| Hotline: 0983.970.780

Tết Độc lập ở Quảng Bình

Thứ Sáu 02/09/2022 , 14:39 (GMT+7)

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến ngày Quốc khánh 2-9, người dân Lệ Thủy (Quảng Bình) lại tưng bừng lễ hội mừng Tết Độc lập…

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho hay, bà con quen gọi là ăn Tết Độc lập. Ngoài Tết Nguyên Đán, người dân ăn Tết Độc lập với bánh trái, cỗ bàn, phần lễ gồm mít tinh trọng thể phát động thi đua, diễu hành trên sông và đua thuyền. “Với cư dân Lệ Thủy, hội đua thuyền trên sông Kiến Giang vào dịp Tết Độc lập đã thành máu thịt, không thể thiếu”- ông Tình nói.

Ở xa ngái cũng về…

Ông Võ Văn Cừ là một nghệ nhân đóng thuyền bơi ở làng Lộc Thượng. Thân phụ, tổ phụ của ông từng là những lão tổ trong làng bơi đua cho biết, trước hết phải chọn gỗ. Trai làng cơm đùm gạo bới đi cả tháng trên rừng Trường Sơn chọn lựa cây gỗ như ý. Sau nữa là nghệ thuật đóng thuyền với những mực thước bí truyền.

Thuyền đua trước giờ khai mạc lễ hội. Ảnh: N.Chiến

Thuyền đua trước giờ khai mạc lễ hội. Ảnh: N.Chiến

“Cuối cùng là nghệ thuật thi đấu. Có được chiếc thuyền tốt, trai bơi nhàn mà vẫn về đích trước. Ngược lại, thuyền nặng,  trai bơi chết thôi mà thuyền vẫn đi chậm”- ông Cừ bộc bạch.

Trãi qua hàng ngàn năm, người dân vùng sông nước Kiến Giang gắn bó với dòng sông. Mọi sinh hoạt, lao động sản xuất đều trong cậy vào con thuyền: cấy hái, gặt mùa, chạp giỗ, tảo mộ, chợ búa, đám đình...cho đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng con thuyền ngược dòng lên thượng nguồn mai táng.

Từ lao động mà kết tinh nghệ thuật chèo thuyền, bơi thuyền nhịp điệu, kết cấu theo các thể mái khoan, mái xắp, mái đẩy...điều tiết sức trai, sức gái trên đường đua xanh.

 Theo cách gọi bình dân, đò của trai cầm chầm gọi là đò bơi, đò của gái dùng chèo gọi là đò đua. Trai bơi là thợ cày, gái đua là thợ cấy.

Anh Võ Trọng Minh là một lực điền ở thôn Lộc An, năm nay 45 tuổi. Nghề của anh là làm nông nhưng trong những ngày cuối tháng 8 thường trở về nhà sớm hơn mọi bận. Các bạn trai bơi đang chờ anh xuống sông thử đò, thử sức chuẩn bị cho ngày hội bơi thuyền Tết Độc lập.

Cũng như anh Minh, chị Nguyễn Thị Tiệp ở thôn Lộc Hạ, không phải tuyển thủ chuyên nghiệp. Chị phải lao động đồng áng, làm thủy lợi, chăm lo việc nhà. Nhưng khi đã bước xuống thuyền, cầm chèo, chị thực sự là một đội trưởng quyết thắng trên đường đua.

Nét duyên thời con gái vẫn còn trên khuôn mặt, chị hồ hởi kể: “Người chèo lái phải biết lượng và giữ sức mình. Khi xuất phát phải biết làm sao đẩy mái chèo tống để bắt nhịp cũng bạn bới đẩy thuyền mình rướn lên, Khi đã cách nhau được vài cặp chèo rồi thì thuyền mình đi sẽ nhẹ nhàng hơn mà bạn bơi ít bị mất sức...”.

Đông nghịt người xem trên bờ. Ảnh: N. Chiến

Đông nghịt người xem trên bờ. Ảnh: N. Chiến

Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thuỷ cũng là một hình thức thi đấu thể thao cấp huyện mà số lượng đơn vị tham gia (thuyền bơi, đua) tới vài ba chục. Tuyển thủ cùng thi đấu một lúc lên đến kỷ lục với cả ngàn người.

 Cổ động viên tràn ngập hai bên bờ sông tới 5-7 vạn người. Thuyền đua đến đâu là ô tô, xe máy…chạy theo cổ vũ trên những tuyến đường hai bên bờ sông Kiến Giang như mắc cửi.  

Từ trong màn sương huyền thoại, trong chiều sâu cổ tích ghi lại hình tượng điển hình có cái tên nôm na: Bà Lỗ. Tương truyền, nguyên mẫu bà là một thôn nữ xinh đẹp, người làng An Xá, hữu ngạn sông Kiến Giang.

Đò bơi An Xá nhiều năm xếp thứ hạng thấp, trai, gái làng nản lắm, có năm định buông chầm, thả thuyền. Cô suy nghĩ nhiều đêm và quyết định góp sức theo cách của mình.

Năm đó, giờ buông phao khai cuộc, hàng chục đò bơi qua khúc sông làng An Xá, bỗng thấy một thiếu nữ cởi bỏ xiêm y, khỏa thân đứng cao lồ lộ như hóa thạch, như khêu khích mời chào... Trai bơi các làng bạn nhìn như bị hút hồn trước vẻ đẹp thánh thiện ấy, tay cầm chầm có phần lơi lỏng, lạc nhịp, thuyền đi chùng hẳn xuống...

Trai bơi làng An Xá một thoáng đã hiểu ẩn ý sâu xa của người thiếu nữ, xiết lại tay chầm, bắt nhịp rướn sức. Đò An Xá vượt lên. Khi đò bạn hiểu ra thì đã chậm mất mấy nhịp chầm, không sao đuổi kịp. Đò An Xá về đích trước.

3

Dậy sóng trên từng chặng đường đua. Ảnh: N.Chiến

Đêm ấy, làng mở hội ăn mừng. Riêng thiếu nữ tự thấy mình đã thất tiết bèn ra sông trầm mình quyên sinh. Linh hồn nhập vào cây Cừa ngày đêm đứng dầm chân xõa tóc đợi chờ cổ động cho đò bơi.

Dân làng nhớ ơn, lập đền thờ gọi là đền Bà Lỗ, quanh năm hương khói linh thiêng...Sau này, trước khi vào cuộc đua chính thức, tất cả thuyền đua đều bơi nhẹ dạo qua và thắp hương tại đền Bà Lỗ để mong được bà phù hộ.

Như đã thành lệ, con em Lệ Thủy dù ở xa xôi cũng thu xếp về quê trong dịp này để  đi xem và cổ vũ thuyền đua. Anh Võ Văn Thế (quê làng An Xá), đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đã về cả gia đình. “Tôi phải lên kế hoạch từ sớm để mua vé máy bay cho cả gia đình cùng về. Người Lệ Thủy dù ở xa ngái mô cũng về dịp này. Không về được, tối ngủ không an giấc mô. Lễ hội bây chừ là Di sản văn hóa quốc gia rồi”- anh Thế nói.

Dậy sóng trên sông

Lễ Quốc khánh năm nay trời đẹp. Sau những nắng nắng  gắt, sáng nay trời mưa nhẹ. Mưa đủ ướt áo em tôi và như khích lệ thêm tinh thần của trai, gái bơi.

Từ sáng sớm trên mọi ngã đường về thị trấn Kiến Giang đã nghìn nghịt người, xe...

Sau phát súng lệnh xuất phát, trai bơi như gầm lên gồng mình, sông cuộn sóng...Mười hai thuyền đua  của các hạng A,B bật lên lấy đà ban đầu cho cuộc tranh tài.

4

Người hò hét trên bờ, kẻ gồng mình dưới thuyền như hòa làm một nhịp. Ảnh: N . Chiến

Trên bờ, tiếng reo hò vang dội, người phất cờ. kẻ vẩy hoa, vẩy nón. Những bà, những mẹ xắn quần lội ra mép sông dùng nón lá bài thơ múc nước tạt theo thuyền như những vòng cung nước lung linh...

Sông Kiến Giang vốn nhỏ, chảy hiền qua các làng mạc nay dậy sóng bạc đầu nâng những con thuyền chạy vào niềm phấn khích của cả vạn con người vẫy tay, reo hò không ngớt.

Hết mái xắp lấy đà, thuyền đua chuyển theo mái khoan dưỡng sức cho chặng nước rút. Tiếng hò cứ dội vào hai bên sông: “Khoan hô khoan- Hồ khoan. Khoan hô khoan- Hồ khoan...”. Cứ đến nhịp “hồ khoan” là hàng trai, trai rạp người bật tiếng đầy nội lực từ lồng ngực và như được tiếp thêm sức mạnh cho hai cánh tay vục sâu mái chầm xuống nước đều rắp, tạo sức mạnh đẩy con thuyền vượt lên, vượt lên...

Tranh tài ở thuyền đua nam gồm có 2 bảng xếp hạng A và B, Bảng A là các đội mạnh được chọn từ vòng đấu bảng trước đó. Hạng B cũng có 12 đội giành cho các thuyền đua còn lại. Các thuyền đua tranh tài trong cự ly bơi 24 km.  Ở thuyền đua nữ cũng có 9 đò, với cự ly đường đua dài hơn 15 km.

Lễ hội đua thuyền trên sđng diễn ra khoảng trogn 3 giờ đồng hồ. Trên sông Kiến Giang đoạn, khúc sông nào cũng có đò đua như làm rộn ràng cho mọi vùng quê. Có những lúc đù đua nam ngược về gặp đò đua nữ ngược lên. Hoặc đò hạng A trở tiêu về đến đoạn gặp đò hạng B ngược tiêu.

Khi đó, cảnh huyên náo của tiếng hồ khoan, tiếng mõ thúc, tiếng mái chầm vục nước như thành bản giao hưởng trong một liên hòan đua thuyền trên sông.

5

Đoàn kết tạo nên sức mạnh cho từng thuyền đua để về đích. Ảnh: N.Chiến

Cuộc tranh tài nào cũng có thuyền về đầu, thuyền về tốp cuối. Nhưng người xem vẫn nhiệt tình cỗ vũ, khích lệ nồng nhiệt cho những đò chạm đến đích sau cùng.

Cụ Nguyễn Hân, người làng Tân Lệ hồ hởi lý giải: “Chúng tôi không thể bỏ cuộc, nếu bỏ cuộc thì đò áp chót sẽ thành chót. Đò ấy cũng bỏ cuộc...cứ vậy thì đò nhất bơi một mình à. Bơi vì vui, vì mừng Tết Độc lập, thắng cũng tốt, thua cũng không nản. Hẹn đến sang năm lại cố hết mình”.

6

Cùng hân hoan một niềm vui. Ảnh: N.Chiến

Không chỉ mừng Tết Độc lập, lễ hội bơi thuyền còn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn thuận lợi. Thắng hay thua sau cuộc tranh tài cũng đều vui... như hội.

Năm nay, làng An xá (xã Lộc Thủy) niềm vui nhân đôi vì thuyền nam hạng A và thuyền đua nữ đều về nhất. Trên sông, đò nào theo làng đó, cùng con cháu ở xa tìm về liên hoan chúc mừng và hẹn lại dịp lễ hội mừng tết Độc lập sang năm

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...