| Hotline: 0983.970.780

Tết quê

Thứ Năm 10/02/2011 , 10:15 (GMT+7)

Gió đồng rửa mặt tha hương

Ta về quê chữa vết thương thị thành

Lương Tử Đức 

Hồi trẻ, tôi ăn tết ở Hà Nội, bánh chưng mua, giò chả mua, xôi cúng giao thừa cũng mua nốt. Thấy cái gì cũng ê hề, chợt thương nhớ quê. Tôi từng viết: “Hà Nội bao nhiêu là to đẹp, nhưng không phải của mình, Hà Nội không phải là cái bánh chưng để tôi cắt lấy một góc mang về biếu quê”.

Lạ thật, dẫu biết chắc Hà Nội không thuộc về mình, mà vẫn khư khư bám níu. Vì ở đó có công ăn việc làm, cũng có rất nhiều cám dỗ và hứa hẹn, ví dụ như hứa hẹn cho giàu sang, cho vinh thăng để có thể ngẩng mặt với đời; đến khi mình không còn tin nữa thì lại đến lượt con rồi cháu mình, chúng nó lại tin, lại hăm hở. Nhưng cái vì sâu xa hơn nằm ở chỗ, văn minh đô thị nó có sức cám dỗ bí ẩn của riêng nó, như quầng sáng chói gắt hấp dẫn hết thảy những con thiêu thân. Xưa Nguyễn Bính viết:

Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh

Tôi đi gian díu với kinh thành

Mấy năm mới rồi nghỉ hưu, tôi về quê ăn tết. Bỏ lại tất tần tật vàng son xanh đỏ tím vàng trắng của Hà Nội, bỏ lại cái quan hệ mua bán, các mối quan hệ công việc làm ăn kể luôn cả cái sự lộng lẫy chăng đèn kết hoa của nó, tôi dứt áo về quê.

Quê tôi nằm ven con sông Trà Lý, do nó và biển Đông vun sa bồi thành bãi. Hồi đầu thế kỷ XIX, quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ chỉ huy dân chúng quai đê lấn biển, cụ Lại Thế Nhang, người Kiến Xương, đưa anh em con cháu về khai khẩn trước, sau thì đến cụ tổ nhà tôi từ Giao Thủy Nam Định sang, cụ tổ họ Mai ở Tây Lương ra, cùng nhau lập nên làng Phụ Thành. Cụ Lại Thế Nhang sau được thờ làm Thành hoàng làng. Cho đến năm 1840, ba cụ Lại Đinh Mai bàn việc làm đình, cột gỗ, tường trình đất, mái lợp bổi. Đó là ngôi đình có sớm nhất quanh vùng. Cũng là nơi quan Dinh điền sứ lập hành dinh chỉ huy quai đê, đêm về tụ tập trai thanh gái lịch ra đình để quan dạy hát nói hát bội. Đó chính là cái nôi sinh thành ca cải lương của làng tôi.

Khi tôi còn bé tí, đã nghe cải lương vọng cổ, cảm thấy rất rõ cái hồn làng của những cư dân phiêu tán, hoài nhớ quê xưa, hệt như Nam bộ bây giờ ai cũng thấy. Khoảng gần 100 năm sau, năm 1926 ngôi đình dột nát, vẫn các cụ Lại Đinh Mai bàn nhau xây đình tường gạch cột gỗ lim, ngói âm dương bề thế còn mãi đến hôm nay. Người Phụ Thành, ai có học hành đỗ đạt, đều phải coi ngôi đình là cái nôi vỡ lòng, ý thức rõ hơn một chút, sẽ thấy ngôi đình làng trên thực tế là một ngôi trường, một “nhà văn hóa” ươm mầm cho mọi khát vọng làm người, là nền tảng cho mọi nhân cách.

Chúng tôi, những kẻ đi ăn cơm góp thiên hạ học được một nếp hay. Ngày 27 tháng Chạp, tôi cho mua con lợn 78 kg, lợn ăn cám gạo và bã rượu, cho lòng nó ngon; ông anh tôi bảo thế. Tôi mời tất cả anh chị em con cháu trong họ và những ông bà láng giềng đến ăn lòng lợn tiết canh. Tôi nghiệm ra, cái khung cảnh gói bánh chưng, luộc bánh chưng bây giờ không hấp dẫn nổi bọn các cháu bé như hồi tôi còn bé. Nhưng bữa tất niên lòng lợn tiết canh thì bừng bừng khí thế.

Có lẽ, cái hạnh phúc nho nhỏ tôi mới có được, là được ăn miếng ngon, cùng những người ruột thịt, mời ai cũng đến, không đến được thì cũng đến nói rõ lý do; đến được thì ngồi khoanh bằng tròn, chén rượu nhấc lên đặt xuống, tiết canh cả bát, nhìn miệng ai cũng ngon, nét mặt ai cũng bừng bừng sáng láng; tôi bất giác bụng bảo dạ cầu cho được khỏe mạnh mươi mười lăm năm nữa, để mỗi tết về mổ lợn ăn lòng sốt tiết canh cùng anh em con cháu và người làng. Rồi thì con cháu đứa nào việc nấy, đứa giã giò, đứa rửa lá chuối lá dong, giò luộc lên, mỗi nhà xách một khoang nọ một khoanh kia, râm ran hết cả chiều.

Tôi sắp vàng hương ra thăm mộ.

Một lần tôi đã viết về cái nghĩa trang làng tôi, nó nằm ở đạc mười; tức từ đình vào tròn 600 m nhưng là đường rất khó đi. Ngày tôi đưa mẹ, rồi đưa bố tôi ra đồng, phải vòng qua đường ruột xã, đến trước cửa chùa mới vòng trở lại. Ông chú họ tôi, ông Đinh Hữu Đài làm trưởng thôn khá lâu, đã làm được nhiều việc nhưng trước khi nhắm mắt còn nuối tiếc chưa lo xong con đường ra nghĩa trang. Bây giờ thì con đường đang hình thành, rộng 3 m, mới rải gạch đá xong, còn đợi để đổ bê tông xi măng cát vàng.

Nghĩa trang! Thời xa xưa, nó được gọi tên chữ là nghĩa địa, gọi nôm na là bãi tha ma. Bây giờ các họ đua nhau xây lăng mộ tổ to đẹp, gọi là nghĩa trang không còn thấy ngại ngần. Tôi thấy các nhà báo hay viết về việc này một cách không thiện cảm, nào con gà tức nhau tiếng gáy, bắt ép hối thúc nhau vay nợ mà đóng góp cho ông trưởng tộc. Làng tôi không thế, không ai hối thúc ai; ai công đức bao nhiêu là tùy tâm tùy tài, ai không có của thì góp công; họ tôi quy tập mộ, xây lăng, xây nhà thờ đều chỉ một chính sách ấy. Sau hỏi ra mới biết họ nào cũng thế cả.

Tôi vừa thắp hương vừa ngẫm nghĩ, làng tôi được công nhận là Làng Văn hóa thật chính xác. Trọng lễ nghĩa tình thân, không trọng tiền. Mỗi lần khiêng người chết trồi lên trụt xuống, người người đều ước có con đường to sạch, vậy là bàn nhau góp công góp sức cùng làm. Bây giờ ô tô con về làng nhiều, ai ra thăm mộ bằng ô tô xin cứ việc. Dọc xã tôi có con mương lớn, mà dân làng vẫn gọi là sông, rộng có đến hơn 10 m, đào từ ngày phong trào thủy lợi Thái Bình cao nhất nước. Nó lấy nước từ sông Trà Lý và theo kênh thủy lợi từ huyện, miệt mài thau chua rửa mặn cho ruộng làng tôi hết thảy thành mật điền. Đấy cũng là con mương chúng tôi tắm mát suốt thời thơ ấu, tắm người rồi tắm cho trâu bò.

Xã tôi cũng như những làng quê khác đang háo hức xây dựng nông thôn mới. Vâng, nông thôn mới đến đâu thì mới, vẫn cứ phải trọng tình hơn trọng tiền, vẫn cứ phải trọng tâm linh hơn sự phấn hứng sôi nổi và vẫn phải giữ cho được cái vẻ sạch xanh ngăn nắp của làng quê từ xa xưa. Trên cái nền ấy thì giàu có đến đâu, phát triển đến đâu cũng không thể trở thành ô trọc, thành ngột ngạt phố phường. Và tôi tin rằng, cơn sốt đô thị và công nghiệp hóa càng gắt gỏng hối thúc thì cái thanh bình tình nghĩa của làng quê sẽ càng là nơi con người khao khát tìm về, ít nhất chỉ là về ăn tết. Để tâm hồn đỡ day dứt, đỡ trơ trẽn hơn. Câu thơ của Lương Tử Đức chính là một dự cảm…

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất