| Hotline: 0983.970.780

Tết quê vùng Miệt Thứ

Thứ Hai 05/02/2024 , 06:00 (GMT+7)

Kiên Giang Người dân vùng Miệt Thứ đón Tết vắt qua 2 vụ thu hoạch lúa và thả nuôi tôm. Ngày hội xuống đồng vui như Tết và trúng mùa nên Tết càng thêm sung túc.

Giữ nếp nhà xưa

Cả xưa và nay, vùng Miệt Thứ đều không có tên trong bản đồ địa giới hành chính. Thế nhưng trong tâm thức người dân và trong thi ca, Miệt Thứ luôn tồn tại. Miệt Thứ là tên gọi dân dã, thân quen để chỉ vùng đất rộng lớn nằm trải mình giữa một bên là biển Tây và một bên là rừng tràm U Minh bạt ngàn. Ngày nay, Miệt Thứ thuộc vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, gồm các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng.

Từ một vùng đất hoang vu bước ra từ khói lửa chiến tranh, nhờ ý chí của con người, ngày nay Miệt Thứ đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành vùng quê đáng sống. Ảnh: Trung Chánh.

Từ một vùng đất hoang vu bước ra từ khói lửa chiến tranh, nhờ ý chí của con người, ngày nay Miệt Thứ đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành vùng quê đáng sống. Ảnh: Trung Chánh.

Vùng Miệt Thứ được hình thành bởi những con rạch song song chảy từ rừng ra biển. Biệt danh Miệt Thứ là tên ghép giữa hai từ Miệt và Thứ. Miệt ở đây chỉ xứ sở, vùng đất xa xôi, hẻo lánh như miệt vườn, miệt biển, miệt rừng, miệt núi. Còn Thứ là chỉ thứ tự số đếm. Ở Miệt Thứ không có thứ một, mà bắt đầu từ thứ hai, hình thành các địa danh Thứ hai, Thứ Ba, cho đến Thứ Mười Một, tương ứng với mười con rạch. Vì vậy, Miệt Thứ còn được gọi là vùng đất Thập Câu (10 con rạch).

Ông Út Ẩn cho biết, vùng Miệt Thứ là cái nôi của cách mạng, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã phải hứng chịu biết bao bom đạn của kẻ thù, với nhiều đau thương mất mát. Từ một vùng đất hoang vu bước ra từ khói lửa chiến tranh, nhờ ý chí của con người, ngày nay Miệt Thứ đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành vùng quê đáng sống.

Sau này, có thêm những con rạch nhỏ được hình thành xen giữa các thứ, được gọi là Xẻo, tạo nên địa danh Xẻo Rô, Xẻo Bướm, Xẻo Nhàu, Xẻo Lá, Xẻo Lúa và thêm các thứ lẻ như Thứ Tám Rưỡi, Thứ Chín Rưỡi… Khi dân cư ngày càng đông đúc và để phát triển kinh tế, quốc phòng, chính quyền đã tiến hành đào các kênh trục dọc Xẻo Rô - Cán Gáo, kênh Chống Mỹ...

Cũng giống nhưng nhiều vùng dân cư khác ở miền Tây, người dân vùng Miệt Thứ chủ yếu sống tập trung theo các kênh, rạch, trên bến, dưới thuyền. Hệ thống giao thông thủy cũng là tuyến kênh rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản.

Một buổi sáng đầu xuân, tôi ghé thăm nhà ông Út Ẩn (Trần Long Ẩn), ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang. Nhà ông Út Ẩn nằm quay mặt ra kênh xáng Xẻo Rô, phía sau là ruộng vườn. Đó là căn nhà được làm hoàn toàn bằng cây gỗ đã có tuổi đời mấy chục năm, với thiết kế ba gian, cột vuông, vách ốp gỗ khá vững chãi. Ông Út Ẩn bảo: “Nếp nhà truyền thống của người dân vùng Miệt Thứ là nhà cột tròn, kê trên đá tảng, nhà nào kinh tế khá giả thì làm cột vuông bằng gỗ quý. Bây giờ các gia đình trẻ thường chọn làm nhà tường nhưng tôi vẫn thích và giữ nếp nhà xưa, sống rất thoáng mát”.

Theo ông Út Ẩn, vùng Miệt Thứ ngày xưa rất hoang vu, đất rộng người thưa, người dân cứ tìm những chỗ ưng ý rồi ra sức khẩn hoang, phá tràm, phát lau, bạt sậy để trồng lúa. Mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa, với năng suất khoảng 8 - 10 giạ/công nhưng không ít hộ vẫn có lúa trăm, lúa ngàn.

Cũng giống nhưng nhiều vùng dân cư khác ở miền Tây, người dân vùng Miệt Thứ chủ yếu sống tập trung theo các kênh, rạch, trên bến, dưới thuyền. Ảnh: Trung Chánh.

Cũng giống nhưng nhiều vùng dân cư khác ở miền Tây, người dân vùng Miệt Thứ chủ yếu sống tập trung theo các kênh, rạch, trên bến, dưới thuyền. Ảnh: Trung Chánh.

Vụ lúa mùa thu hoạch vào dịp cuối năm nên lúa thu hoạch về phơi khô, đóng đầy bồ rồi mới dọn nhà đón Tết. Trong tâm thức của người dân vùng Miệt Thứ, Tết sung túc đủ đầy ngoài lúa mới đầy bồ thì khạp gạo, kiệu nước cũng phải làm mới và đầy tràn. Các hũ gia vị như đường, muối, bột ngọt, nước mắm cũng phải được rửa sạch, đổ đầy.

Đã mấy chục năm qua, ông Út Ẩn vẫn thích giữ nếp nhà xưa, được làm hoàn toàn bằng cây gỗ, với thiết kế ba gian, cột vuông, vách ốp gỗ khá vững chãi. Ảnh: Trung Chánh.

Đã mấy chục năm qua, ông Út Ẩn vẫn thích giữ nếp nhà xưa, được làm hoàn toàn bằng cây gỗ, với thiết kế ba gian, cột vuông, vách ốp gỗ khá vững chãi. Ảnh: Trung Chánh.

Do lúa vừa thu hoạch xong, nên Tết đối với người dân vùng Miệt Thứ ngoài mổ heo, gói bánh tét thì còn một thứ bánh nữa cũng không thể thiếu đó là giã bánh phồng. Nguyên liệu làm bánh phồng phải là gạo nếp mới, vừa thơm vừa dẻo, được hấp chín rồi giã quết cho thật nhuyễn, thêm nước cốt dừa, đường, nặn thành từng bánh và dùng cây tròn cán mỏng đều.

Sau ngày mùa, ông Út Ẩn cùng con, cháu dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa chuẩn bị đón cái Tết no ấm, sung túc. Ảnh: Trung Chánh.

Sau ngày mùa, ông Út Ẩn cùng con, cháu dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa chuẩn bị đón cái Tết no ấm, sung túc. Ảnh: Trung Chánh.

Để phơi bánh, người dân sẽ mua những chiếc chiếu mới, trải lên hàng rào cây xanh trước sân nhà, rải từng chiếc bánh phồng lên phơi. Khi bánh khô sẽ gỡ xếp thành chồng, những chiếc chiếu sẽ được mang đi giặt và trải lên giường trong nhà đón năm mới. Bánh phồng trước khi ăn sẽ được nướng trên bếp than hồng, với mùi thơm đặc trưng của nếp mới, vị béo của nước cốt dừa. Bánh phồng nếp là món ăn dân dã, mang đậm hương vị của đồng quê và là thứ bánh không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Nét đẹp lao động ngày Tết

Nhớ lại những cái Tết ở những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, ông Út Ẩn cho biết, hồi đó ở vùng này không có ai đi bán hoa, bán kiểng chưng Tết như bây giờ. Vì vậy nhà nào muốn có hoa chưng Tết thì phải tự trồng. “Trước sân nhà tôi trồng hàng chục gốc mai vàng, mai chiếu thủy, được tạo hình bonsai rất đẹp. Mỗi dịp Tết đến xuân về là trước sân luôn rực rỡ mai vàng”, ông Út Ẩn tự hào khoe.

Sống vui thú điền viên ở cái tuổi 84, ông Út Ẩn vẫn thích trồng cây, chăm sóc kiểng, nuôi cá, gà, vịt, để con cháu khi về quây quần ngày Tết có cái ăn. Ảnh: Trung Chánh.

Sống vui thú điền viên ở cái tuổi 84, ông Út Ẩn vẫn thích trồng cây, chăm sóc kiểng, nuôi cá, gà, vịt, để con cháu khi về quây quần ngày Tết có cái ăn. Ảnh: Trung Chánh.

Phong tục ngày Tết là phải có “thịt mỡ, dưa hành”, người dân vùng Miệt Thứ trước đây thường mổ heo ăn chia, trả bằng lúa chứ không mua bán bằng tiền. Theo ông Út Ẩn, hồi đó heo nhà nuôi là giống heo cỏ, nhỏ con, bung phệ, nhiều mỡ nên thường 2 - 3 nhà sẽ chia nhau một con ăn Tết là vừa. Còn những nhà đông con, cháu thì phải làm cả con mới đủ ăn.

Bây giờ vùng Miệt Thứ đã chuyển sang sản xuất lúa - tôm nhưng ông Út Ẩn vẫn giữ lại một đìa cá sau nhà, nước ngọt quanh năm, con cháu quây quần ngày Tết muốn ăn cá thì chỉ việc bắt lên. Ảnh: Trung Chánh.

Bây giờ vùng Miệt Thứ đã chuyển sang sản xuất lúa - tôm nhưng ông Út Ẩn vẫn giữ lại một đìa cá sau nhà, nước ngọt quanh năm, con cháu quây quần ngày Tết muốn ăn cá thì chỉ việc bắt lên. Ảnh: Trung Chánh.

Những ngày Tết, ăn thịt nhiều sẽ ngán, người dân vùng Miệt Thứ thường tổ chức chụp đìa để bắt các loại cá đồng rộng ăn dần. Ông Út Ẩn cho biết, hồi đó cá đồng tự nhiên rất nhiều, sau khi cắt lúa, nắng nóng làm nước cạn dần, tôm cá sẽ gom về nên chụp đìa bắt rất nhiều cá. Khi bắt cá xong, bao giờ chủ đìa cũng sẽ lựa ra những con cá đẹp, thả lại để làm cá bố, mẹ, chờ mưa xuống chúng sẽ sinh sản, chứ không bắt tận diệt tất cả. Món cá đồng dễ chế biến và ăn rất ngon đó là nướng trui bằng rơm, ăn với các loại rau mọc tự nhiên như rau cải trời, rau đắng đất. Cá lóc lớn thì làm kho chung với thịt kho tàu ăn sẽ đỡ ngán.

Người dân vùng Miệt Thứ đón Tết vắt qua 2 vụ thu hoạch lúa và thả nuôi tôm. Ảnh: Trung Chánh.

Người dân vùng Miệt Thứ đón Tết vắt qua 2 vụ thu hoạch lúa và thả nuôi tôm. Ảnh: Trung Chánh.

Còn những đìa gần nhà, người dân sẽ dùng mồi để nhử cá lóc, cá trê từ sông vào, chờ đến cận Tết sẽ tát bắt cá. Bây giờ vùng Miệt Thứ đã chuyển sang mô hình luân canh một vụ lúa, một vụ tôm, nước mặn vào nên cá đồng ngày càng ít. Nhưng ông Út Ẩn vẫn giữ lại một đìa cá sau nhà, nước ngọt quanh năm, con cháu quây quần ngày Tết muốn ăn cá thì chỉ việc bắt lên.

Theo ông Út Ẩn, người dân vùng Miệt Thứ có một phong tục ngày Tết liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp rất hay mà nhiều người vẫn còn giữ, truyền lửa cho con, cháu. Vào sáng mùng 2 Tết, mọi người sẽ cùng nhau ra đồng lao động. Thời điểm Tết, lúa trên đồng đã thu hoạch hết nhưng mọi người vẫn mang theo liềm để cắt gốc rạ, thanh niên trai tráng thì mang theo leng để đào đường nước, mương phèn...

Một năm, người dân vùng Miệt Thứ có 2 vụ sản xuất chính, đó là trồng lúa và nuôi tôm, thời tiết thuận lợi, trúng mùa nên Tết càng thêm sung túc. Ảnh: Trung Chánh.

Một năm, người dân vùng Miệt Thứ có 2 vụ sản xuất chính, đó là trồng lúa và nuôi tôm, thời tiết thuận lợi, trúng mùa nên Tết càng thêm sung túc. Ảnh: Trung Chánh.

Không chỉ nông dân mà ngư dân vùng Miệt Thứ cũng coi chuyến biển xuất bến ngày Tết là quan trọng nhất trong năm. Đầu năm suôn sẻ thì cả năm sẽ thuận lợi, may mắn, trúng nhiều cá, tôm. Ông Ba Điều (Nguyễn Thanh Điều, ở ấp Xẻo Nhàu A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh) là chủ tàu cá làm nghề cào, mấy chục năm nay đều chọn sáng ngày mùng 4 Tết để xuất bến đầu năm.

Ông Ba Điều cho biết, sau chuyến biển cuối năm về, khi vào bờ cân bán hết cá xong, cả chủ và bạn đi tàu (ngư phủ) sẽ tập trung vệ sinh sạch sẽ tàu cá, sơn sửa và tiếp lại đầy đủ nguyên, nhiên liệu thật tươm tất. Nếu trong năm đi biển thuận lợi, đánh bắt trúng nhiều cá, tôm, đạt lợi nhuận như kỳ vọng thì sẽ tổ chức cúng heo quay, đãi tiệc, chia lợi nhuận, thưởng cho bạn đi tàu để cùng nhau vui đón Tết.

Ngư dân vùng Miệt Thứ coi chuyến biển xuất bến ngày Tết là quan trọng nhất trong năm, đầu năm suôn sẻ thì cả năm sẽ thuận lợi, may mắn, trúng nhiều cá, tôm. Ảnh: Trung Chánh.

Ngư dân vùng Miệt Thứ coi chuyến biển xuất bến ngày Tết là quan trọng nhất trong năm, đầu năm suôn sẻ thì cả năm sẽ thuận lợi, may mắn, trúng nhiều cá, tôm. Ảnh: Trung Chánh.

Ăn Tết xong, sáng mùng 4 sẽ là ngày xuất bến, khác với nông dân ra đồng làm lấy ngày thì ngư dân đã ra khơi là đánh bắt luôn, khi tôm, cá đầy khoang mới quay vào bờ. Còn đối với tàu lớn, đánh bắt xa bờ dài ngày, nếu không xuất bến ngày mùng 4, thì sẽ chọn ngày mùng 6 hoặc mùng 9 để ra khơi. Tàu cá của ngư dân vùng Miệt Thứ thường sẽ tập trung về cửa biển Xẻo Nhàu, sau những ngày vui Xuân, đón Tết bên gia đình, người thân, họ sẽ chọn ngày cho tàu nhổ neo ra khơi để “đón lộc” đầu năm mới. Với hy vọng, cầu may cả năm trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa và đánh bắt được nhiều cá, tôm, tiết xuân trên những chuyến biển sẽ kéo dài thêm…

“Mặc dù hoạt động ra đồng lao động ngày Tết chỉ là làm tượng trưng, lấy ngày nhưng thể hiện tư tưởng coi trọng công việc, coi trọng nghề nông đã nuôi sống con người. Đó là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa cầu mong mình có được sức khỏe tốt để chăm chỉ làm ăn trên chính những cánh đồng quê hương mình, vừa cầu trời đất ban cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mang lại cuộc sống ấm no, sung túc”, ông Út Ẩn chia sẻ.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.