| Hotline: 0983.970.780

Tàu HQ 561, 'bệnh viện nổi' hiện đại nhất Việt Nam

Thứ Bảy 25/06/2016 , 08:01 (GMT+7)

Được mệnh danh là “bệnh viện nổi” hiện đại nhất Việt Nam, tàu HQ 561 đã cứu chữa nhiều ca bệnh trọng cho quân, dân trên quần đảo Trường Sa...

Chúng tôi đã có 10 ngày hầu như liên tục lênh đênh trên biển Đông, với con tàu huyền thoại HQ 561. Được mệnh danh là “bệnh viện nổi” hiện đại nhất Việt Nam, tàu HQ 561 đã cứu chữa nhiều ca bệnh trọng cho quân, dân trên quần đảo Trường Sa và những ngư dân vươn khơi bám biển không may gặp nạn.

Khánh Hòa 01 - HQ 561 là tàu quân y hiện đại nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam, được mệnh danh là “Bệnh viện nổi” cỡ... “5 sao” giữa biển Đông điệp trùng sóng lớn. Tàu HQ 561 được đóng bởi bàn tay người thợ Việt Nam ở Nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam thiết kế). 

Tàu dài tới hơn 70m, rộng hơn 13m, công suất 4.964 mã lực. Nó có tầm hoạt động tới 2.500 hải lý và có thể di chuyển liên tục trong suốt 45 ngày! Trên tàu, cùng lúc có đủ giường nằm cho hơn 200 bệnh nhân và cả cuộc sống tiện nghi cho thủy thủ đoàn. 

Tàu HQ 561 vừa đẹp lộng lẫy như một du thuyền, vừa trang bị vũ khí tối tân như tàu chiến, vừa có tải trọng 2.000 tấn như một tàu vận tải lừng lững phục vụ hậu cần cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK. Nhưng cái đáng nói nhất ở kỳ quan 561 chính là chức năng của một “Bệnh viện nổi” hiện đại. 

Trên tàu có hơn chục y bác sỹ túc trực, gần hai chục giường bệnh, hệ thống trang thiết bị cập nhật với trình độ của nhân loại tiến bộ, có thể mổ xẻ cứu người khi đại dương đang cuộn sóng lớn cấp 8, cấp 9, với sức gió giật cấp 10. Tàu “ngành y” HQ 561 được sơn trắng, đeo dấu chữ thập đỏ bốn bề giống như một vị bác sĩ trong chiếc blue trắng. 

Với các chiến sỹ Trường Sa và đông đảo ngư dân vươn khơi bám biển cả khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, thì “bệnh viện nổi 5 sao” này như một thiên thần hộ mệnh khoác áo trắng.

Thú thật là trước hải trình thăm thẳm 10 ngày trên biển lớn, thăm 5 đảo nổi, 2 đảo chìm và 1 nhà giàn DK1/18 Phúc Tần, ai trong chúng tôi cũng lo lắng. Nhiều người, đêm trước “hợp quân” ở TP. HCM để thành đoàn công tác 200 người đi Trường Sa, đã không tài nào ngủ được vì lo say sóng. 

Đoàn chúng tôi gồm các đại biểu dẫn đầu là ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch TLĐ LĐVN; ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch LĐLĐVN; cả Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam Ngô Sỹ Quyết; cả anh Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp... 

Vừa rời khách sạn, nhiều đại biểu nữ nhát sóng, nhiều anh nam giới chưa va chạm biển khơi nhiều đã ngửa cổ uống hai viên thuốc chống say sóng, lưu ý là thuốc ấy khác với thuốc chống say tàu xe. Tôi cũng uống. Từ nhà máy đóng tàu Ba Son huyền thoại, chưa đến cảng Cát Lái để bước lên tàu HQ 561, nhiều người đã ngất ngây... buồn ngủ, chân bước bồng bềnh như mộng du. Có người ngủ ly bì đến chiều vì… say thuốc chống say sóng. 

Đi dọc sông mênh mông từ Cát Lái, TP. HCM ra Vũng Tàu, không say thì cũng dễ hiểu. Nhưng suốt 10 ngày lênh đênh, đi trắng đêm, đi suốt ngày, ăn ngủ 100% số bữa và số đêm trên tàu, chỉ thỉnh thoảng lên thăm đảo, thăm nhà giàn vài tiếng thôi, vậy mà không một ai say sóng. 

Trừ những lúc biển lặng như cái ao làng thì không nói. Nhưng, kể cả lúc biển nổi đóa tung bọt trắng xóa, tàu cũng vẫn bình an vì có một đôi “vây” chống lắc tuyệt vời. Ngay cả khi sóng gió nổi lên, tàu cũng hầu như rất ít bị chao đảo quá mạnh. Bởi nó quá bề thế, với công nghệ vượt biển danh bất hư truyền của quốc gia có nền công nghiệp hàng hải hàng đầu thế giới: Hà Lan.

Với chiều dài của tàu là 70m, buổi tối chúng tôi có thể đi bộ tập thể dục quanh boong. Với gần 200 giường ngủ và đội phục vụ đông đảo, bữa đến, các bàn ăn được bày ra làm mấy tầng... lầu quy củ. Bữa sáng và bữa tối, cơm bưng nước rót tại phòng, thêm quả ớt xanh hay cọng rau húng thơm, có người mang đến ngay. 

Ra đa dẫn đường của tàu có thể giúp nó chống va đâm, cảnh giới từ tầm xa tới 96 hải lý (1 hải lý bằng 1,8km). Tàu có máy đo tốc độ, độ sâu của biển, có la bàn điện và la bàn từ, hệ thống lái tự động... Đặc biệt bên trong tàu, các công nghệ tích hợp để biến tàu trở thành một bệnh viện nổi trên biển. Tàu đang vượt bão cấp 8, cấp rất rất lớn, các phòng khám, giường bệnh vẫn có thể hoạt động, bác sỹ vẫn có thể khám chữa bệnh và cứu người ngon ơ.

Đại úy Hoàng Đình Duyến (thuyền trưởng) đã nói về con tàu 561 như kể về một thân phận người với các lớp lang, đủ vị vinh quang và nhọc nhằn. Ai cũng bất ngờ, thuyền trưởng của cả một “chiến hạm” khổng lồ trong đó có 250 con người (vượt đại dương, lênh đênh trên sóng lớn hàng chục ngày, có khi 45 ngày đi miên man liên tục giữa “biển trời mênh mông” mà không cần một sự tiếp tế nào) kia lại rất nhỏ nhẹ, quá trẻ và quá khiêm nhường. 

“Trên tàu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tương đương với một bệnh viện quy mô tân tiến trên đất liền. Nó được sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế IMO (của Tổ chức Hàng hải Quốc tế), đóng tại Hải Phòng và theo công nghệ tiên tiến của Hà Lan. Các khoang đều có điều hòa, tủ lạnh, truyền hình kết nối qua vệ tinh, hệ thống liên lạc hiện đại qua Vinasat, các phòng bệnh thì có đủ máy móc như một bệnh viện hiện đại”, thuyền trưởng Duyến nói.

4 năm nay, kể từ khi hạ thủy năm 2012, tàu HQ 561 đã hoạt động cứu chữa bệnh trên một khu vực biển mênh mông từ giàn khoan DK1 cho đến quần đảo Trường Sa cách đất liền vài ngày lênh đênh sóng nước. Trên tàu có đủ các phòng chức năng, khiến ai xem cũng phải ngạc nhiên, từ phòng khám, phòng siêu âm, phòng mổ, phòng hồi sức cấp cứu, phòng các chuyên khoa riêng. 

Đủ 20 giường bệnh. Có đủ máy thở, máy sốc tim, máy tạo ô-xy, máy rửa dạ dày tự động; hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân, máy siêu âm 4 màu, buồng chụp X-quang...  Đủ cả điện tim, nội soi, xét nghiệm máu 18 thông số.

Trong đó, hiện đại bậc nhất phải kể đến hệ thống buồng chữa bệnh giảm áp (bệnh thường xuất hiện do thay đổi áp suất đột ngột, khi gặp trục trặc, người ta phải từ dưới đáy biển bất ngờ ngoi lên), một bệnh mà các thợ lặn ngoài các ngư trường xa xôi như Trường Sa, Hoàng Sa nếu chủ quan sẽ rất dễ mắc phải. 

Ở phòng siêu âm trên “bệnh viện nổi” này còn có hệ thống hội chẩn trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh Vinasat từ tàu 561 tới BV Quân y 175 (đóng ở TP. HCM). “Những ca mổ, cấp cứu quan trọng, bất kể giờ giấc và thời tiết, từ trên biển Đông xa xôi và thậm chí sóng gió, hình ảnh vẫn được trực tuyến truyền về bệnh viện 175, họ hội chẩn qua vệ tinh Vinasat. Các phác đồ điều trị được đưa ra chính xác tuyệt đối, với tay nghề cao y như đang phẫu thuật tại BV 175 giữa lòng TP. HCM!”, đại úy Duyến nhấn mạnh.

Ngoài hàng chục ca cứu người tuyệt vời diễn ra trên biển, 3 kíp y bác sỹ túc trực trên “Bệnh viện nổi 5 sao” trên biển Đông đã thực hiện các cuộc diễn tập 6 cuộc phẫu thuật lớn trên động vật, hết sức thành công, như: cắt gan lách, khâu gan, nối ruột, mở khí quản, khâu thủng phổi. Mô hình “Tàu bệnh viện” được bảo vệ bởi công ước Hague, ký từ năm 1907 với các quy định đạo đức và luật pháp về việc cứu người trong chiến tranh, công ước được rất nhiều quốc gia công nhận. 

Hình ảnh tàu HQ 561 trắng toát, in chữ thập đỏ lớn, rẽ nước dưới biển xanh thẳm, diễn tập cứu người cùng các “chiến hạm bệnh viện”, các lực lượng hải quân tinh nhuệ hàng đầu trái đất, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tất cả chúng tôi.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm