9 tháng đầu năm 2021, huyện Tây Giang đối mặt với rất nhiều thách thức như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiệt hại tương đối lớn do cơn bão số 5 gây ra... Tuy nhiên, Văn phòng Điều phối NTM huyện đã chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo huyện, UBND huyện kịp thời nhiều văn bản hướng dẫn đến các đơn vị, địa phương để đạt được những kết quả nhất định.
Theo Văn phòng Điều phối NTM huyện Tây Giang, đến nay, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện đã hoàn lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM được UBND cấp huyện phê duyệt. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát thực trạng quy hoạch NTM trên cơ sở bộ tiêu chí NTM của tỉnh và hướng dẫn của các phòng, ban ngành chuyên môn, kịp thời phát hiện những bất cập.
Những năm qua, địa phương này xác định, phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội là yếu tố then chốt, là động lực cho phát triển. Do đó phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư. UBND huyện đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình chủ động lồng ghép, huy động đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết quả hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đến nay, huyện Tây Giang đã có 5/10 xã đạt tiêu chí giao thông; 9/10 xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 8/10 xã đạt tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn; 5/10 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 6/10 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư…
Đối với các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, cùng với việc triển khai các chương trình sản xuất nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng trong nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, có 3/10 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập; 3/10 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.
Tây Giang là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo vào thời điểm tái lập huyện (2003) lên đến 84.64%. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội cùng với việc lồng ghép triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Tây Giang đã giảm xuống còn 34,55%; có 3/10 xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo; có 10/10 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động có việc làm.
Từ những chỉ đạo đúng hướng, sát với thực tế của địa phương, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện này đã có 3 xã đạt chuẩn NTM; 3 xã đạt từ 15-19 tiêu chí; có 3 đạt từ 10-14 tiêu chí; có 4 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân toàn huyện đạt 12,3 tiêu chí/xã.
Theo ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Giang, với những xã chưa đạt chuẩn NTM hiện nay trên địa bàn huyện nhìn chung vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng tại các xã này là rất lớn. Mặc dù vậy, khả năng huy động nguồn lực tại chỗ lại không đáng kể.
“Ngoài ra, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn kéo dài. Việc giải ngân vốn chậm. Theo quy định mới, chất lượng các tiêu chí được nâng lên và nhiều tiêu chí tăng thêm chỉ tiêu. Bên cạnh đó, ban chỉ đạo NTM cấp xã và thôn thiếu sự phối hợp đồng bộ, còn lúng túng trong công tác tuyên truyền, chưa tạo được phong trào hưởng ứng mạnh mẽ tham gia xây dựng NTM của người dân”, ông Ta nói.
Dựa trên tình hình thực tế, huyện Tây Giang cho rằng, giải pháp rất quan trọng trong thời gian tới chính là việc huy động và sử dụng nguồn lực. Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình còn hạn chế, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả đồng thời huy động mọi nguồn lực lồng ghép thực hiện các nội dung của chương trình.
Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã trong kế hoạch đạt chuẩn gia đoạn 2021 - 2025, đảm bảo hoàn thành toàn bộ các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu. Đối với các xã còn lại, chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng lộ trình đầu tư thực hiện từng tiêu chí, chỉ tiêu hợp lý. Trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung khó huy động xã hội hóa, các tiêu chí dễ dạt, cần ít nguồn lực.