| Hotline: 0983.970.780

Tết cô quạnh ở xóm 'chạy thận'

Thứ Sáu 02/02/2024 , 14:00 (GMT+7)

Hà Nội Với chị Trang, chiến đấu với căn bệnh suy thận không phải là điều đáng sợ nhất, mà điều đáng sợ nhất là cảm giác tủi thân đến cùng cực mỗi độ Tết đến.

Tết cũng như ngày thường

Tết là cơ hội để mỗi người có thể đoàn viên cùng gia đình, bạn bè sau một năm vất vả. Thế nhưng với những bệnh nhân đang điều trị suy thận, thì Tết cũng như những ngày bình thường. Bởi lẽ, do đặc thù của căn bệnh, nếu không được “chạy” thận đúng ngày, có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới sức khoẻ và tính mạng.

Một bệnh nhân bị suy thận phải ăn nhờ ở đậu tại xóm 'chạy thận'. Ảnh: Minh Toàn.

Một bệnh nhân bị suy thận phải ăn nhờ ở đậu tại xóm "chạy thận". Ảnh: Minh Toàn.

Với nhiều bệnh nhân, có lẽ thứ họ mong chờ duy nhất mỗi dịp Tết đến là được chạy thận vào những ca “đẹp”. Những ca đẹp đó thường là những ca chạy vào cuối ngày 29 hoặc đầu ngày 30. Theo đó, họ sẽ được nghỉ ngày mùng 1 Tết và sẽ có cơ hội được về quê.

Nhưng với nhiều người chạy ca “đẹp” cũng chưa chắc đã là niềm vui, bởi: “Vé xe tầm đó rất đắt, bệnh nhân lấy đâu ra tiền mà về như thế. Mùng 1 thì làm gì có ai chở để về. Nhiều khi nghĩ cũng tủi nhưng bệnh của mình thế này thì phải chịu…”, anh Nguyễn Gia Nghĩa (33 tuổi, Hải Dương) bộc bạch.

Vì vậy, tại con ngõ này Tết Hà Nội hay Tết xa nhà là điều “bình thường mới”. Bởi với những bệnh nhân này số lần họ đón Tết chạy thận đã không thể để đếm hết trên các ngón tay. Họ chấp nhận số phận, chấp nhận ăn Tết xa nhà để có thể điều trị căn bệnh quái ác này một cách hiệu quả nhất.

Chị Trang phải vật lộn với bệnh tật và sự dày vò về tâm lý trong suốt 29 năm. Ảnh: Minh Toàn.

Chị Trang phải vật lộn với bệnh tật và sự dày vò về tâm lý trong suốt 29 năm. Ảnh: Minh Toàn.

Những ngày cận Tết, con ngõ 121 Lê Thanh Nghị - nơi ở của hơn 100 bệnh nhân điều trị bệnh thận hối hả người ra người vào, bởi Tết vẫn phải chạy thận.

Chính vì vậy, mà không khí Tết tại con ngõ 121 Lê Thanh Nghị này cũng trở nên khiên cưỡng hơn rất nhiều. Tết của họ chỉ đơn giản là được đón giao thừa với những người “cùng cảnh ngộ”, là những chiếc bánh chưng do các đoàn thiện nguyện trao tặng. Đôi khi là cành đào treo trước sân bởi căn phòng không đủ rộng để chứa không khí Tết.

Là người mắc bệnh từ khi 4 tuổi, năm nay đã là năm thứ 29 chị Nguyễn Thị Trang (33 tuổi) chiến đấu với căn bệnh này và là năm thứ 4 chị ăn Tết ở con ngõ Lê Thanh Nghị. Trong 1 lần di chuyển từ bệnh viện về, không may chị bị gãy chân và hiện đã không còn khả năng di chuyển được nữa.

Với chị Trang, chiến đấu với căn bệnh suy thận không phải là điều đáng sợ nhất, mà điều đáng sợ nhất là cảm giác tủi thân đến cùng cực mỗi độ Tết đến. Điều này giày vò tâm lý chị, thậm chí có những thời điểm chị đã nghĩ đến việc tự kết thúc nỗi đau của bản thân. Nhưng rồi chị Trang lại tự an ủi bản thân trong những lần chạy thận. “Giá mà ngày thường đường cũng vắng như thế này thì dễ đi chú nhỉ?” – chị Trang tâm sự cùng chú xe ôm trên đường đến bệnh viện.

Không chỉ với bệnh nhân mà với những người đi chăm bệnh nhân chạy thận, họ chỉ mong người nhà được chạy “ca đẹp” để có cơ hội đoàn viên cùng gia đình. Cô Nguyễn Thị Thanh (Nam Định) – người nhà của bệnh nhân chạy thận chia sẻ: “Tôi chỉ mong sao được về nhà đúng 30 Tết. Ông nhà thì mất rồi, em thì bây giờ nằm đâu nằm đó rồi. Nhà còn 2 anh em trai bây giờ tự lo cho nhau, mà Tết thì chúng nó không tự quán xuyến hết được…”.

Tình yêu và gia đình là động lực giúp những bệnh nhân chạy thận vượt qua nỗi đau bệnh tật. Ảnh: Minh Toàn.

Tình yêu và gia đình là động lực giúp những bệnh nhân chạy thận vượt qua nỗi đau bệnh tật. Ảnh: Minh Toàn.

Có lẽ cái Tết Hà Nội mà bất kể bệnh nhân chạy thận và người nhà nào cũng không mong chờ. Họ mong một cái Tết được đoàn viên bên gia đình, người thân. Nhưng số phận đã gắn họ với căn bệnh này, với những cái Tết tủi thân…

Số phận nghiệt ngã

Suy thận là căn bệnh không thể chữa dứt điểm hoàn toàn. Vì vậy mà bị bệnh là gắn cuộc đời mình với chuỗi ngày chạy thận không hồi kết. Anh Nghĩa cho biết: “Lúc đầu chỉ thấy mệt mỏi, nhưng chủ quan. Sau đi khám, biết mắc bệnh, tôi chán lắm vì lúc phát hiện là giai đoạn gần cuối rồi…”.

Với mỗi bệnh nhân chạy thận, mỗi lần phải đi chạy thận là vừa chữa vừa đau. Chị Trang chia sẻ: “Cơn đau buốt từ trong xương ra, lòng bàn chân cảm tưởng như có hàng ngàn cây kim đâm vào, người mệt mỏi…”. Không chỉ vậy mà chị Trang còn mắc nhiều căn bệnh khác như suy tim, viêm giác mạc… Có những thời điểm, chị Trang uống gần 10 loại thuốc trong 1 lần sử dụng.

Nhiều xuất quà Tết được các nhà hảo tâm trao tận tay những bệnh nhân tại 'xóm chạy thận'. Ảnh: Minh Toàn.

Nhiều xuất quà Tết được các nhà hảo tâm trao tận tay những bệnh nhân tại “xóm chạy thận”. Ảnh: Minh Toàn.

Ngày không chạy thận, những bệnh nhân bị cơn đau hành hạ. Nhưng sau mỗi ca chạy nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái mệt mỏi, tụt huyết áp, nôn nửa… thậm chí nhiều người phải sử dụng thuốc giảm đau để vơi đi nỗi đau bệnh tật.

Nhưng sự ám ảnh trong tâm lý người bệnh đáng sợ hơn nỗi đau về thể xác mang lại. Chị Trang tự ti nói: “Một vài lần về quê ăn Tết thấy bạn bè bằng tuổi, người ta con bế con bồng, nhìn lại phận mình thì bệnh tật ốm yếu. Nghĩ cũng tủi. Nhưng mà nó là số phận rồi nên chấp nhận…”. Nhiều người tự dày vò bản thân trong những suy nghĩ tiêu cực giống chị Trang, để rồi không vượt qua được sự hành hạ về tâm lý và trở nên tiêu cực, sẵn sàng chờ sự kết thúc đến với bản thân.

Nhiều người đã tự kết thúc sinh mệnh sau khi nhận được kết quả chẩn đoán suy thận. Bởi với họ kết quả chẩn đoán này như một bản án tử. Họ đành tự kết thúc nỗi đau của bản thân để vơi bớt gánh nặng cho gia đình.

Bản thân chị Trang cũng nghĩ như vậy, nhưng sự bản lĩnh đã níu chị ở lại với gia đình. Chị Trang cho biết: “Nói không phải gở nhưng đã có những lần tôi nghĩ đến việc kết thúc. Nhưng rồi lại nghĩ ‘sao phải thế, mình còn ít tuổi. Còn may mắn hơn những em nhỏ mới chỉ 3-5 tuổi đã mắc bệnh ung thư’ nên tôi lại có động lực để tiếp tục điều trị.

Ngõ 121 Lê Thanh Nghị hiện có 113 bệnh nhân chạy thận, mỗi mảnh đời là một câu chuyện khác nhau. Nhưng có lẽ điểm chung giữa họ là bệnh tật và động lực để tiếp tục sống và chữa bệnh. Những người bệnh không đơn độc, họ luôn có gia đình dõi theo. Và cũng chính gia đình đã cho họ thêm sức mạnh để vượt qua bệnh tật.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.