| Hotline: 0983.970.780

Tập trung thực hiện gói hỗ trợ và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch

Thứ Tư 21/07/2021 , 10:26 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện gói hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung.

Tập trung thực hiện gói hỗ trợ Covid-19 lần 2 của Chính phủ

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả và hỗ trợ kịp thời người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nội dung:

Tập trung thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/ 2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 một cách khẩn trương nhất, bảo đảm chính sách đến người lao động, người sử dụng lao động và người dân kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.

Xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg theo đặc thù của địa phương; chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương và chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn; căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

Đồng thời, triển khai ngay việc rà soát, thống kê, chi trả cho các đối tượng hỗ trợ; đặc biệt là các đối tượng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp thường xuyên cập nhật dữ liệu báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác hỗ trợ các đối tượng trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Chỉ đạo Sở LĐ-TBXH tăng cường công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong các cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy có biện pháp phòng, dịch an toàn đối với khách đến thăm; không tiếp nhận đối tượng mới, trường hợp phải tiếp nhận khẩn cấp thì cơ sở phải phối hợp với cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức xét nghiệm, bố trí nơi cách ly theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và phân công cán bộ, nhân viên luân phiên chăm sóc đối tượng, bảo đảm an toàn, không để lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở này. Trường hợp để lây nhiễm trong cơ sở, người đứng đầu cơ sở phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Người lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Ảnh: Nam Khánh.

Người lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Ảnh: Nam Khánh.

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ

Trước đó, ngày 12/7, Bộ LĐ-TBXH đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung làm Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời đánh giá tình hình, kết quả triển khai việc thực hiện các chính sách trong phạm vi và nhiệm vụ được giao. Chiều 19/7, Ban Chỉ đạo đã có cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả triển khai việc thực hiện các chính sách trong phạm vi và nhiệm vụ được giao.

Thông tin nhanh tại cuộc họp về tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt ở khu vực phía Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ: nên triển khai tập trung vào lĩnh vực nào, ưu tiên là gì, tiến độ thực hiện, phân công nhiệm vụ rõ ràng ra sao; Việc thực hiện theo dõi, đôn đốc công tác tuyên truyền; Các giải pháp trọng điểm đối với 19 tỉnh phía Nam.

Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng khẳng định, việc gì làm được thì nên làm ngay, không chần chừ, chờ đợi. Bộ trưởng phân công cho các bộ phận:

Cơ quan thường trực chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đôn đốc các địa phương, chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ban, ngành thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm toàn bộ về các nội dung hỗ trợ người lao động liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội với tinh thần và thủ tục thông thoáng nhất.

Ngân hàng chính sách xã hội cần khẩn trương thực hiện cho người sử dụng lao động vay trả lương và phục hồi sản xuất. Trường hợp cấp hết vốn trong kế hoạch có thể trình Bộ xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu việc bổ sung.

Bộ Tài chính cung cấp thông tin được cập nhật hàng ngày từ các địa phương về tình hình giải ngân qua kho bạc ở các tỉnh thành, những địa phương quá khó khăn sẽ báo cáo và xử lý theo nguyên tắc mà Nhà nước cho phép.

Về công tác thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng đề nghị tất cả các đồng chí được phân công cùng các địa phương hàng ngày có trách nhiệm báo cáo, cập nhật thông tin về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tại các địa phương, đồng thời qua đó phát hiện các mô hình, cách làm hay trong triển khai chính sách hỗ trợ.

Về các giải pháp trọng điểm đối với 19 tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhằm cụ thể hóa triển khai của Thủ tướng Chính phủ về thành lập "Tổ công tác đặc biệt phòng chống Covid-19" cho khu vực phía Nam, trên cơ sở chức năng và quyền hạn được giao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thành lập tổ công tác của Bộ tại TP.HCM do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phụ trách.

Theo đó, Tổ công tác của Bộ có 3 nhiệm vụ chính: Đôn đốc và giám sát việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; Giải quyết quan hệ lao động tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động; Hỗ trợ, đảm bảo sinh kế cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...