Thê thảm những con tàu bạc tỷ
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Nghệ An được phân bổ chỉ tiêu 110 tàu cá. UBND tỉnh đã phê duyệt đủ điều kiện đóng mới cho tất cả, 104 phương tiện đã chính thức hạ thủy và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tham gia hoạt động khai thác xa bờ.
Thoạt nghĩ số đông sẽ mường tượng chính sách lớn đã thực sự hòa nhịp vào cuộc sống, trực tiếp mở ra cơ hội mới cho đông đảo ngư dân vươn khơi bám biển. Nhưng sự thật lại diễn tiến hoàn toàn trái ngược, lúc này đây có thể khẳng định chuyến hành trình xuyên suốt 6 năm đang đối diện với thất bại nặng nề.
Trong số 104 tàu Nghị định 67 được đóng mới có 90 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép, số còn lại là Composite với tổng số tiền giải ngân lên đến hơn 860 tỷ đồng. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An, đến 28/2/2021 có 3 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay, 101 tàu khác còn nghĩa vụ trả nợ ngân hàng hơn… 660 tỷ đồng.
Rất đáng quan ngại khi số tàu cá hoạt động hiệu quả chưa đạt nổi 1/3, trong khi số tàu nợ quá hạn lên đến 59, riêng 51 tàu buộc phải chuyển sang hình thức nợ xấu (10 tàu được xử lý rủi ro và theo dõi ngoại bảng với dư nợ 67,9 tỷ đồng; 41 tàu nợ xấu theo dõi nội bảng với dư nợ 298,7 tỷ đồng).
Không vô cớ mà chủ trương lớn đứng trước nguy cơ chết yểu, trên thực tế hiệu quả công tác phối hợp chưa cao, chủ yếu là hình thức tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở ngư dân trả nợ mà chưa nắm bắt được cụ thể hiệu quả của từng con tàu. Đồng thời chưa có các chế tài nghiêm khắc nhằm xử lý đối với các trường hợp cố tình không hợp tác.
Thực hiện theo tinh thần Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Ngân hàng NN-PTNT chinh nhánh Nghệ An cho vay, đóng mới 39 chiếc với kinh phí 321 tỷ đồng. Đến nay mới thu nợ được 76 tỷ, dư nợ còn lại khoảng 245 tỷ. Điều đáng bàn, nếu chủ tàu thực hiện trả nợ theo cam kết thì tổng dư nợ chỉ còn 225 tỷ, đồng nghĩa chênh lệch đến 20 tỷ.
Nhiều người trong cuộc quả quyết, Nghị định 67 là chủ trương thiết thực nhưng quá trình triển khai quá gấp gáp và nặng về hình thức. Đành rằng bảo vệ chủ quyền biển đảo là nghĩa vụ thiêng liêng nhưng chỉ là một yếu tố trong bức tranh tổng thể, ngược lại nhất thiết phải tính toán sâu sát giá trị kinh tế mang lại mới mong duy trì được bền vững: “Lẽ ra nên thực hiện thí điểm trên một vài phương tiện thay vì dàn trải cùng lúc, như thế vừa đảm bảo tính thực tiễn lại tránh được nguy cơ thiệt hại trên diện rộng. Riêng Nghệ An, việc phân bổ chỉ tiêu 110 tàu là quá nhiều”, một lãnh đạo trong ngành thừa nhận.
Tính toán sơ bộ, mỗi con tàu vỏ gỗ có giá bình quân 7 – 10 tỷ đồng, với những tàu vỏ thép hoặc Composite mức đầu tư thậm chí cao gấp 2 đến 3 lần, để giảm thiểu gánh nặng phần lớn đều phải áp dụng cách thức liên danh, liên kết, dù vậy số tiền phải chung chi vẫn vượt quá khả năng. Trong bối cảnh kinh doanh sản xuất không thực sự xuôi chèo mát mái, tình trạng thu không bù chi kéo dài liên miên kết hợp với thái độ không mấy cầu thị của một số chủ tàu khiến tình hình ngày một cam go hơn.
Nghị định số 17/2018/NĐ-CP và Thông tư 12/2018/TT-NHNN ngày 27/4/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra đời cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu đối với trường hợp không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động. Là phương án mở nhưng việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ giá trị tài sản tại thời điểm chuyển đổi thấp hơn nhiều so với giá trị các khoản nợ phải gồng gánh, vì vậy việc tìm ra chủ tàu mới gian nan hệt như mò kim đáy bể.
Điển hình như trường hợp của khách hàng Trương Thanh Thủy, thông qua ngân hàng TMCP Công thương Thành phố Vinh giá trị con tàu lúc cho vay lên đến 10,18 tỷ đồng, tuy nhiên phải đến phiên bán đấu giá thứ 12 mới có người mua với mức giá rẻ bèo 1,88 tỷ đồng.
Thê thảm hơn nữa là tàu cá của ông Trần Đình Nhàn, qua 10 lần bán đấu giá vẫn chưa tìm ra khách hàng phù hợp, đã thế hàng ngày gia đình phải tiêu tốn 1,5 triệu đồng để bảo quản phương tiện.
Những con số thống kê không hề biết nói dối, 21 khách hàng đã và đang đang bị các Ngân hàng khởi kiện hoặc bị cơ quan thi hành án (THA) xử lý tài sản do không trả được nợ vay và vi phạm các quy định tại hợp đồng tín dụng đã ký kết (3 tàu đã bị cháy, 10 tàu đã và đang được cơ quan THA xử lý, 8 tàu đang thực hiện các thủ tục khởi kiện) đã nói lên tất cả.
Phép vua thua… bảo hiểm
Thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An gần như ở thế “độc quyền”. Bằng chứng từ 2014 đến 2019 có 4.281 tàu cá và 35.792 phương tiện tham gia bảo hiểm của hãng này. Xét đến tổn thất có 2.544 vụ liên quan đến thân tàu, 267 vụ liên quan đến các thuyền viên với tổng kinh phí bồi thường hơn 118 tỷ đồng.
Tưởng như mối lương duyên sẽ mãi bền chặt nhưng từ cuối 2019 đến nay phía Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An kiên quyết không bán bảo hiểm như cam kết ban đầu, điều này báo hại ngư dân, chính quyền các cấp và hàng loạt ngân hàng thực sự lao đao.
Tàu của ông Nguyễn Xuân Yêm (hiện đã mất, con trai Nguyễn Phúc Bình quản lý thay), Trương Văn Trông ở thị xã Hoàng Mai lần lượt gặp rủi ro từ năm 2016, 2017 nhưng mãi đến đầu năm 2020 mới được bồi thường. Trong khi đó, có những trường hợp tàu bị cháy, hỏng hóc từ cuối năm 2019 đến nay vẫn chưa phía bảo hiểm giải quyết…
Chi nhánh PJICO Nghệ An viện dẫn một số chính sách của Chính phủ về tàu cá đã thay đổi nhưng quy tắc bảo hiểm tàu cá Nghị định 67 chưa thay đổi, đơn vị phải chờ hướng dẫn của Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO và Bộ Tài chính…
Ở chiều ngược lại, số đông ngư dân phản ánh quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP vướng phải hàng loạt khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất là thời gian xử lý bồi thường đối với trường hợp tàu gặp sự cố trong phạm vi bảo hiểm thường xuyên bị “ngâm”, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của chủ tàu, bao gồm cả thời gian khắc phục lẫn tiến độ hoạt động nói chung.
Trong khi đó, việc Công ty bảo hiểm PJICO Nghệ An cố tình “bội ước” khiến một số tàu hết thời hạn bảo hiểm không mua được bảo hiểm mới, trường hợp mua bảo hiểm ngoài thay thế thì không được hưởng quyền lợi chính đáng của Nghị định 67. Để tàu nằm bờ thì không có khả năng trả nợ, nếu cố sống cố chết vươn khơi bám biển thì chẳng biết đường nào mà lần, chung quy ngư dân và ngân hàng đều chịu tổn thất lớn.
Ghi nhận từ Ban thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh Nghệ An, Trong số 90 tàu còn hoạt động khai thác có 24 tàu hết hạn bảo hiểm chưa mua mới, 66 tàu còn lại bắt buộc phải mua bảo hiểm của các Công ty BH khác không phải là PJICO Nghệ An.
Để sớm chất dứt tình cảnh đêm dài lắm mộng, tháng 4/2021 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký công văn đề nghị Bộ Tài chính đôn đốc Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An tiếp tục bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân, hoặc chỉ định đơn vị khác thay thế. Chính quyền địa phương thực sự bức bách, dù vậy đáp lại vẫn là động thái im lặng liên hồi.