| Hotline: 0983.970.780

Lão nghệ sĩ giữa đại ngàn

Thứ Ba 15/12/2015 , 06:35 (GMT+7)

Dù đã cận kề tuổi 90, nhưng già làng Phan Chí Thành lúc nào cũng “cháy” hết mình với những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bana.

Râu tóc đã bạc phơ, răng chẳng còn mấy cái, thế nhưng trong đôi mắt của già làng Phan Chí Thành vẫn không ngớt ánh lên, tựa như trong đó có lửa, ngọn lửa âm nhạc có thể bùng lên trong cơ thể già nua của ông bất cứ lúc nào. 

Đa tài

Người dân làng Trà Hương, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát, Bình Định), nơi có 14 hộ đồng bào dân tộc Bana sinh sống, truyền tụng rằng: Già làng Phan Chí Thành đi đâu cũng kè kè bên mình bộ sáo cùng với cây mác dắt lưng, kể cả khi đi làm rẫy, hoặc lên rừng, lẫn khi rong chơi. Ông không chỉ là người biểu diễn được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Bana, mà còn là người chế tác ra chúng, và còn sáng tác nhạc dùng để biểu diễn cho riêng mỗi loại nhạc cụ.

“Chưa hết đâu, già Thành còn biết làm thơ nữa. Ông ấy có thể đọc thơ cả giờ đồng hồ nói về làng quê Trà Hương, nói về tình yêu quê hương của ông”, anh Trần Văn Dũng, 1 người dân làng Trà Hương, cho biết.

Ai đã từng 1 lần nhìn già làng Phan Chí Thành biểu diễn nhạc cụ, mới thấy hết niềm đam mê âm nhạc trong người con của rừng núi này. Hôm tôi đến nhà ông, gặp lúc ông đang loay hoay sửa cây đàn Tơ-rưng bị mối mọt gặm nhấm những ống tre. Thấy khách đến, ông bỏ dở công việc, lấy chai rượu ra mời.

“Ngồi với người Bana mà không có ly rượu thì người Bana không nói chuyện được đâu”, già làng nghệ sĩ nói đùa. Không khách sáo, tôi bưng ly rượu đánh ực. Người nghệ sĩ già nhìn tôi cười, nụ cười móm mém vì bộ răng chỉ còn mấy cái, nhưng khó có nụ cười nào rạng rỡ hơn. Nghe chúng tôi muốn tìm hiểu niềm đam mê âm nhạc của ông, ông cũng bưng ly rượu đánh ực, và rồi bắt đầu “cháy”, cháy với từng giai điệu của mỗi nhạc cụ. Chúng tôi được thưởng thức một “đại tiệc” âm nhạc chốn đại ngàn.

Đi cùng với những ly rượu là câu chuyện hồi tưởng về ngày xưa. Mặc dù già làng Phan Chí Thành không xuất thân từ gia đình âm nhạc, nhưng âm nhạc đã ngấm vào ông từ nhỏ. Mới hơn 10 tuổi, cậu bé Phan Chí Thành đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ như: Cồng, đàn Bơ-răng, Bơ-ró, Bơ-lá (sáo), đàn Hơ-đoong 1 dây tương tự đàn cò, đàn Tơ-rưng, Tơ-thiếp (giống như cái tù và)…

10-06-35_2
Già làng Phan Chí Thành với cây đàn Bờ-răng

Lớn lên, ông theo cách mạng. Trong chiến tranh, dù giữa núi rừng heo hút, dù bom đạn bủa giăng, ông vẫn không rời các loại nhạc cụ. Ngay cả những lúc nguy hiểm nhất, ông dùng âm nhạc để tạo niềm lạc quan cho đồng đội. Niềm đam mê âm nhạc ấy theo ông mãi đến tận giờ.

Cuối dòng hồi ức, già làng Phan Chí Thành ôm cây đàn Bơ-răng biểu diễn nhạc khúc “Tình yêu” do ông sáng tác. Ông cho biết: “Giai điệu của bài nhạc này tôi viết riêng cho đàn Bơ-răng”. Âm vực trầm bổng, tiết tấu lúc chậm lúc nhanh nghe như tiếng gió thổi trong rừng già tạo ra làn sóng âm thanh vừa du dương, vừa huyền bí.

Theo diễn giải của già làng nghệ sĩ, bầu đàn Bơ-răng được làm bằng 1 trái bầu khô, cần đàn làm bằng ống nứa to, có 12 dây. Loại đàn này chỉ chơi trong những dịp đám cưới, mừng lúa mới, lễ hội, cúng giàng. Còn đàn Bơ-ró có tới 2 quả bầu khô làm thùng đàn, cần đàn cũng bằng ống nứa nhưng chỉ có 2 dây. Đàn Bơ-ró chỉ chơi trong bối cảnh buồn, khi có tâm sự não nề.

10-06-35_3
Già làng Phan Chí Thành với cây đàn Bờ-ró

Theo già làng Phan Chí Thành, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, âm nhạc gắn bó mật thiết trong mọi sinh hoạt của họ. Từ chuyện buồn đến chuyện vui, từ lễ hội đến hoạt động sản xuất. Âm nhạc trở thành nét văn hóa truyền thống của từng bản làng.

Tài năng không truyền nhân

Ngồi với già làng Phan Chí Thành cả buổi nhưng chúng tôi chưa hề nghe ông nói về bản thân mình, ông như tan biến giữa câu chuyện âm nhạc, của từng loại nhạc cụ. Đến khi được biết chính ông là người chế tác ra nhiều loại nhạc cụ, trong đó có nhạc cụ rất độc đáo mà ông đặt tên là đàn Cổ-vũ, chúng tôi càng ngưỡng mộ ông hơn.

Gọi là “đàn”, nhưng trông bề ngoài nhạc cụ Cổ-vũ trông như cái mõ của người Kinh. Nhạc cụ Cổ-vũ được làm bằng gỗ xương mộc, hay gỗ lim, có kích thước khoảng 0,8 m x 0,4 m, dáng hình thang, bên trong được đục rỗng ruột. Hai bên, mỗi bên có 3 núm được bố trí theo hình tam giác. Núm trên to, 2 núm dưới nhỏ hơn, để khi chơi, cùng vị trí 2 bên các núm, tạo ra 4 âm thanh khác nhau.

Già làng Phan Chí Thành, cho hay: “Trong chuyến tham quan một bản làng ở miền núi phía Bắc, tôi được nhìn lấy loại nhạc cụ này, âm thanh của nó cứ ám ảnh tôi. Về nhà, tôi mô phỏng lại, tìm gỗ làm theo. Tuy nhiên, để làm ra loại nhạc cụ này không phải dễ, trên thân gỗ to, chỉ tạo rãnh khoảng 2 cm trên đỉnh Cổ-vũ. Từ rãnh này đục âm trong lòng khúc gỗ, rộng ra hai bên, cần phải rất tỉ mẩn. Để tạo ra âm thanh chuẩn, yêu cầu người chế tác khi đục tạo độ rỗng bên trong, phải biết kết hợp giữa 2 tay và 2 tai, vừa đục vừa dùng cái tai tinh tế cảm thụ âm thanh”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Định cho hay: Hiện trên cả nước chỉ có 180 người được phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân dân gian Việt Nam”, trong đó có già làng Phan Chí Thành, và ông là 1 trong 7 nghệ nhân ở Bình Định được nhận danh hiệu này.

Theo giải thích của già làng, loại nhạc cụ này có thể biến ra nhiều tiết tấu: nhanh, trung bình, chậm. Người xưa đi săn thú trên rừng thường đi cả nhóm, khi phát hiện con thú, thấy nó đang chạy thì người cầm nhạc cụ Cổ-vũ cho tiết tấu nhanh, thúc giục mọi người tiến về phía trước tiếp cận con thú. Hoặc khi có thú dữ từ rừng xuống làng bắt heo nhà, hoặc có voi về phá rẫy thì tiếng Cổ-vũ lại càng dồn dập với tiết tấu thúc giục để dân làng tập trung đuổi thú rừng, bảo vệ tài sản dân làng.

Nếu chơi Cổ-vũ vào buổi sáng là báo cho mọi người thức dậy để lên nương lên rẫy, nếu chơi khi ông mặt trời xuống núi là kêu gọi mọi người rời rẫy trở về nhà sum họp với gia đình bên bữa cơm chiều. Khi người ta chơi Cổ-vũ có tiết tấu thanh thoát, nhự nhàng, chậm rãi, đó là nói lên cuộc sống thanh bình, no ấm.

Càng gắn bó với âm nhạc, càng đam mê các loại nhạc cụ truyền tống của đồng bào Bana, già làng nghệ sĩ Phan Chí Thành càng đau đáu 1 nỗi niềm, ông tâm sự bằng giọng chua xót: “Lũ trẻ bây giờ cũng biết thích âm nhạc, biết ca hát, nhưng chúng chỉ thích âm nhạc từ máy móc, chỉ thích hát những bài hát hiện đại, nhại theo những ca sĩ trên máy hình. Ít người muốn tìm hiểu, học hỏi các loại nhạc cụ truyền thống, càng ít người muốn hát những bài hát từng được ông cha hát trong mọi sinh hoạt của người bản làng. Cứ kiểu này chắc khi tôi chết đi, tôi phải mang theo các nhạc cụ Bơ-răng, Bơ-ró, Hơ-đoong… chứ để lại lũ trẻ cũng chẳng thèm đụng đến”.

10-06-35_4
Già làng Phan Chí Thành đang say sưa với âm nhạc

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng lòng ông không cam. Bằng mọi cách ông phải thổi ngọn lửa âm nhạc vào lòng những trai tráng trong làng. Để làm gương, bất chấp tuổi cao sức yếu, hàng ngày ông vẫn miệt mài trau dồi kỹ năng biểu diễn tất cả các loại nhạc cụ.

Ông có mặt trong tất cả mọi lễ hội của làng để biểu diễn nhạc cụ. Ông không ngại tham gia những ngày hội văn hóa - thể thao các cấp được tổ chức trong tỉnh. Sự miệt mài của ông đã mang lại nhiều thành quả, lần tham dự nào ông cũng được tặng giấy khen, là “Nghệ nhân cao tuổi tài năng”, là “Nghệ nhân độc tấu nhạc cụ xuất sắc nhất”…

Sự cống hiến của già làng Phan Chí Thành đã “bay” ra tới Trung ương, được Hội Văn nghệ dân gian ghi nhận và trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam vào đầu năm 2014.

Nhưng điều làm ông hạnh phúc nhất không phải là danh hiệu, mà từ nỗ lực của ông, hiện nay đã có nhiều thanh niên trong làng bắt đầu theo ông học biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống. Và ông hy vọng, khi ông mất đi, vẫn còn đó tiếng đàn Cổ-vũ ở làng Trà Hương.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm