Bị động con giống và xuất khẩu tôm hùm
Tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các loại tôm hùm chính xuất khẩu của nước ta. Trong đó, tôm hùm xanh chiếm hơn 80% sản lượng và gần 20% còn lại là tôm hùm bông.
Từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm II. Đến tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật Bảo vệ động vật hoang dã, theo đó đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.
Theo chia sẻ của anh Đoàn Văn Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, nếu trước kia mỗi tháng HTX xuất sang Trung Quốc 60 tấn tôm hùm xanh và 10 tấn tôm hùm bông thì nay xuất khẩu trì trệ. Khi Trung Quốc ngừng nhập tôm hùm bông từ Việt Nam, HTX không thể thu mua cho bà con ngư dân.
“Trước đây, một tháng HTX xuất khẩu được 10 tấn tôm hùm bông, thu nhập của nhiều hộ dân lên tới 100 triệu/tháng. Giờ Trung Quốc ngưng nhập khẩu tôm hùm bông, bà con không có thu nhập nên vô cùng hoang mang”, anh Quang cho biết thêm.
Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam thì Trung Quốc chiếm hơn 98%, còn lại là các thị trường khác như là Thái Lan và Singapore.
Hiện nay, Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường Trung Quốc.
Phụ thuộc một thị trường xuất khẩu khiến người dân rơi vào thế bị động, không kịp ứng phó với biến động của thị trường, cụ thể ở đây Trung Quốc thay đổi quy định nhập khẩu, thậm chí ngưng nhập khẩu tôm hùm bông của Việt Nam.
Chính vì vậy, phát triển thị trường khác Trung Quốc cho tôm hùm là việc cấp thiết và lâu dài cần triển khai cấp bách.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới chưa sản xuất được tôm hùm giống. Nhiều năm nay, người nuôi tôm hùm Việt Nam chủ yếu mua tôm hùm giống không rõ nguồn gốc được nhập từ Philippines, Singapore, do nguồn tôm hùm giống bắt ngoài tự nhiên đã gần như bị cạn kiệt. Tôm hùm giống nếu không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch dễ làm phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, tôm hùm là sản phẩm có mức độ rủi ro rất cao trong ngành nuôi biển. Việc đầu tiên Việt Nam cần phải làm là quản lý giống tôm nhập khẩu. Hiện nay, tôm hùm nhập về Việt Nam qua các đường nhập lậu không chính thức, đi qua rất nhiều nước trong đó có Singapore, Thái Lan, thậm chí qua Lào và Campuchia. Vì vậy, việc kiểm soát tôm hùm giống nhập cần được chú trọng. Nếu không kiểm soát được chất lượng giống sẽ có nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Tập trung xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty BMC Việt Nam, người nuôi tôm hùm Việt Nam hiện chỉ tập trung xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà quên mất thị trường nội địa.
“Để tiêu thụ vào thị trường nội địa thì cũng có nhiều vấn đề cần phải làm. Thứ nhất, công tác truyền thông để người tiêu dùng trong nước có điều kiện hiểu biết về món ăn đặc sản, tuyên truyền để người nội trợ có thể dễ dàng chế biến. Tôi nghĩ những hoạt động như vậy sẽ thúc đẩy tiêu thụ trong nước và cứu cánh lâu dài cho bà con nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh ở khu vực duyên hải phía Nam Trung bộ", ông Vinh nhận định.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nước ta cần đa dạng thị trường xuất khẩu, vấn đề thị trường là vấn đề lớn. Việt Nam không thể để tình trạng 100% xuất khẩu tôm hùm sống và 98% xuất khẩu sang Trung Quốc. Việt Nam cần phát triển đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm mới có thể giải quyết bài toán đầu ra cho người nuôi tôm hùm.
“Trước mắt, về mặt nhà nước, Việt Nam cần đàm phán với Trung Quốc, các quốc gia đều có quyền đưa ra các quy định của mình, nhưng việc thực thi các quy định đó ảnh hưởng đến các đối tác thì cần có thời gian để chuyển tiếp, thời gian đó phải thích hợp với điều kiện thực tế và cần phải có thời gian chuyển tiếp. Trong thời gian thích hợp đó Việt Nam hoàn toàn điều chỉnh được cơ cấu sản xuất thị trường”, ông Dũng chia sẻ thêm.