: Vết bệnh có dạng ổ màu vàng da cam hoặc màu gỉ sắt (nâu), cây bị bệnh nặng sẽ còi cọc, lá khô cháy, dễ rụng, hoa nhỏ và ít. Có thể phòng trừ bằng một trong các loại thuốc như Zineb 80WP, Anvil 5SC...

Bệnh phấn trắng: Vết bệnh có dạng bột màu trắng xám. Bệnh thường gây hại trên ngọn non, chồi non, lá non. Bệnh hại cả thân cành và nụ hoa, làm biến dạng lá cây, thân khô, nụ ít, hoa không nở. Thuốc phòng trừ: Score 250ND, hoặc Anvil 5SC. Sử dụng thuốc theo khuyến cáo trên bao gói.

Để thúc đẩy phong trào, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các nhà nông một số giống hoa và vật tư giá thể trồng.

Sau tập huấn kỹ thuật, các nhà nông sẽ được kết nối “Zalo” với TS Đặng Văn Đông để được hướng dẫn xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong quá trình trồng, chăm sóc hoa hồng chậu tại cơ sở.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.