| Hotline: 0983.970.780

Tết thầy, cúng tổ

Thứ Sáu 02/02/2024 , 07:00 (GMT+7)

Có một đặc điểm của lao động nghề thủ công ở Nam - Ngãi - Bình - Phú là sự liên kết thành các tổ chức phường hội không quá chặt chẽ với những quy ước ràng buộc như ở phía Bắc.

Sản phẩm từ nghề tạo tác tranh đá quý Phú Yên.

Sản phẩm từ nghề tạo tác tranh đá quý Phú Yên.

Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Một trong những biểu hiện của đạo lý giàu tính nhân văn này là những tập tục, nghi lễ thể hiện sự tri ân của hậu thế, học trò đối với các vị tổ nghề, các bậc tiền bối truyền nghề cho thế hệ cháu con.

Lai lịch các nghề thủ công truyền thống ở vùng Nam Trung bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) phản ảnh một phần quá trình người Việt từ phía bắc (chủ yếu là vùng Sơn Nam Hạ - Thanh - Nghệ - Tĩnh) đi vào vùng đất mới để mở đất, lập làng. Trong cuộc hành trình gian khổ vào phương Nam, họ mang theo những nghề truyền thống của quê cha đất tổ như làm đồ gốm, dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, đúc đồng, mộc, chế tác sừng… Đến nơi định cư, người Việt lại học thêm một số nghề mới của người bản địa, hoặc tiếp thu kinh nghiệm của người thợ bản địa để làm cho nghề của mình hay hơn, phù hợp hơn với những điều kiện về thổ ngưỡng, sinh hoạt.

Cũng có những nghề người Việt học từ người Hoa đến định cư sau họ (làm kẹo gương, tàu vị yểu, bánh bao, mì hoành thánh…), nhưng đáng chú ý là một số nghề được chính cư dân vùng đất đã tự tìm tòi, sáng tạo trên những nguyên vật liệu địa phương, như nước mắm Hà Quảng, chiếu chẽ Triêm Tây, nhang Phú Hương, chiếu cói Thăng Bình, (Quảng Nam), mạch nha Mộ Đức, đường phèn Thu Xà (Quảng Ngãi), nem chợ Huyện, rượu Bàu Đá (Bình Định), bánh tráng Hòa Đa, mây tre đan Vĩnh Phú (Phú Yên)...

Thực tế tiến trình dựng nước của dân tộc, dải đất từ phía nam Hoành Sơn (đèo Ngang) trở vào là nơi mà người Việt đặt chân đến muộn hơn so với vùng lưu vực sông Chu, sông Cả, Sông Mã ngược ra phía đồng bằng sông Hồng, sông Thương, sông Lục Nam. Và cũng chính vì vậy mà hầu hết những bậc tổ nghề ở phương Nam nói chung, vùng Nam Trung bộ nói riêng, đều là hậu tổ, truyền nhân của các vị sư tổ vốn hành nghiệp ở đất Bắc. Mặt khác, do hoàn cảnh sinh tồn của một vùng đất mới, người Việt phía Nam ít có điều kiện tổ chức lễ hội linh đình vào các dịp tế thánh sư, tổ nghiệp. Họ tự coi mình là con thứ, vì mưu sinh phải phiêu bạt tha hương, vào những ngày kỵ, ngày giỗ thắp nén hương cùng lễ vật lên bàn thờ vọng mà tỏ lòng tri ân tiên tổ, ngưỡng vọng quê xưa, nhớ người thầy đã truyền nghề cho họ.

Có một đặc điểm của lao động nghề thủ công ở Nam - Ngãi - Bình - Phú là sự liên kết thành các tổ chức phường hội không quá chặt chẽ với những quy ước ràng buộc (vì lợi ích chung) như ở phía Bắc, cho dù ở đây cũng đã hình thành nhiều làng nghề tương đối lâu đời như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam), làng nón Chợ Đình, làng đúc đồng Chú Tượng (Quảng Ngãi), làng gốm xóm Gõ (Phú Yên), làng bún bánh An Phong, làng cói chiếu Công Thạnh (Bình Định)... Mối liên kết của những người thợ diễn ra theo hướng gia đình, mẹ dạy cho con gái nghề chăm nón, dệt chiếu; cha dạy cho con trai nghề rèn, nghề chế tác đá...

Chuông chùa Thiên Ấn gắn với Phật thoại Chuông Thần, một sản phẩm của làng đúc đồng Chú Tượng (Quảng Ngãi).

Chuông chùa Thiên Ấn gắn với Phật thoại Chuông Thần, một sản phẩm của làng đúc đồng Chú Tượng (Quảng Ngãi).

Có làng nghề vì trong quần thể làng làm nông ấy, bên cạnh việc trồng trọt, chăn nuôi, nhiều gia đình còn làm thêm một nghề thủ công giống nhau. Vì thế, hầu hết làng nghề ở Nam Trung bộ là làng nghề thủ công nằm trong làng làm ruộng mà không phải (hoặc chưa phải) những người làm cùng nghề trong làng liên kết rõ rệt thành phường hội, có phân công lao động, có quy ước về giá cả sản phẩm bán ra…

Dĩ nhiên, cũng có một số nghề mà sự truyền dạy cũng như việc hành nghề không bó hẹp trong khuôn khổ gia đình (như nghề mộc, nghề chế tác đá…), nhưng cách dạy nghề và lề lối hành nghề ở đây vẫn mang dáng dấp gia đình. Người thầy xem học trò mình như con cái trong nhà, vì quý mến nết na, thông cảm hoàn cảnh mà dạy bảo, kèm cặp cho có một nghề để người thợ - đứa con ấy mưu sinh đồng thời giữ nghề của tiền nhân truyền lại. Người thợ kính trọng, thương yêu người thầy - cũng thường là người thợ cả, như cha mẹ. Thầy còn sống thì nghe lời thầy, ra sức rèn luyện để tiếp thu những ngón nghề thầy dạy. Thầy qua đời rồi thì những dịp lễ Tết, ngày kỵ, giỗ cùng nhau về nhà thầy lo lắng như đứa con, cùng với những người con đẻ của thầy chăm lo hương khói, mộ phần.

Người thợ thủ công dù đã phương trưởng trong nghề nghiệp, tự hành nghề trong làng xóm hay tha hương kiến nghiệp, hàng năm đến khoảng nửa cuối tháng Chạp âm lịch có tục đi Tết thầy. Vào dịp này, gia đình người học trò sắm sửa một ít lễ vật (một con gà trống, vài chục trứng, mấy cân đậu xanh, vài ba cân gạo nếp…) mang đến biếu thầy, gọi là góp lễ với thầy cúng tổ nghề trong dịp Tết. Nếu người học trò đi làm ăn nơi xa chưa về kịp thì người vợ hoặc con trai (đã trưởng thành) thay mình đưa lễ đến thăm thầy.

Nghi thức đầu tiên của người học trò khi đến Tết nhà thầy là dâng hương và một ít lễ vật tượng trưng lên bàn thờ tổ nghề, có người thầy đứng bên cạnh, như thể người cha dắt con mình đến ra mắt bề trên. Khi nhận quà, người thầy nói lời cảm ơn, hỏi thăm gia cảnh, công việc làm ăn, dặn dò người học trò phải biết giữ nghề, trau nghề cho tinh tiến, không chạy theo đồng tiền mà làm ăn cẩu thả gây phương hại đến uy tín của thầy, của bạn... Người học trò đứng trước mặt thầy, vòng tay, cúi đầu nghe lời thầy dặn rồi kính cẩn hứa vâng lời thầy dạy. Xong các nghi thức này thầy trò mới ngồi lên bộ ván, mời nhau chén nước trà, luận đàm, tâm sự. Lúc người học trò sửa soạn ra về, người thầy lấy một ít lễ vật biếu mẹ cha người học trò cùng với lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.

Đối với người thợ thủ công, một năm thường có hai lệ tế bái liên quan đến nghề nghiệp là cúng tổ, và giỗ thầy. Mỗi nghề có một ngày cúng tổ (thường là hậu tổ), có nghề người ta biết danh tính vị tổ, nhưng cũng có nghề người ta chỉ gọi là “tổ” mà không có họ tên người cụ thể (có thể do mai một danh tánh, nhưng cũng có thể do nghề ấy được hình thành qua nhiều thế hệ, nhiều nghệ nhân cùng vun bồi, tạo dựng), như nghề may (22/11 âm lịch), nghề mộc (20 tháng Chạp)...

Đèn lồng Hội An (Quảng Nam).

Đèn lồng Hội An (Quảng Nam).

Giỗ thầy là lệ giỗ người thầy trực tiếp truyền nghề cho mình. Hằng năm, đến ngày giỗ thầy, những người thợ - học trò thuộc nhiều thế hệ tập trung về nhà thờ ông thầy dạy nghề cho mình (đã quá cố), cùng với con cháu thầy lo việc lễ. Họ cúng bái tưởng vọng thầy mình, ôn lại chuyện xưa, tích cũ, nhắc nhau giữ nghề, luyện nghề, giữ quan hệ gắn bó với nhau như ruột thịt để xứng với lời căn dặn của thầy trước lúc đi xa…

Tết thầy - giỗ tổ là một phong tục tốt đẹp, rất cần được duy trì. Ông bà ta dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Muốn có nghề tinh thì điều tâm niệm đầu tiên mà cũng là trọn đời của người thợ là phải biết trọng tổ, kính thầy. Không thầy đố mày làm nên!

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...