| Hotline: 0983.970.780

Tất bật chuẩn bị vụ đào mới

Thứ Sáu 01/03/2024 , 09:15 (GMT+7)

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các nhà vườn trồng đào tại huyện An Dương, thành phố Hải Phòng lại bắt tay chuẩn bị cho vụ mới.

Vườn đào ghép cổ thụ của gia đình anh Nguyễn Văn Công tại cánh đồng Ụ Pháo, thôn Tự Lập, xã Đặng Cương. Ảnh: Đinh Mười.

Vườn đào ghép cổ thụ của gia đình anh Nguyễn Văn Công tại cánh đồng Ụ Pháo, thôn Tự Lập, xã Đặng Cương. Ảnh: Đinh Mười.

Tại cánh đồng Ụ Pháo, thôn Tự Lập, xã Đặng Cương, anh Nguyễn Văn Công đang tưới nước cho gần 200 gốc đào mới trồng và những gốc vừa thu về từ khách thuê dịp Tết Giáp Thìn 2024. Để đảm bảo công việc đầu năm, anh Công phải thuê 3 đến 5 nhân công tuốt lá trong khoảng 1 tuần. Giá nhân công 500 nghìn đồng/ngày, làm việc quần quật từ sáng đến chiều.

Vụ đào vừa qua, gia đình anh thu được hơn 1 tỷ đồng chưa trừ chi phí. Đến thời điểm hiện tại, với những khách hàng ở Hải Phòng thuê đào, đến nay cơ bản đã trả cây, chỉ còn những trường hợp trên Hà Nội và một số tỉnh khác, do đào còn hoa đẹp nên sau 20 tháng Giêng khách mới trả.

Anh Công cho biết, với các gốc đào khách thuê, sau khi thu về sẽ cắt tỉa cành rồi sau đó mới trồng lại, hằng ngày các cây đào được tưới nước thường xuyên hơn, bảo đảm cung cấp độ ẩm cho rễ phát triển. Bên cạnh đó, do bộ rễ bị yếu và thân khô cằn, người dân đã sử dụng thuốc kích rễ, mầm cho cây đào. Các loại phân lân, phân chuồng hoai mục cũng được tăng cường để bón cho cây.

Trong giai đoạn này, cây sẽ được theo dõi thường xuyên, nếu phát hiện cành nhánh khô héo không nảy lộc được thì sớm cắt bỏ. Thậm chí có những cây người dân phải cắt bỏ tất cả các cành, chỉ để lại thân hoặc gốc để ghép mắt, mất hết dáng đẹp đã được kỳ công uốn nắn nhiều năm trước.

Anh Nguyễn Văn Công đang tưới nước phục hồi những gốc đào cho khách thuê dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Văn Công đang tưới nước phục hồi những gốc đào cho khách thuê dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Đinh Mười.

Do mới trồng trở lại và sức đề kháng của cây còn yếu, sâu bệnh rất dễ xuất hiện nên phải tăng cường phun thuốc trừ sâu. Trong quá trình phát triển, khi các cành nhánh phát triển ổn định mới uốn nắn tạo dáng.

Với những gốc đào trồng mới, tất cả đều được mua từ Tây Bắc xa xôi để ghép với mắt đào phai của địa phương tạo ra loại đào đặc trưng của làng Đồng Dụ. Được ghép từ trước Tết, gặp thời tiết phù hợp nên đến nay, cơ bản các gốc đào đều đã đâm chồi nảy lộc, một số cây được ghép có sẵn nụ còn bung hoa rực rỡ.

Theo ông Nguyễn Xuân Trưởng - Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, hiện tại toàn xã có 125ha trồng hoa, cây cảnh với gần 800 hộ dân tham gia. Dịp Tết Giáp Thìn 2024, dù hoa nở sớm nhưng do chất lượng hoa đẹp, có thương hiệu rồi nên người dân vẫn thu nhập khá lớn với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng.

Đào Đặng Cương không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân Hải Phòng, mà còn đưa đi nhiều tỉnh, thành phố khác, như Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nội...  Năm 2024, địa phương tiếp tục khuyến khích người dân trồng các loại rau màu, hoa ngắn ngày theo mùa vụ, cây công trình, cây cảnh… Hiện tại, người dân hiện đang tích cực chuẩn bị cây giống, vật tư, đất sản xuất để trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh vụ mới.

Người dân hái những bông hoa nở muộn trên những gốc đào mới phục hồi để cho cây tập trung ra mầm. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân hái những bông hoa nở muộn trên những gốc đào mới phục hồi để cho cây tập trung ra mầm. Ảnh: Đinh Mười.

“Thời gian qua, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân từng bước chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp, chuyển sang trồng đào, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật cho người trồng đào, địa phương còn phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để người dân có vốn đầu tư, khởi nghiệp từ mô hình trồng đào”, ông Trưởng chia sẻ thêm.

Cũng như xã Đặng Cương, tại các nhà vườn khác trên địa bàn huyện An Dương, bà con nông dân cũng đang tất bật chuẩn bị cho vụ đào năm tới với việc vận chuyển các gốc thuê của khách về vườn, bổ sung thêm các gốc đào, chăm bón cho những gốc mới.

Theo người dân, để đào ra hoa đúng dịp Tết thì phải có cách chăm sóc như thường xuyên theo dõi thời tiết để chăm tỉa cây cành, thời tiết ấm thì chăm sóc muộn hơn, thời tiết rét thì chăm sóc sớm hơn.

Giai đoạn chăm sóc, phục hồi sau khi trồng lại cây đào có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu sớm đưa cây về trồng tại vườn thì chỉ cần trồng xuống hố đất đã chuẩn bị sẵn, tưới nước, tỉa lại cành nhánh là cây có thể phục hồi nhanh. Nếu thu gom về muộn, cây đào cần được chăm sóc tỉ mỉ và vất vả hơn nhiều lần, người dân đang nỗ lực áp dụng các biện pháp giúp cây đào hồi sinh.

Với những cây bị hỏng, không thể phục hồi, người dân thay thế bằng các gốc đào mới. Ảnh: Đinh Mười.

Với những cây bị hỏng, không thể phục hồi, người dân thay thế bằng các gốc đào mới. Ảnh: Đinh Mười.

“Gia đình tôi có hơn 100 gốc, được 200 triệu chú ạ. Năm nay đào nở sớm quá, may còn vớt vát được một chút. Đến thời điểm này, vườn nhà tôi đã trồng lại xong xuôi cả rồi, hằng ngày tôi ra tưới nước và vặt những bông đào nở muộn để cây nuôi mầm thôi”, ông Phạm Văn Tuân, người dân trồng đào ở An Dương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Dương, toàn huyện đang có 620ha trồng hoa cây cảnh với các loại chủ lực như đào, quất, hải đường, hoa hồng, hoa cúc, hướng dương, layơn, lyly...

Hiện nay, các hộ nông dân đang tập trung trồng lại đào, quất và mở rộng một số diện tích hoa, cây cảnh trong điều kiện thời tiết đang thuận lợi. Để giúp các hộ dân trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh thuận lợi cho vụ mới, UBND huyện đã giao cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con điều tiết nước thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu cho cây trồng cũng như phòng chống sâu bệnh.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có và kinh nghiệm, truyền thống lâu năm, trong nhiều năm qua, các xã trên địa bàn huyện An Dương đã và đang mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng hoa và cây cảnh cho giá trị hiệu quả kinh tế cao.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, do thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài, thi thoảng xuất hiện sương muối, nên nhiều diện tích cây đào cảnh ra lộc nhiều, hoa nở sớm. Tuy nhiên, nhờ biết cách chăm sóc, “hãm” tránh hoa nở sớm, tuốt lá đúng thời điểm, nên nhiều nhà vườn vẫn trúng lớn, tổng thu nhập các hộ trồng hoa cây cảnh trên địa bàn đạt khoảng 250 tỷ đồng.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm