| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên còn đó 'cây đại thụ'

Thứ Hai 20/01/2020 , 09:48 (GMT+7)

Ông là nghệ nhân ưu tú Ama H’Loan, một trong 2 “cây đại thụ” về nhạc cụ truyền thống Ê Đê ở tỉnh Đăk Lăk.

16-16-37_nh_1
Ama H’Loan giới thiệu chiếc tù và và biểu diễn một đoạn ngắn.

Tôi lặng người khi giai điệu từ chiếc kèn Đing năm trên miệng ông cất lên… âm thanh lúc sâu lắng, lúc trầm bổng, như lời tự tình của đôi vợ chồng trên đường lên rẫy, có lúc lại réo rắt, bi thương như lời tâm sự với người thân đã đi xa. Buông Đing năm, ông lại cầm tù và, Đinh tăkta… Mỗi loại nhạc cụ mang đến cho người nghe một cảm xúc khác nhau.
 

“Kho tàng sống” về nhạc cụ truyền thống

Tôi gặp nghệ nhân Ama H’Loan trong một dịp không thể tình cờ hơn. Đó là lúc tôi đến buôn Cô Thôn ở P. Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột. Trong lúc tìm người hỏi thăm nhà già làng, thấy cặp vợ chồng đang dọn vườn cạnh nhà, tôi dừng xe hỏi thăm. Người chồng sau khi hỏi vài câu, liền mời tôi vào nhà.

Nói chuyện một lát, ông thân thiện xưng hô “bố - con” với tôi. Cuộc nói chuyện khiến tôi mừng thầm vì đã tình cờ gặp “cây đại thụ” hiếm hoi trong làng nhạc truyền thống của người Ê Đê.

Ama H’Loan năm nay đã 81 tuổi, là nghệ nhân người Ê Đê, tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, đến năm 2.000 về hưu. “Cả đời đi theo cách mạng vậy, thời gian nào cho bố thoả đam mê các loại nhạc cụ?”, tôi hỏi.

Ông đáp: “Cái này là đam mê, và do năng khiếu bẩm sinh nữa. Bố mê các loại nhạc cụ từ nhỏ. Hồi đó, cứ mỗi khi có lễ hội là bố đến xem, nghe nói buôn nào có lễ hội, xa bố cũng trốn nhà đi xem. Có hôm, quên cả về nhà. Các âm điệu cứ ngấm dần vào máu.

Sau mỗi lần như vậy, bố lại về mày mò tự làm, tự học cách dùng. Sau khi tham gia cách mạng, bố làm công tác dân vận, bây giờ gọi là Tuyên giáo đấy. Công việc này sống trong dân là chính, nên vẫn có điều kiện tiếp xúc với các loại nhạc cụ”.

16-16-37_nh_3
Kèn Đing tăkta, loại nhạc cụ có âm thanh bắt chước tiếng hót chim đa đa.

Năm 2.000, Ama H’Loan về hưu, ông bắt đầu miệt mài công việc đam mê từ nhỏ. Đó là “hồi sinh” những nhạc cụ truyền thống từ những vật liệu có sẵn như tre, trúc, trái bầu khô, gỗ, sừng trâu. Người Ê Đê có hơn 20 loại nhạc cụ truyền thống như Đing năm, Đinh tăkta, Đinh puốt, tù và... tất cả ông đều có thể chế tác và sử dụng nhuần nhuyễn.

Không chỉ am hiểu nhạc cụ dân tộc và biểu diễn giỏi, trong quá trình chế tác và sử dụng, ông còn “chế” lại một phần, giúp nhạc cụ dễ sử dụng hơn, âm thanh hay hơn. Hoặc tự chế tác nhiều loại nhạc cụ và làm mới hình thức của chúng, vừa tiện sử dụng, vừa đẹp mắt.

Ama H’Loan còn là một trong số hiếm hoi nghệ nhân ở Đăk Lăk giữ được bí quyết tạo ra thang âm, điệu thức chuẩn xác và giàu bản sắc nhất cho mỗi loại nhạc cụ làm bằng tre trúc và cũng là người có khả năng thẩm âm, chỉnh chiêng theo đúng chuẩn của âm nhạc truyền thống dân gian Tây Nguyên. Trong đó, đáng chú ý là bí quyết tạo ra nhạc cụ dân tộc bằng tre, trúc chuẩn mực nhất.

“Các loại nhạc cụ bằng tre, trúc đều có bộ phận rất quan trọng, đó là phần “lưỡi gà” nằm bên trong. Đó là một mảnh tre rất mỏng, rất nhỏ, chỉ bằng móng tay được rạch 3 đường theo hình chữ U để gắn vào đầu ống thổi.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng đó lại là hồn cốt của nhạc cụ, nếu không có thứ này thì nhạc cụ không thể phát ra âm thanh. Và phần lưỡi gà này không phải người chế tác nào cũng làm chuẩn được. Lưỡi gà dày quá thì hạn chế độ rung, mỏng quá thì dễ bị rách khiến âm thanh không chuẩn.

Các đường vạch trên lưỡi gà phải làm cực kỳ tinh xảo, độ hở của nó phải đúng thì mới có âm thanh chuẩn”, Ama H’Loan nói.

16-16-37_nh_5
Khúc nhạc kèn Đing năm nghệ nhân Ama H’Loan tấu lên khiến bất cứ ai cũng phải trầm xuống, xúc động.

Sau khi say mê giới thiệu một hồi không dứt, Ama H’Loan đi vào trong, mang ra một loạt nhạc cụ. Ông giới thiệu từng loại nhạc cụ về cấu tạo, cách chế tác, sử dụng. Sau khi giới thiệu xong mỗi loại, ông lại biểu diễn cho tôi nghe.

Ông cho biết, mỗi loại nhạc cụ lại có chức năng và thời điểm sử dụng khác nhau, chứ không phải dùng bừa bãi, bất kể thời gian, địa điểm. “Ngày xưa, tù và được dùng vào nhiều sự kiện quan trọng. Đó là lễ rước ghế Kpan (ghế dài 10 - 15m, được làm từ thân cây gỗ rừng cực lớn, chỉ gia đình tộc trưởng, già làng hay nhà giàu mới có. Theo quan niệm của người Ê Đê, Kpan là chiếc ghế tổ tiên, hóa giải hận thù).

Bắt đầu từ khi vung nhát rìu đầu tiên vào gốc cây, đến khi chế tác tại rừng và rước bàn về nhà, mở tiệc mừng ghế Kpan, kéo dài cả tuần, tù và được gióng lên liên tục. Tù và cũng được sử dụng khi trong nhà có tang. Nhưng người chết phải là ông bà, cha mẹ.

Ngoài ra, tù và được người săn voi thổi gọi voi rừng về để bắt, người giữ rẫy thổi để báo động cho thú rừng biết rẫy có chủ. Ngoài các dịp trên, tù và không được mang ra thổi, nhất là trong nhà.
 

“Nghệ nhân Ama H’Loan bây giờ là “của hiếm” trong việc gìn giữ, bảo tồn nhạc cụ truyền thống của cộng đồng người Ê Đê. Ngoài chế tác hầu hết các loại nhạc cụ, Ama H’Loan còn là người rất giỏi chỉnh chiêng, một công việc cực khó, không phải nghệ nhân nào cũng làm được, phải có đôi tai trời phú trong thẩm âm và đôi tay khéo léo”, ông Y Kô Niê, cán bộ Sở VH-TT-DL tỉnh Đăk Lăk.

Truyền thuyết cây kèn Đing năm

Kèn Đing năm là nhạc cụ chính trong các lễ tang của người Ê Đê. Nhưng nhạc cụ này không chỉ có những giai điệu buồn, mà nó còn thổi được nhiều giai điệu hân hoan, vui mừng.

Để làm được điểu này là nhờ cây kèn có đến 5 cây trúc dài ngắn khác nhau gắn vào quả bầu khô. Trên thân cây trúc được khoan những lỗ như cây sáo, bên trong các thân trúc đều có một “lưỡi gà”.

Chính vì cấu tạo đặc biệt này mà cây Đing năm có thể thổi được nhiều giai điệu. Ama H'Loan bảo, cây Đing năm là một trong những nhạc cụ được người Ê Đê rất yêu quý vì nó liên quan đến một truyền thuyết.

Truyền thuyết kể rằng, có hai vợ chồng người Ê Đê hiếm muộn, sống với nhau qua bảy mùa rẫy mà vẫn chưa có con, nên thường cầu thần linh phù hộ. Một lần đi rẫy, người vợ khát nước nhưng tìm mãi chỉ thấy suối cạn. Sau khi vượt qua 3 quả đồi, 7 con suối cạn, thì thấy một vũng nước trong veo trong hang đá, chị vục xuống uống một hơi cạn sạch.

Về nhà, càng ngày chị càng thấy trong người khang khác. Bụng cứ to dần, to vượt mặt. Đến mùa rẫy sau chị sinh ra cùng lúc ba con trai, ba con gái. Điều đặc biệt là ngoài việc rất xinh đẹp, chúng còn giống nhau như hoa Pơ lang nở cùng một đêm. Giống đến mức cả cha mẹ cũng không thể phân biệt.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng người cha nghĩ ra 1 cách, ông vào rừng chặt sáu ống nứa dài, ngắn khác nhau rồi nói: Ống dài là chị, là anh, ống ngắn là em, là út, rồi trao cho các con. Các ống thứ nhất, thứ hai, thứ năm trao cho con gái. Các ống thứ ba, thứ tư và thứ sáu trao cho con trai. Người con trai út rất thông minh và hiếu động.

16-16-37_nh_4
Cây kèn Đing năm.

Cậu cầm lên, thổi vào các ống, thấy phát ra âm thanh rất hay và khác nhau. Sau đó, cậu trau chuốt, đẽo gọt cho đẹp, gắn thêm vào mỗi ống một quả bầu khô. Cuối cùng, gắn thêm những mảnh cật tre (lưỡi gà) mỏng vào trong ống. Khi thổi lên, âm thanh réo rắt, rộn ràng như tiếng chim rừng hót lúc mặt trời lên. Do các ống trúc dài ngắn khác nhau nên âm thanh không giống nhau, nhằm phân biệt giữa các anh, chị, em.

Khi cha mẹ qua đời, sáu anh chị em mang 6 chiếc kèn ra thổi để tỏ lòng tiếc thương cha mẹ. Nhưng việc mỗi người thổi một ống rất bất tiện, không có người tiếp khách, làm các công việc phục vụ. Lúc này, người con út lại nghĩ ra cách lấy một quả bầu to rồi gắn cả sáu ống trúc vào.

Các ống dài của con gái nằm trên, ống ngắn của con trai xếp dưới (theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ là chủ gia đình). Cây kèn hoàn thành, chàng trai thổi lên thì lúc này âm thanh hay hơn, trầm buồn hơn, như tiếng ai oán các con khóc thương cha mẹ. Nghe tiếng kèn, tất cả đều xúc động vô cùng.

Cây kèn sau đó trở nên nổi tiếng và được đặt tên theo cấu tạo của nó là Đing năm. Theo tiếng Ê Đê, Đing là ống, năm là số 6 trong hệ đếm của người Ê Đê. Đing năm là nhạc cụ gồm sáu ống, gắn trong thân quả bầu khô. Đing năm thuộc họ hơi - chi thổi - lam (lưỡi gà).

Cũng do sự tích như vậy mà theo phong tục truyền thống của người Ê Đê, Đing năm chỉ được thổi khi trong nhà có đám tang. Ngoài ra, Đing năm cũng được thổi trên rẫy”.

Nói về nỗi lo mai một nghề nhạc cụ truyền thống, Ama H’Loan cho biết, cả tỉnh Đăk Lăk hiện chỉ còn 2 nghệ nhân nhạc cụ truyền thống, ngoài ông ra, còn Ama Kim, cùng ở TP Buôn Ma Thuột. “Bây giờ tìm được người có năng khiếu và đam mê nhạc cụ khó vô cùng. Tìm người biết sử dụng đã khó, người biết chế tác càng khó hơn. Trong khi các loại nhạc cụ truyền thống có giá trị rất lớn.

Năm 2014, bố và đoàn nghệ nhân Đăk Lăk được mời sang biểu diễn trong Festival âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo ở Phần Lan. Bố mang theo một thùng to chứa nhạc cụ và vật liệu tre nứa. Người nước ngoài họ thấy bố biểu diễn họ ngạc nhiên lắm, cứ tròn mắt nhìn. Người ta thán phục trước những nhạc cụ được chế tác bằng tay, từ vật liệu đơn giản của núi rừng Tây Nguyên. Họ mua gần hết số nhạc cụ bố và mọi người mang theo vừa để làm kỷ niệm vừa học cách sử dụng. Vậy mà ngay quê hương mình nó lại không được trân trọng. Bố buồn lắm”, Ama H’Loan nói.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.