Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan Liên hợp quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.
Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có ý nghĩa quan trọng với các nước chính thức đón mừng Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi Tết Âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.
Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hoá cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp vận động tại Liên hợp quốc, trong đó Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo Liên hợp quốc hồi tháng 8/2023 và tích cực thúc đẩy việc này.
Trước đó, ngày 10/8, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn 12 nước tại Liên hợp quốc gồm Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Mauritius, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã gửi thư chung đề nghị Chủ tịch Ủy ban Hội nghị đưa Tết Nguyên đán vào lịch hàng năm của Liên hợp quốc để thể hiện cam kết của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đối với tính đa dạng và bao trùm cũng như ý nghĩa văn hóa của dịp lễ quan trọng này.
Ông Đới Binh, Đại biện lâm thời Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc, cho biết việc Trung Quốc thúc đẩy Tết Nguyên đán trở thành ngày nghỉ lễ của Liên hợp quốc là một hành động nhằm thực hiện Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, đề xướng tôn trọng đa dạng văn minh thế giới.
Tết Nguyên đán được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc. Đây là kỳ nghỉ lễ dài nhất tại nước này. Bắt đầu từ ngày 8/12 âm lịch, dân Trung Quốc trên khắp thế giới đổ về quê ăn Tết cùng gia đình. Thời gian nghỉ lễ thường kéo dài đến hết ngày 15/1 âm lịch.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam thì hiện nay một số quốc gia và vùng lãnh thổ cũng lấy Tết Nguyên đán làm ngày nghỉ chính thức hoặc tổ chức ăn mừng như Hàn Quốc, Triều Tiên, Malaysia, Indonesia, Philippines, Canada, Suriname...