| Hotline: 0983.970.780

Tết cô độc của phận người cuối cùng tại trại phong Đá Bạc

Thứ Bảy 03/02/2024 , 18:24 (GMT+7)

HÀ NỘI Tết được coi là dịp để sum họp, đoàn viên cùng gia đình. Thế nhưng với bà Sợi, 57 năm là thời gian mà bà đã đón Tết nơi trại phong bỏ hoang.

Tết được coi là dịp để sum họp, đoàn viên cùng gia đình. Thế nhưng với bà Sợi, 57 năm là thời gian mà bà đã đón Tết nơi trại phong bỏ hoang.

“Tôi không mong Tết…”

Khuất sau những ngọn đồi của xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), trại phong Đá Bạc hiện chỉ còn duy nhất bà Nguyễn Thị Sợi (80 tuổi, quê Vĩnh Phúc). Đây từng là nơi cách ly, điều trị của hơn 150 bệnh nhân mắc bệnh phong – một trong “tứ chứng nan y” của thời kỳ trước. Được xây dựng từ những năm 1950, trại phong hiện đã trở nên xuống cấp, tường vôi phủ rêu và bong tróc. Bà Sợi không thể trở về quê hương vì bố mẹ nuôi đã qua đời, hai chị gái đã tuổi cao và có gia đình riêng, theo về nhà chồng.

Không khí Tết nhà bà Sợi được các bạn tình nguyện viên làm mới trên những mảng tường đã tróc lở. Ảnh: Minh Toàn.

Không khí Tết nhà bà Sợi được các bạn tình nguyện viên làm mới trên những mảng tường đã tróc lở. Ảnh: Minh Toàn.

Cả “gia sản” của bà Sợi chỉ là đàn gà, vườn đào, chú chó Bun và một vài chú mèo. Kinh tế của bà phụ thuộc vào đàn gà. Bà Sợi nói: “Cứ mua gà nhỏ về, cho ăn ngô, lớn thì đem ra chợ bán, lấy tiền mua gạo. Nhiều khi thiếu thì cứ bảo con bé hàng xóm bù cho, hôm sau lại mang con gà khác sang…”.

Ngoài ra, bà có một vườn đào nhỏ vừa để chơi Tết vừa để làm kinh tế. Những năm có hoa, tiền bán hoa đào có thể giúp bà dư dả trong cả năm. Nhưng thu nhập không phải là điều bà mong đợi chính ở những gốc đào. Mà không khí nhộn nhịp, kẻ mua người bán, người cưa, người vác mới là điều bà Sợi mong đợi. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà những cây đào xung quanh “nhà” bà Thu chẳng thể nở. Không khí Tết cũng vì vậy bớt náo nhiệt đi phần nào.

Do di chứng của căn bệnh quái ác để lại mà mỗi dịp Tết đến, bà Sợi chẳng thể “nấu cỗ” để thắp hương được. Trên bàn thờ người bố nuôi, chỉ vỏn vẹn chiếc bánh chưng, gói bánh do các đoàn thiện nguyện đến thăm hỏi bà. Một phần do di chứng, phần còn lại do ở một mình nên bà Sợi cũng không muốn “bày vẽ”.

Thậm chí, với bà Sợi, Tết được gói gọn trong một củ su hào, một chiếc bắp cải và một lọ dưa hành. Cái Tết đơn giản và tiết kiệm nhưng với bà vậy là đủ Tết. Bà Sợi không mong cầu được ăn ngon, chỉ mong Tết có người đi qua để bà bớt “thèm người”.

Bà Sợi kỳ vọng vào những gốc đào có thể mang lại không khí nhộn nhịp mỗi dịp Tết đến. Ảnh: Minh Toàn.

Bà Sợi kỳ vọng vào những gốc đào có thể mang lại không khí nhộn nhịp mỗi dịp Tết đến. Ảnh: Minh Toàn.

Vốn nằm cách xa khu dân cư nên ngày thường trại phong đã ít người qua lại. Những ngày cận Tết không khí lại càng trở nên vắng vẻ, hiu quạnh. Mong muốn duy nhất của bà Sợi trong những ngày Tết là có người đi qua, đi lại để bà được cảm thấy sự nhộn nhịp của ngày Tết. “Tôi không mong Tết, Tết đến là tôi buồn lắm. Trông ra đường cái chẳng có ai…”, bà Sợi bộc bạch.

Không khí Tết ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này được thể hiện rõ nhất trên những bờ tường tróc lở, vôi ve của “nhà” bà Sợi. Nhiều bức tranh trang trí được vẽ lên, gắn lên tường. Bức tường vốn tróc lở nay lại trở thành món quà tinh thần duy nhất mỗi dịp Tết đến của bà Sợi. Những lúc không biết phải làm gì, bà Sợi đành ngồi ngắm những bức họa do các bạn tình nguyện viên dựng lên. Căn nhà như được “sống” lại lần nữa trước dòng chảy của thời gian.

Tết “hủi”

Sự hiu quạnh của nơi này có thể làm giảm sự “bày vẽ” trong mâm cỗ nhà bà Sợi nhưng không thể làm phai nhạt đi những ký ức đau buồn của những năm tháng bị hắt hủi. Ở cái tuổi tản thọ này, bà Sợi có thể đã lẫn, có thể đã quên đi nhiều chuyện nhưng việc bị chính người trong gia đình hắt hủi thì có lẽ bà sẽ không bao giờ quên.

Bà Sợi sống một mình tại nơi 'thâm sơn cùng cốc'. Ảnh: Minh Toàn. 

Bà Sợi sống một mình tại nơi “thâm sơn cùng cốc”. Ảnh: Minh Toàn. 

Năm 16 tuổi, bà Sợi và gia đình bố mẹ nuôi phát hiện bà bị “hủi”. Bà vẫn được sinh hoạt cùng gia đình, vẫn tham gia vào phần lớn hoạt động của gia đình. Nhưng bát và đũa của bà được đánh dấu để không “ăn nhầm” với bát của “người bình thường”. Có lần bà Sợi ăn nhầm và bị mẹ nuôi nhắc nhở. Bà tủi, nhưng không dám khóc.

Thế nhưng lúc đó, hai chị gái đã đi học, bố mẹ nuôi đi làm, bà Sợi đành phải nén đau, giấu hàng xóm để đi làm lấy điểm. “Cả một dãy đang đứng thế này, thấy tôi đến, họ bảo “hủi đến, hủi đến”, mọi người chạy hết. Vừa cuốc đất vừa chảy nước mắt, không dám khóc vì xấu hổ…” – bà Sợi chia sẻ. Thậm chí, có thời điểm dân làng định chôn sống bà nhưng bà cũng không phản kháng và đành chấp nhận số phận.

Hơn 6 năm giấu bệnh là thời gian tủi hổ nhất đối với bà Sợi. Nhà bố mẹ nuôi gần đình làng, Tết đến có nhiều hoạt động văn hoá, vui chơi nhưng bà Sợi chẳng dám bén mảng đến vì sợ dân làng kỳ thị. Hơn 6 cái Tết bà Sợi chỉ biết nhìn bạn bè đi chơi, còn bản thân thì ngồi xó bếp nấu cám.

Đến năm 1966, bà Sợi được chuyển vào cách ly tập trung tại trại phong Đá Bạc. Lần đầu xa nhà khiến bà cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ bố mẹ. Tết đầu tiên cách ly, bà về nhà. Thế nhưng đáp lại sự kỳ vọng của bà là sự lạnh lùng của người mẹ nuôi: “Ở đâu mà chả có Tết, về làm gì?”.

Chú chó Bun là người bạn duy nhất của bà Sợi ở trại phong. Ảnh: Minh Toàn.

Chú chó Bun là người bạn duy nhất của bà Sợi ở trại phong. Ảnh: Minh Toàn.

Câu nói như chạm đến sự tự ái của bà Sợi. Trái ngược với sự mong đợi, háo hức được đón Tết nhà của bà Sợi, bà sụp đổ hoàn toàn niềm tin, hi vọng vào gia đình. Ban đầu, bà muốn Tết thật dài để có thể bên gia đình lâu hơn. Và rồi Tết năm ấy thật dài bởi bà chỉ biết khóc và tủi thân nơi xó bếp, chứ cũng không được đi chơi hay gặp gỡ bạn bè.

Cô gái Sợi năm 22 tuổi đã sụp đổ niềm tin vào gia đình. Trong suốt hơn 57 năm, bà Sợi chưa từng về lại ngôi nhà ấy để ăn Tết bởi lẽ, nó chẳng còn là tổ ấm. Năm 80 tuổi, bà Sợi một lần nữa được sống lại cảm giác Tết. Dù mờ nhạt nhưng xuân một lần nữa lại về trong tâm hồn già cỗi của kiếp người bị lãng quên ở trại phong bỏ hoang này.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.